Kỳ vọng có thêm đợt nới room tín dụng mới

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng tín dụng hầu như đi ngang trong tháng 7 cũng như trong nửa đầu tháng 8, trước khi bật tăng trong nửa sau tháng 8 nhờ dư nợ vay ngắn hạn. 

Cụ thể, tính đến ngày 25/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,06% so với đầu năm. Kết quả này vẫn tương đối tốt khi so sánh với mới 4,75% cùng kỳ năm ngoái, xét đến tình hình giãn cách xã hội nghiêm trọng hơn trong năm nay.

Theo VDSC, sau giai đoạn gần như không tăng trưởng trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng bật tăng trong vài ngày cuối cùng của tháng. Các phương án giãn cách xã hội nghiêm ngặt được áp dụng sau đó có thể đã khiến tăng trưởng tín dụng giảm trong nửa đầu tháng 8.

Tại thời điểm 11/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 6,66%, tương đương giảm 0,3 điểm % trong vòng dưới hai tuần, chủ yếu do dư nợ cho vay ngắn hạn. Tuy nhiên, cho vay ngắn hạn trở thành động lực dẫn dắt sau đó, tăng từ mức 7,17% (11/8) lên 7,9% (25/8) trong khi dư nợ cho vay trung dài hạn không thay đổi đáng kể. 

Nhóm phân tích cho rằng xu hướng này sẽ được duy trì trong tháng 9 do một số ngân hàng đang cố gắng sử dụng hạn mức tín dụng. Cụ thể hơn, nhiều ngân hàng thương mại đang tập trung cho vay ngắn hạn để lấp đầy hạn mức tín dụng đã được cấp trước đợt điều chỉnh hạn mức sắp tới, mà theo VDSC sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc muộn nhất là nửa đầu tháng 10. 

"Room tín dụng hiện tại được cấp thấp hơn kỳ vọng của hầu hết các ngân hàng. Ước tính hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành hiện tại vào khoảng 10,5%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng 12 - 13% cho cả năm", nhóm phân tích VDSC cho biết.

z2744709291713-af9d4b3c91f2ba3208648f3ce4b100d5-1631077983.jpg
 

Không chỉ VDSC, nhiều công ty chứng khoán cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thêm một đợt điều chỉnh room tín dụng trong những tháng cuối năm, tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn phiến phức tạp như hiện tại.

SSI Research dự báo NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng thêm một lần nữa vào giai đoạn cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay. 

Còn theo ý kiến của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, NHNN cần phải thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quý IV/2021. Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN có thể sẽ phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, giống năm 2020 khi NHNN đã nới hạn mức tín dụng 2 lần. 

Ngân hàng nào có cơ hội được nới ‘’room’’ nhiều nhất?

Vào trung tuần tháng 7, một loạt ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tín dụng để đẩy mạnh hoạt động cho vay dịp cuối năm. Đây là thông tin hỗ trợ đẩy nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng khoảng 10% sau đó. 

Cụ thể, TPBank được nới thêm gần 5,9 điểm % lên 17,4%, MSB được nới 5,5 điểm % lên 16%, Techcombank nới 5,1 điểm % lên 17,1%, MB được nới 4,5 điểm % lêm 15%, ACB và Sacombank cùng được nới 4 điểm % lên lần lượt 13,5% và 10,5%, VPBank được nới 3,6 điểm % lên 12,1%. Trong nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, Vietcombank là nhà băng duy nhất được nới room tín dụng trong đợt vừa qua, từ mức 10,5% lên 14%.

z2662627957853-03f632a989db75684865c0d02a592696-1-1628139239-1631077879.jpg
Mức room tín dụng được cấp mới của các ngân hàng. (Nguồn: Chứng khoán Maybank Kim Eng)

Mặc dù đã được chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng nhưng con số được cấp mới vẫn thấp hơn tương đối nhiều so với năm 2020.

Theo báo cáo tài chính quý II, một loạt ngân hàng tư nhân đã ghi nhận tốc tăng trưởng dư nợ cho vay ở mức cao trong nửa đầu năm như Techcombank (+16%), MSB (+15,2%), MB (+11%), TPBank (+10,2%), ACB (+9,7%),…Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trên, nhiều nhà băng sẽ chạm trần tín dụng vào cuối quý III và đầu quý IV. Do đó, kỳ vọng được nới thêm ‘’room’’ là hoàn toàn có cơ sở khi như cầu tín dụng trong nửa cuối năm thường sẽ cao hơn hai quý đầu năm.

Theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, ngân hàng này không quá lo lắng về tăng trưởng tín dụng dù dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

''Thực tế mà nói, "room" tín dụng hiện tại là không dồi dào, có thể nói là khá ít. Rõ ràng với việc nới room đợt hai là vài %, thì kể cả là dịch bệnh, các ngân hàng vẫn đang còn thiếu’’, ông Hưng cho biết.

Tại nhóm Big4, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng đã áp sát mức trần được NHNN cấp. Cụ thể, BIDV và VietinBank được cấp hạn mức 7,5% thì đã tăng trưởng cho vay đã đạt lần lượt 6,8% và 6% trong nửa đầu năm; Riêng Vietcombank tăng trưởng tới 9,7% sau hai quý vừa qua trên tổng số 14% được cấp.

Chứng khoán MBKE cho rằng những ngân hàng với hệ số an toàn vốn (CAR) tốt và nền tảng khách hàng mạnh như Techcombank, MB, VPBank,… có thể sẽ được ưu tiên phân bổ hạn mức tín dụng cao hơn. Trong khi các ngân hàng quốc doanh cũng có cơ hội nhận được hạn mức tín dụng tốt hơn khi đang cho cho thấy sự tuân thủ theo lời kêu gọi của NHNN về việc điều chỉnh giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.