Ngân hàng đồng loạt báo lãi ‘’khủng’’
Một loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng là các ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa với số lãi thu về tăng trưởng hàng trăm phần trăm.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 805,7 tỷ đồng, gấp gần 8 lần cùng kỳ năm 2020. Tương tự, NCB thông báo lãi nửa đầu năm của NCB tăng gấp 5,5 lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lợi nhuận quý II tăng 12 lần.
Trong thông báo mới đây, MSB cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự tính đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 85% kế hoạch năm. SeABank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Viet A Bank cho biết trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 62% kế hoạch năm. Con số này cũng xấp xỉ mức lợi nhuận trước thuế của cả năm 2020.
Không cao đột biến nhưng nhiều ngân hàng lớn trong nhóm cổ phần cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh trong nửa đầu năm.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế Techcombank đạt tới 11.500 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2020 vàhoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2021 (19.800 tỷ đồng). ACB và MB báo lãi 6 tháng lần lượt 6.400 tỷ và 7.986 tỷ đồng, tăng 66% và 56% cùng kỳ,. Tại VPBank, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.037 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 37%.
Trong nhóm Big4, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước và bằng 57,8% kế hoạch cả năm. Tương tự, VietinBank ước đạt 13.000 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hưởng lợi từ nguồn vốn giá rẻ
Kết quả kinh doanh ấn tượng của các ngân hàng trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ sự bức phá của hoạt động cho vay – nguồn thu chính của các ngân hàng.
Báo cáo tài chính quý II cho thấy thu nhập lãi thuần của Kienlongbank đạt gần 1.227 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ và chiếm gần 84% nguồn thu của ngân hàng. Trong khi MB và Techcombank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt kỷ lục hơn 12.500 và 12.700 tỷ đồng, tăng lần lượt 56% và 34% so với cùng kỳ 2020.
Tại các ngân hàng còn lại, nguồn thu này cũng hầu hết chiếm trên 80% tổng thu nhập hoạt đồng và đều tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Ngành ngân hàng tiếp tục “kiếm bẫm” từ hoạt động cho vay nhờ doanh số và biên lợi nhuận của mảng này mở rộng mạnh mẽ trong thời gian qua.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 có thể đạt 5,5-6%, cao hơn mức tăng 3,6% của cùng kỳ 2020. Nhiều ngân hàng đã tăng trường tín dụng chạm trần từ đầu tháng 6 và đã được nới ‘’room”.. Thực tế, dư nợ cho vay của Techcombank nửa đầu năm tăng tới 13% lên 313.514 tỷ đồng, con số này tại VPBank và MB là 6,9% và 11%.
Trong khi đó, lãi suất huy đông thấp hơn nhiều lãi suất cho vay tiếp tục giúp các nhà băng duy trì được tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ở mức cao.
Số liệu của Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn trên 5.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2021 giảm còn 4,66/năm% và 5,5%/năm, thấp nhất kể từ năm 2017. Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, lãi suất huy động là 5,37%/năm và 5,98%/năm. Tính chung, mức lãi suất huy động bình quân trên thị trường của hai kỳ hạn này lần lượt là 4,82%/năm và 5,61%/năm.
Về phía đầu ra, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp hiện dao động trong khoảng 6 - 9%/năm và 9 - 11,5%/năm đối với khách hàng cá nhân, gần gấp đôi lãi suất huy động.
Số liệu do Techcombank công bố cho thấy, biên lãi thuần (NIM - tính trên 12 tháng gần nhất) đạt 5,6% (so với mức 4,5% trong 12 tháng kết thúc tại thời điểm 30/6/2020). NIM của ACB do SSI Research tính toán cũng tăng thêm 50 điểm cơ bản đạt 4% trong nửa đầu năm.
Điều này đồng nghĩa cứ 100 tỷ cho vay ra, Techcombank sẽ nhận về khoản lãi thuần là 5,6 tỷ đồng sau khi trừ chi phí huy đồng, còn ACB là 4 tỷ đồng.
Ngoài mảng cho vay, các khoản thu nhập ngoài lãi từ hoạt động bán chéo bảo hiểm, thanh toán và kinh doanh doanh chứng khoán cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho đà bức phá lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm.
Tại báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh.
Cụ thể, mức tăng trưởng lợi nhuận nhờ 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.
Báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021 của VnDirect nhận định, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp do chính sách tiền tệ nới lỏng được kỳ vọng duy trì trong nửa cuối năm để hỗ trợ nền kinh tế, cũng như giúp các ngân hàng duy trì thanh khoản ổn định.
VNDirect kỳ vọng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng để phục hồi sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế phục hồi sẽ giúp cải thiện lợi suất tài sản. Một số ngân hàng có tỷ lệ CASA cao và còn nhiều dư địa mở rộng đối với mảng ngân hàng bán lẻ như Vietcombank, MB, Techcombank hay VietinBank sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM hơn nữa.