loi-nhuan-17335593-1631503212.jpg
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm, Chứng khoán VnDirect cho rằng đà tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ chậm lại trong nửa cuối năm do biên lãi suất (NIM) sẽ giảm so với nửa đầu năm.

Theo VnDirect, việc cải thiện NIM sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng thương mại được yêu cầu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng/doanh nghiệp trong đại dịch.

Cụ thể, các NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank và VietinBank đã giảm lãi suất cho vay lên tới 1 điểm %, trong khi BID giảm lãi suất cho vay lên tới 1,5 điểm % cho tất cả khách hàng trong nửa cuối năm. VCB, sau đó, tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên tới 0,5 điểm % đối với các khoản vay hiện hữu của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và 17 tỉnh phía Nam khác đang thực hiện Chỉ thị 16; tổng gói hỗ trợ lãi suất của 3 ngân hàng ước tính gần 11.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021.

Trong nhóm các NHTM tư nhân, Techcombank, VPBank, MB và ACB giảm lãi suất cho vay lên đến 1,5 điểm % đối với các khoản vay hiện tại và khoản vay mới để hỗ trợ khách hàng trong nửa cuối năm. 

Mặt khác, xu hướng cải thiện NIM sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng do mức độ biến động của mỗi ngân hàng đối với cạnh tranh trong huy động tiền gửi và nhu cầu huy động vốn rất khác nhau.

Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh vẫn kéo dài, VnDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt hiện hành cho đến năm 2022. Nhờ vậy, các ngân hàng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chi phí vốn thấp. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi không gay gắt lắm và thanh khoản dồi dào như hiện nay, VnDirect ưa thích các ngân hàng có khả năng mở rộng cho vay cá nhân vì sẽ được hưởng lợi suất tài sản tốt hơn. 

screen-shot-2021-09-12-at-09-39-57-1631502404.png
Nguồn: VnDirect

Ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành TT14/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh sau thời gian quy định theo TT03/2021/TT-NHNN và TT01/2020/TT-NHNN. 

VnDirect tin rằng chính sách mới này sẽ giúp giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Do lo ngại về khả năng gia tăng nợ xấu trong một vài quý tới, công ty chứng khoán này ưa thích các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và nguồn dự phòng dồi dào. 

screen-shot-2021-09-12-at-09-41-21-1631502401.png
Nguồn: VnDirect

Trong khi đó, tín dụng toàn ngành đã giảm từ tháng 7 khi số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp kiểm soát di chuyển chặt hơn từ 1/8/2021 cùng với việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Các nhà máy được phép hoạt động trong điều kiện giới hạn và kiểm soát người lao động tại chỗ.

Cùng lúc, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam cũng yêu cầu tạm ngưng hoạt động đối với các phương tiện vận chuyển công cộng, xe bus liên tỉnh và cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Do đó, tín dụng hệ thống chỉ tăng 0,9 điểm %, trong 2 tháng vừa qua, đạt 7,4% tại cuối tháng 8 từ mức 6,44% so với đầu năm cuối tháng 6. 

Do vậy, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống 10-12% từ mức 13% trước đó do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay.

"Ở kịch bản cơ sở, số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhờ vậy, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối Q4/21. Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về triển vọng trong năm 2022 vì chúng tôi tin rằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng khi tiêu dùng trong nước dần hồi phục sau đại dịch", báo cáo nhấn mạnh. 

Trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, VnDirect cho rằng các ngân hàng có có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ là những ngân hàng chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, VnDirect cũng cho rằng ngành ngân hàng vẫn có thể đối mặt với những rủi ro chính như việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch COVID-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng vi rút phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022.