Nội dung này được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Toàn bộ số vốn tăng thêm được đóng góp bằng VND và nguồn vốn tư nhân. Như vậy, chỉ trong tháng 4, Bamboo Airways đã tăng vốn điều lệ 2 lần. Hôm 13/4, hãng hàng không này thông báo tăng vốn từ 10.500 tỷ lên 12.500 tỷ đồng.

Bamboo Airways thành lập tháng 5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng. Từ đó đến nay, hãng bay này đã tăng vốn 7 lần.

Sau lần tăng vốn mới nhất, Bamboo Airways đã vượt Vietnam Airlines để trở thành hãng bay có vốn điều lệ lớn nhất thị trường hàng không. Hiện tại, Vietnam Airlines có vốn điều lệ hơn 14.100 tỷ đồng, Vietjet Air hơn 5.400 tỷ đồng, Vietravel Airlines 700 tỷ đồng.

Giữa tháng tư, Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết cho biết có kế hoạch IPO hãng bay này tại Mỹ trong quý III, với mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần. Theo dự tính của Bamboo Airways, vốn hoá của hãng có thể đạt 4 tỷ USD.

Bamboo Airways cũng đang tiến hành nâng quy mô đội máy bay từ 30 lên 40 chiếc (kỳ vọng là 50 chiếc) vào cuối năm nay, tăng 10-20 chiếc so với năm 2020.

Hãng hàng không này cũng dự kiến mở rộng tuyến đường bay lên 70-80 đường, trong đó tập trung chính vào các tuyến bay thẳng kết nối các điểm đến du lịch tiềm năng chưa hãng nào khai thác.

Đối với mạng bay quốc tế, hãng đang chuẩn bị các công đoạn để có thể bay ngay sau khi Chính phủ và các điều kiện thị trường cho phép. Trong đó, các tuyến bay thẳng Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… dự kiến trở lại vào quý II và các đường bay thẳng đi Tokyo (Nhật Bản), Melbourne, Sydney (Australia), Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ... cũng được chuẩn bị để đưa vào khai trương trong năm nay.

Năm 2021, hãng hàng không của FLC đặt mục tiêu 20 triệu lượt khách trên 110.000 chuyến bay và chiếm 30% thị phần hàng không nội địa. Trong năm 2020 trước đó, FLC cho biết Bamboo Airways đã chiếm 20% thị phần hàng không nội địa, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế 400 tỷ.

screenshot-4-1619663947.jpg
Quy mô vốn của cá hãng hàng không - ảnh: Vietnambiz

Năm 2020, Bamboo Airways thông báo đạt lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, thuộc số ít hãng bay trên thế giới có lãi năm đại dịch. Khoản lãi này tăng 34% so với năm 2019.

Bamboo Airways được thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ 700 tỷ đồng do Tập đoàn FLC góp 100%. Khi Bamboo tăng vốn lên 10.500 tỷ đồng vào tháng 2 năm nay, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC giảm còn 39,4% và do vậy FLC không còn là công ty mẹ của hãng hàng không này.

Dù vậy, ghế lãnh đạo tại Bamboo Airways vẫn do các nhân sự chủ chốt của Tập đoàn FLC nắm giữ. Ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT của cả hai doanh nghiệp; ông Đặng Tất Thắng vừa là Phó Chủ tịch của FLC, vừa là Tổng Giám đốc của Bamboo.

Theo số liệu của Cục Hàng không, 6 hãng bay nội địa đã khai thác tổng cộng 24.001 chuyến bay trong tháng từ 19/3 đến 18/4 vừa qua, tăng trưởng 41% so với tháng trước và 562% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 là quãng thời gian nước ta giãn cách xã hội toàn quốc để chống dịch COVID-19 nên số chuyến bay giảm sâu, vì thế mà tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái lại cao đột biến như nói ở trên.

Vietnam Airlines dẫn đầu với 8.882 chuyến, theo sau là Vietjet Air với gần 8.100 chuyến, Bamboo Airways hơn 4.400 chuyến, Pacific Airlines và Vasco đều có khoảng trên 1.000 chuyến và tân bình Vietravel khai thác 288 chuyến.

Về tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP), Bamboo Airways dẫn đầu với 96%. Trong tháng trước đó (từ 19/2 đến 18/3), ngôi đầu OTP thuộc về Vietravel Airlines với tỷ lệ 98,6%. Trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020, Bamboo đều là hãng cất cánh đúng giờ nhất Việt Nam.

Tổng cộng đã có 1.777 chuyến bay cất cánh muộn. Trong số này, Vietnam Airlines có 790 chuyến, tương đương tỷ lệ 8,9%; Vietjet Air có 542 chuyến, tương đương 6,7%; Bamboo Airways có 178 chuyến, tức 4%. Nguyên nhân chậm chủ yếu là tàu bay về muộn.