Một trong những lý do khiến Lý Long Thân chỉ quan hệ làm ăn với người ngoài dòng tộc là để khi cần thiết, vì quyền lợi ông ta có thể “bán đứng” kẻ chung lưng đấu cật mà không hề thương tiếc. Ngày 1-11-1963, anh em Diệm - Nhu bị đảo chính. Trước khi bị bắt, Diệm - Nhu có trốn ở nhà Mã Tuyên ở Chợ Lớn. Anh em Diệm - Nhu bị thanh toán xong, Mã Tuyên cũng bị phe đảo chính truy nã gắt gao, phải trốn chui trốn nhủi.

46501188-355568991871199-5670375489588428800-n-1638268249.jpg
TT Ngô Đình Diệm

Ngày 6-11, Mã Tuyên trốn được tới nhà Lý Long Thân. Là cánh tay kinh tài của anh em Diệm chắc chắn Mã Tuyên sẽ không còn cơ hội thoát hiểm để tiếp tục làm ăn, cho nên sẽ chẳng còn tác dụng gì với Lý Long Thân. Lựa lời ngọt nhạt, Lý phân tích thiệt hơn và khuyên Mã Tuyên trốn sang Nam Vang, đường dây do Lý sắp đặt. 8 giờ tối hôm đó, rời khỏi nhà Lý chưa được 300 mét, Mã Tuyên đã bị Cảnh sát chờ sẵn bắt đi. Lý Long Thân biết rõ mọi chuyện nhưng vẫn tuyệt đối im lặng. Cộng đồng người Hoa Chợ Lớn sôi sùng sục. Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng sau đảo chính, khó đoán được thực hư và hậu quả khiến ai cũng nơm nớp lo lắng nên chưa ai trong cộng đồng Hoa Kiều công khai lên tiếng mạnh mẽ. Chỉ những ánh mắt kỳ thị, căm ghét là không hề dấu diếm, cứ chọc thẳng về phía hoàng đế không ngai Lý Long Thân.

Không chịu nổi sức ép, để tránh tiếng phản bạn và những ánh mắt nghi ngờ từ cộng đồng người Hoa đổ về mình, mãi 3 tuần sau, ngày 26 -11 -1963, Lý Long Thân mới làm đơn gửi Trung tướng Đô trưởng Sài Gòn Mai Hữu Xuân – được Dương Văn Minh và phe đảo chính đưa lên ngày 2-11-1963 nhằm thưởng cho công lao hãn mã trong cuộc đảo chính - xin bảo lãnh cho Mã Tuyên ra Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng II) chữa bệnh. Không ai biết Lý chạy chọt thế nào nhưng sau đó, đơn của Lý đã được chấp thuận.

46487998-355569015204530-7299860926067376128-n-1638268249.jpg
Đại tướng Dương Văn Minh

Mai Hữu Xuân lúc này cũng đang bị phe tưởng vọng ông Diệm lên án, ngấm ngầm nhưng dữ dội, vì bị buộc cho cái tội đã cố ý ra lệnh cho thuộc cấp hạ sát anh em Diệm - Nhu. Để mong dịu bớt dư luận căm phẫn, bất đắc dĩ, Xuân đành phải chấp nhận cho Mã Tuyên tại ngoại có giám sát, đồng thời cho bắt giam để điều tra đại úy Nguyễn Văn Nhung, tên đao phủ đã trực tiếp hành quyết anh em ông Diệm – ông Nhu trên thiết vận xa M.113 bằng dao găm. Không lâu sau đó, tại nơi giam giữ, Nguyễn Văn Nhung đã được ghi nhận là “dùng dây buộc giày treo cổ tự tử”. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là một vụ “chết tại đồn công an” khá bí hiểm, không hiểu vì tự tử thật để chạy tội hay vì bị bức tử rồi dựng hiện trường giả.

Tại bệnh viện Grall, cuộc thăm hỏi của Lý với Mã Tuyên chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Mã Tuyên từ chối không thèm nhìn mặt Lý, cũng không nói nửa lời giải thích lý do đoạn giao. Cộng đồng Hoa Kiều càng có lý do để tin rằng người đồng hương Mã Tuyên đã bị Lý Long Thân bán đứng. Lý đã vờ vịt che giấu, tổ chức đường dây đưa Mã Tuyên lưu vong sang Campuchia, sau đó bí mật báo tin cho cảnh sát đón bắt.

Vụ việc trên cùng với khá nhiều hành vi ám muội khác của Lý bất ngờ bị tuần báo Hành Động lôi tuột ra ánh sáng vào tháng 3-1964 trong suốt ba kỳ báo. Uy tín, nhân cách của một “ông vua” bị báo chí quật cho tơi tả. Cáu tiết Lý Long Thân đâm đơn kiện tờ Hành Động ra Toà tiểu hình. Vụ kiện kéo dài gần năm tháng. Cuối cùng “tờ báo cỏn con” không chịu nổi sức ép từ hàng núi tiền do Lý ném ra, đành chịu thất kiện. Lý đưa ra điều kiện: hoặc đính chính hoặc phải “bồi thường danh dự” bằng một số tiền khổng lồ. Để tránh “cái chết” chắc chắn sẽ xảy ra, ngày 26-8-1964, tờ Hành Động đành phải đăng bài đính chính.

Công việc kinh doanh càng phát triển, Lý Long Thân càng thường xuyên phải xuất ngoại để mở rộng quan hệ. Mỗi lần xin đi, Lý lại một lần bị cảnh sát thẩm tra, chất vấn vì trong quá khứ thể hiện tại hồ sơ tư pháp, ông ta có quá nhiều mối quan hệ mờ ám. Một lần nữa, Lý lại vung tiền lo lót, từ Cảnh sát quận đến Toà áo đỏ (toà thượng thẩm). Đồng tiền của Lý phát huy tác dụng khá triệt để. Ngày 13 -12-1966, Chữ Ngọc Liễn - Phụ tá Tổng ủy viên An ninh đã ký giấy chấp nhận cho Lý Long Thân “bạch hoá hồ sơ”. Kể từ đó, “đương sự Lý Long Thân” trở thành một người “sạch sẽ”, không bị điều tra lôi thôi tốn thì giờ khi đứng đơn xin đi đâu hay làm bất cứ việc gì.

Nhưng Lý Long Thân vẫn chưa yên tâm thoả mãn. Ông ta lại tiếp tục vung tiền mua chuộc hai viên đại tá là Trần Văn Lâm - Tổng giám đốc Việt tấn xã và Tạ Văn Đức - sĩ quan Tổng cục tiếp vận Bộ tổng tham mưu để hai viên đại tá này ký giấy “bảo đảm cho bạn tôi, cam đoan chịu mọi trách nhiệm nếu đương sự có hành vi sai trái hoặc vi phạm luật pháp...”. Với sự bảo lãnh của hai viên sĩ quan cao cấp này, Lý Long Thân trở thành một “công dân lương thiện và đáng kính của xã hội”.

***

Càng giàu có, Lý Long Thân càng ra sức bóc lột công nhân. Thỉnh thoảng để chiều lòng quân đội và chính quyền đang tìm mọi cách bắt quân dịch, Lý lại vô cớ tuyên bố sa thải một số nam công nhân để đẩy họ vào lính.

Theo thống kê, trong ba năm 1962-1964, vật giá ở Sài Gòn tăng 48%. Cũng trong ba năm đó, công nhân ngành dệt may của Lý phải tăng năng suất lao động lên gần gấp đôi. Công nhân dệt từ chỗ đứng 25 - 30 máy/ người phải tăng lên đứng 50 máy/ người. Chưa hết, khẩu phần ăn của họ còn liên tục bị cắt xén, phòng nghỉ xuống cấp không được tu bổ, điều kiện vệ sinh rất kém. Vậy nhưng suốt ba năm, Lý không hề tăng lương cho công nhân. Vì vậy, ở hai công ty VINATEXCO và VINATEFINCO, đình công đã liên tục xảy ra.

Để đối phó, phá các cuộc đình công, Lý đã sử dụng Tô Tấn Phiếu - một chuyên gia phá hoại nội bộ công nhân của Quốc dân Đảng do Châu Trần Tọa tiến cử. Trong khi mức lương giám đốc công ty chỉ 4 - 5.000 đồng/tháng, Lý đã trả cho Tô Tấn Phiếu tới 8.000, rồi 10.000, sau lên 15.000 đồng/tháng để không giữ chức vụ, không làm gì cụ thể cả, chỉ đóng vai trò một mật vụ không biên chế trong đế chế quyền lực của cá mập Lý Long Thân.

Mỗi lần có nguy cơ nổ ra đình công tại các nhà máy, công xưởng của Lý, Tô Tấn Phiếu lại cùng đám cò mồi đàn em tìm cách phát hiện chủ trương đấu tranh, nhận diện người cầm đầu và ban lãnh đạo báo cáo cho Lý. Trong các cuộc đình công, đám cò mồi cố tình gây ẩu đả, đập phá để Lý Long Thân có lý do trừng phạt công nhân, phá rã đấu tranh. Lý thường vu cho những người lãnh đạo là “Cộng sản nằm vùng”, tạo bằng chứng giả để đưa cảnh sát đến xưởng đàn áp bắt bớ.

Nổi tiếng nhất là cuộc đình công đòi tăng lương, chống chủ đuổi công nhân cho quân đội và cảnh sát dã chiến chiếm nhà xưởng xảy ra đồng lúc ở cả VINATEXCO và VINATEFINCO, nổ ra ngày 29-12-1963. Theo đúng bài bản, Lý cố tình tránh mặt, chỉ đạo cho đốc công các xưởng sản suất không nhận thỉnh nguyện thư vì “không đủ thẩm quyền”. Sau bốn ngày đấu tranh, công nhân đã tập hợp được hơn 1000 người đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ khá đông thợ thuyền các giới. Họ giữ Triệu Diêu Đông - Cố vấn kỹ thuật của VINATEXCO và hai xưởng trưởng là Triệu Thọ Mậu và Trang Đinh làm con tin. Bàn ghế, kiện sợi, thùng phi được công nhân ném ra làm chướng ngại vật để chống lại sự đàn áp của cảnh sát do Lý Long Thân mời đến.

Đến lúc nay, Lý mới lo ngại, hứa sẽ tăng lương nhưng chỉ tăng 4%. Công nhân không nhượng bộ. Ngày 8-1-1964, thêm hơn 1000 thợ của các công ty khác tiếp tục kéo đến ủng hộ và tiếp tế cho công nhân hai công ty đang đấu tranh. Hoảng sợ, Lý Long Thân liền viết đơn đề nghị chính quyền “dập tắt cuộc bạo loạn do Cộng sản xúi giục và lãnh đạo”.

Ngày 17-1-1964, một đại đội Cảnh sát dã chiến và một tiểu đoàn Quân cảnh trang bị súng ống, hơi cay, dùi cui xông vào VINATEXCO và VINATEFINCO đánh đập công nhân dã man, bắt đi hơn mười người. Liên tiếp những ngày sau, hai nhà máy đều bị cảnh sát bao vây, bắt thêm một số người nữa. Đến 21-1-1964, Lương Đệ, Tăng Bôi và toàn bộ đại diện công nhân đều bị bắt, các nhóm đấu tranh bị cô lập và tan rã trong khi Lý Long Thân vẫn không đáp ứng các yêu sách của họ...

* * *

Không chỉ tàn nhẫn với công nhân, Lý Long Thân còn nổi tiếng tàn bạo trong các cuộc cạnh tranh với những nhà kinh doanh khác. Ngày 12-5-1974, văn phòng công ty Đại Nam của Lý Long Thân nhận được điện của cơ sở ở nước ngoài báo tin: lúc 6 giờ sáng cùng ngày, tàu Viễn Đông đã rời cảng Stockholm (Thụy Điển) chở về Sài Gòn cho công ty X. 6000 tấn giấy gồm 4000 tấn giấy vở học sinh và 2000 tấn giấy in báo, đồng thời cũng cho biết luôn giá giấy trên thị trường thế giới. Đọc xong bức điện, Lý Long Thân nhanh chóng tính nhẩm ngay ra số lãi sẽ thu được, dù tàu giấy trên... không phải của ông ta. Giấy cũng chưa bao giờ là ngành kinh doanh “mặn mòi” với Lý.

Tức khắc, Lý quyết định nẫng tay trên món lợi. Ông ta ra lệnh cho tất cả các cửa hàng dưới quyền mình hạ giá giấy 10%, riêng khu vực quanh Sài Gòn hạ tới 20%. Vài ngày trước khi tàu Viễn Đông cập bến, Lý lại ra lệnh hạ giá thêm 20% nữa, riêng khu vực cảng hạ tới 30%. Đồng thời, dù chẳng liên quan đến quyền sở hữu, cũng không phải khách hàng, Lý Long Thân vẫn cho đăng quảng cáo rầm rộ sẽ có hai tàu giấy từ Thụy Điển sắp về Sài Gòn với giấy tốt, giá rẻ. Thông tin của Lý quá ồn ào, giá bán giấy hạ quá đột ngột khiến tất cả các nhà in, các tờ báo, các nhà kinh doanh giấy đều lo ngại không dám tích trữ giấy, cũng không dám mua vào vì sợ không tiêu thụ được. Đích thân chủ công ty X. đi chào mời mua giấy nhưng đến đâu, ông ta cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Dã man hơn, Lý Long Thân còn chở giấy ra tận cầu cảng, phát không cho những người bán quà bánh, hàng rong mỗi người vài ba thếp trắng tinh.

Tàu Viễn Đông về cảng Sài Gòn, ông chủ hãng X. ra đón thấy giấy trắng gói hàng vứt vung vãi xung quanh, ông ta quá sức ngạc nhiên. Hỏi, ông ta được những người bán hàng trả lời:

- Giấy rẻ như cho, không gói quà thì để làm gì?

Tàu Viễn Đông về nằm khan tại cảng suốt mấy ngày vẫn không tìm ra người mua giấy, ông chủ hãng X. ruột gan như muốn lộn tùng phèo. Đã vậy, hè đã đến, các cơ sở tiêu thụ lẻ cũng chẳng quan tâm mấy đến giấy vở vì không biết bán cho ai. Đúng lúc đó, người của công ty Đại Nam đến đặt vấn đề mua trọn số giấy của tàu Viễn Đông, dĩ nhiên là theo mức giá đã hạ 50%.

46463893-355569121871186-5900462917769232384-n-1638268249.jpg
Cảng Sài Gòn

Lỗ nặng nhưng không bán không xong vì giấy ngoài thị trường càng ngày càng hạ giá, lại thêm tiền neo đậu bến bãi của tàu Viễn Đông càng ngày càng nhiều thêm, nhà tư sản ngành giấy đành phải gật đầu. Đã thua đơn lại thêm thiệt kép, ông ta còn phải chở giấy đến tận kho của Đại Nam của Lý trên đại lộ Trần Hưng Đạo mà không được tính thêm một xu tiền cước. Vậy là 6000 tấn giấy nhanh chóng chui vào kho của Lý Long Thân với giá còn rẻ hơn giá gốc, lại không tốn đồng chuyên chở nào.

Chỉ dăm ba ngày sau, giá giấy lại dần dần nhích lên. Một số báo chí nhanh nhẩu “khám phá” ra rằng vụ “hai tàu giấy đang về Sài Gòn” chỉ là tin “bố láo”, lại càng khiến giấy tăng giá, đúng như bài bản mà Lý đã vạch.

Khi hiểu ra toàn bộ cơn sốt giảm điên khùng giá giấy nói trên đều là trò phù thuỷ của “Vua” Lý Long Thân, nhà tư sản ngành giấy kia chỉ còn biết nước mắt lưng tròng và ngửa mặt than trời. Vụ “chó ăn xương chó” này - như cách gọi của báo chí Sài Gòn thời đó - càng khiến tên tuổi Lý Long Thân lừng lẫy, chứng tỏ quyền lực lũng đoạn kinh tế ghê gớm của ông ta là không đối thủ.

* * *

Nhưng, mọi thủ đoạn đều không giúp Lý Long Thân tồn tại được vĩnh viễn. Những binh đoàn quân giải phóng đã tiến thẳng vào Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975, quét sạch toàn bộ bộ máy chính quyền Sài Gòn, quét luôn cả mọi tham vọng và thủ đoạn làm giàu bất lương của ông vua không ngai Lý Long Thân.

Từ đầu tháng 4, đoán biết trước ngày tàn của đế chế, Lý Long Thân đã gấp rút thu gom tài sản đưa xuống tàu biển chở sang Đài Loan. Tài sản được di tản, nhưng người vẫn ở lại.

Trưa ngày 16 - 4 - 1975, Phan Rang, quê nhà của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thất thủ. Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng, hay tin ông Thiệu, một người vốn rất điềm đạm, kín kẽ đã thất sắc. Ngay tối hôm đó, ông Thiệu đã cho gọi Lý Long Thân đến Dinh Độc lập bàn bạc và thỏa thuận. Chỉ 5 ngày sau, trưa 21-4-1975, tiền đồn Xuân Lộc cách Sài Gòn 100 km cũng bị quân Giải phóng chiếm. Ngay chiều hôm đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức. Tối cùng ngày, tàu Long Tinh của Lý Long Thân lặng lẽ rời cảng Sài Gòn trực chỉ Đài Loan. Trên tàu có chở theo 33 va ly tài sản, tư trang của gia đình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Chi tiết này đã được tác giả Alan Dawson đề cập và xác tín trong cuốn “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ” (Bản tham khảo đặc biệt, in roneo, TTXVN dịch và phát hành năm 1985). Nấn ná thêm không lâu, ngày 25-4-1975, ông Thiệu cũng rời Sài Gòn bay qua Đài Loan với danh nghĩa đặc sứ của chính phủ VNCH sang viếng Tổng thống Tưởng Giới Thạch vừa tạ thế, bắt đầu phần đời đời lưu vong không một lần lai hồi cố thổ.

46514191-355569041871194-2468209798252855296-n-1638268249.jpg
TT Nguyễn Văn Thiệu đọc lời từ chức

Ngay sau giải phóng, Lý Long Thân đã cùng sáu người khác mua thuyền vượt biên và bị bắt tại Bến Tre. Và chính lúc đó, mọi quyền hành, mọi thế lực và sự hống hách đều biến mất, Lý trở lại đúng với bản chất một kẻ trọc phú - giàu tiền của nhưng nghèo sĩ khí. Trước khi cánh cửa buồng tạm giam khép lại, Lý đã nước mắt nước mũi chảy dài và gào toáng lên:

- Cho tôi ra, cán bộ ơi, cho tôi ra. Tiền của tôi còn nhiều lắm!

Cũng như nhiều nhà tư sản mại bản khác, sau đợt cải tạo công thương nghiệp, Lý Long Thân đã ra nước ngoài định cư, sống nốt quãng đời còn lại. Hình như ở một góc nào đó trên đất Mỹ xa xôi, ông già Lý Long Thân, đã lẫn đi nhiều, vẫn xoè đôi tay nhìn đường đời đan chằng chịt dọc ngang trên đó và lẩm bẩm:

- Qua mất rồi... Hết tất cả rồi!..

HẾT

Sài Gòn, trong những ngày chờ World Cup

Cuối tháng 5-1998

Chỉnh lý và bổ sung tháng 10-2018

NGUYỄN HỒNG LAM