Tốc độ làm giàu của Lý Long Thân trong giai đoạn này quả là chóng mặt, khó ai bì kịp nhưng chủ yếu đều nhờ vào những “cú” làm ăn trong bóng tối. Vì vậy, Lý nghĩ đến việc “rửa tiền”, biến “chop money” (tiền mờ ám, tiền bị đánh dấu) thành “clean money” (tiền sạch). Để làm việc đó, Lý tung tiền ra mua chuộc đồng thời nhờ uy thế của Mã Quốc Tuyền - Bang trưởng Phúc Kiến, Điển Nam - Chủ hãng đóng tàu Nam Hoà Hưng kiêm Đại lý Hoa kiều tại Sài Gòn - Chợ Lớn và Hồng Cảnh Tùng - Phó Tổng lãnh sự Đài Loan tại miền Nam Việt Nam, ép Ban Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín phải nhận Mã Tuyên vào làm chân “Hoa vụ kinh lý” cho ngân hàng này ở Sài Gòn.

44876431-340398356721596-1495456549601017856-n-1637248717.png
Ông Mã Tuyên, cánh tay kinh tài đắc lực của Lý Long Thân

Trong cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn khoảng giữa thế kỷ XX, Mã Tuyên là một nhân vật rất đặc biệt, vừa nổi tiếng vừa bí hiểm. Mã Tuyên là con trai bang trưởng Mã Quốc Tuyền. Bên ngoài, ông ta là một người tháo vát và hoạt giao, đứng đầu cả chục bang con và hội quán của Bang Triều Châu tại các quận nội thành Sài Gòn. Công khai, Theo bà Mã Huệ Phương, con gái ông (từ Đài Loan về lại Việt Nam, sinh sống tại Biên Hòa từ tháng 2 năm 1992) thì Mã Tuyên có 3 bà vợ, 13 người con, sống trong 3 ngôi nhà khác nhau ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Bên trong, không ai biết chính xác công việc đích thực của Mã Tuyên là gì. Nhưng ai cũng biết, Mã Tuyên quan hệ rất rộng, giao du và làm ăn với người đứng đầu của tất cả các phe nhóm người Hoa đối ngược nhau về thiên kiến chính trị.

Đến giữa thập niên 1950, Mã Tuyên ra vào Lãnh sự quán Đài Loan như ra vào nhà của chính mình. Ông ăn sáng bàn công việc với Phó Tổng Lãnh sự Hồng Cảnh Tùng và Bí thư Quốc Dân Đảng Trần Y Lịnh của Lãnh sự quán Đài Loan. Buổi tối, ông thưởng trà, xoa mạt chược với Bá Thượng Đài, nhân vật rất có uy thế của ĐCS Trung Quốc tại Chợ Lớn. Trưa, ông tiếp khách, tiệc tùng cùng các Bang trưởng Hoa kiều và tướng lĩnh, chính khách phe Quốc gia Việt Nam. Khi ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chính, Mã Tuyên được coi như một cánh tay kinh tài của ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Người ta tin rằng hai anh em ông Diệm - ông Nhu tin cậy Mã Tuyên vì nhân vật này có ảnh hưởng rất lớn đối với sư đoàn Nùng của Đại tá Woòng A Sáng (Hoàng A Sáng) và Trung tá Lầu Cắm Pảo (Lưu Kim Bảo) - lực lượng quân sự duy nhất mà CIA đã vận động sắp xếp hậu thuẫn cho ông Diệm khi về miền Nam chấp chính. Ông vừa là nhà thầu thuốc phiện của Lý Long Thân cung cấp cho 2500 tiệm hút của người Hoa ở Sài Gòn và Chợ Lớn, lại vừa bị cảnh sát quốc gia nghi ngờ là đầu mối cung cấp thuốc men y tế do Dược sĩ Phan Văn giáo - Thủ hiến Trung phần thời Bảo Đại là Quốc trưởng - cho Việt Minh kháng chiến chống Pháp, chống chính phủ Quốc gia do Bảo Đại đứng đầu. Tóm lại, chẳng lý tưởng gì sất, chính trị như con điếm, ai trả tiền, người đó được phục vụ. Mã Tuyên cũng thế, chỉ khác là đầy quyền lực và mối khách sộp. Dĩ nhiên, ông ta nhận lời giúp Lý Long Thân phần vì tình đồng hương Phúc Kiến, phần vì quyền lợi tiền bạc kếch xù.

Bên cạnh Mã Tuyên, Lý Long Thân đặt thêm một tay túc hạ tin cẩn là Trang Tôn (tên thật là Trang Trinh Nghi) để tiến hành các phi vụ ám muội. Được Mã Tuyên cấp giấy phép, Trang Tôn liên tục nhận tiền Đông Dương của Lý Long Thân đổi ra tiền franc Pháp, từ tiền Pháp lại đổi ra franc Thụy Sĩ rồi lại dùng franc Thụy Sĩ mua dollar Mỹ. Với loại ngoại tệ này, Lý đem bán lại cho Hoa kiều Chợ Lớn để họ chuyển về Hồng Công, Trung Quốc mua hàng hoặc đầu tư, trả lại cho Lý bằng dollar Hồng Công. Từ dollar Hồng Công, y lại giao cho Trang Tôn đưa vào Ngân hàng Việt Nam Thương Tín đổi lấy tiền Việt. Cách buôn tiền này không những giúp Lý Long Thân xóa dấu vết của các nguồn tài chính phi pháp mà còn giúp y tăng nhanh số vốn.

44931462-340398466721585-2734471768872845312-n-1637248771.jpg
Một Hội quán của người Hoa Phúc Kiến tại Chợ Lớn;

Những năm 1950, giới kinh doanh người Hoa ở Chợ Lớn luôn phập phồng lo sợ sự thay đổi chính sách của chính quyền đối với người Hoa trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ rất ít đầu tư vào các lĩnh vực “ngâm vốn” như bất động sản, kỹ nghệ... mà chủ yếu kiếm tiền trong lĩnh vực buôn bán, sau đó gửi tiền về Hồng Công, Đài Loan để đầu tư. Vì vậy, buôn tiền là một nghề sinh lãi cực lớn. Nghề này bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nên ít kẻ dám làm. Nhờ thế lực hùng mạnh đã nắm trong tay, Lý Long Thân đã độc quyền thao túng nghề kinh doanh béo bở này. Không chỉ rửa tiền cho bản thân, y còn rửa tiền cho rất đông “xì thẩu” Hoa kiều khác ăn hoa hồng tỷ lệ cao. Kết quả: tiền Việt mất giá, trong khi dollar Mỹ và dollar Hồng Công lại tăng giá chóng mặt.

Đến thời Đệ nhất Cộng Hòa, chính Ngô Đình Nhu đã chỉ thị cho cơ quan mật vụ (Sở Nghiên cứu chính trị) của Trần Kim Tuyến điều tra để phanh phui trừng trị những tên rửa tiền. Trang Tôn và hàng loạt tên đàn em khác bị bắt, bị bỏ tù. Tên tuổi Lý Long Thân cũng đầy chật trong các báo cáo của mật vụ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tuy nhiên, là một tên cáo già, Lý Long Thân đã xoá hết mọi dấu vết có thể dẫn Cảnh sát Hoạt vụ đến hỏi thăm ngay trong lúc tiến hành các phi vụ. Thêm vào đó, Mã Tuyên - đồng sự và là đàn em tin cẩn nhiều ân oán với Lý Long Thân lại đang là cánh tay kinh tài của Ngô Đình Nhu và Trần Lệ Xuân cho nên đã kịp thời cứu Lý Long Thân nhiều lần ngay trong tình thế đường tơ kẽ tóc. Hồ sơ về Lý Long Thân tuy càng ngày càng dày lên trong Nha Cảnh sát Sài Gòn, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, đại loại: “Có nghi vấn nhưng thiểm nha chưa thâu thập được bằng chứng cụ thể nào về các tin tức nói trên của đương sự”.

***

Ngoài quan hệ thâm giao với Bảy Viễn và Bình Xuyên, Lý Long Thân còn có quan hệ mật thiết gắn liền cùng các phi vụ mờ ám với ba nhân vật Hoa kiều tên tuổi khác, đó là Trương Duy Nhạc và cha con Điển Nam (tự ông Sơ), Nghiệp Sô (tự ông Tích).

Trương Duy Nhạc là chủ Hãng sắt Đức Hiệp Hưng, nổi tiếng giàu có và đầy uy lực. Ông ta có phần hùn đáng kể trong công ty SAVICO của Lý Long Thân. Cha của Trương từng là một trong những Bang trưởng Phúc Kiến đầy quyền thế tại Sài Gòn. Những ngày hàn vi khi mới đặt chân đến Sài Gòn năm 1938, ngôi nhà số 37Bis, đường Ký Con (nay thuộc Q.I) của Nhạc cũng là nơi mở rộng cửa cho Lý Long Thân vào tá túc. Cha của Trương Duy Nhạc chính là ông Bang trưởng đã đưa Lý Long Thân vào làm công tại tiệm vàng Kim Thành. Khác với Lý Long Thân xuất thân nghèo hèn, họ Trương đã liên tục mấy đời là dòng họ danh giá tại Sài Gòn, có học thức và rất giàu có. Cha con Trương Duy Nhạc đều giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh và rất thạo nghề buôn bán lớn.

44929819-340400193388079-7949002562357690368-n-1637248894.png
Bên trong chùa Hoa

Khi Lý Long Thân đã trở nên giàu có thì Trương Duy Nhạc cũng nhờ uy của bố giành được vị trí Phó lý sự trưởng Bang Phúc Kiến tại Sài Gòn. Đến đây, hai kẻ đầy mưu mô lại càng bắt tay nhau chặt hơn để cùng loại các đối thủ Hoa kiều khác ra khỏi các mối làm ăn, tranh giành lợi nhuận.

Giữa năm 1955, trước khi rút toàn bộ quân đội về nước chấm dứt vĩnh viễn sự dính líu quân sự ở Việt Nam, Pháp thông báo cho thanh lý các vật dụng nhà binh còn tồn với giá rất rẻ. Hoa kiều ở mọi ngành kinh doanh đều đổ xô vào tham gia cuộc đấu giá này. Thấy lợi lớn, Nhạc và Thân cùng nhảy vào.

Trương Duy Nhạc nhờ uy bố, Lý Long Thân mượn oai cha con Điển Nam, Nghiệp Sô (bang Quảng Đông) huy động một nguồn vốn rất lớn, tuyên bố sẽ “thầu toàn bộ số vật dụng nhà binh thặng dư” nói trên, bằng cách đi cửa sau không qua đấu giá công khai. Thấy mất phần, các doanh gia tên tuổi người Hoa phản ứng. Lý Long Thân lại tuyên bố:

- Tôi chỉ là người đại diện, còn thầu lô này là ý định của ông Bảy Bình Xuyên.

Mỗi lần đi định giá một lô hàng, Nhạc và Thân lại vứt xe Peugeot ở nhà, leo lên xe cách-cách (xe cam - nhông ngắn đuôi) của Bình Xuyên có đầy lính vũ trang và đích thân anh em Tài, Sang ngồi cạnh phóng đến. Ở vòng ngoài, cha con Trương Duy Nhạc cũng lịch sự chống ba-toong liên tục “đi thăm hỏi” các vị bang trưởng các bang người Hoa ở Chợ Lớn, ngỏ ý “lấy làm tiếc vì sự bất đồng của anh em” trong vụ “mối hàng cỏn con không đáng là bao” này.

Dù rất hậm hực nhưng biết quyền thế của gia đình Trương Duy Nhạc quá mạnh, lại sợ dây dưa với Bình Xuyên nên bang trưởng các bang đều nuốt hận, ra lệnh ngầm cho người của phe mình rút lui khỏi các cuộc đấu giá. Kết quả, Trương và Lý độc chiếm quyền khai thác nguồn hàng, thu lãi ròng hơn 5 triệu bạc. Tuy nhiên Lý Long Thân lại khôn khéo lui vào sau, để quyền công khai đấu thầu cho một mình Nhạc. Vì vậy, bao nhiêu oán hận, giới thương nhân Hoa kiều đều trút lên đầu Trương Duy Nhạc và đám Bình Xuyên mà không để ý gì tới Lý Long Thân. Có kẻ còn thề sẽ có ngày “trả thù”.

Ít lâu sau, do chủ quan, cậy thế, Trương Duy Nhạc đã phạm sai lầm khi áp phe một lô mủ cao su trị giá 8 triệu đồng mà không thèm lo đủ giấy tờ. Tức khắc, một thương gia tên là Trịnh Công Quý, cũng hoạt động trong ngành kinh doanh nguyên liệu cao su, đứng ra tố cáo Nhạc sang đoạt bất hợp pháp lô hàng này. Chứng cớ rành rành, Nhạc bị tống giam vào Chí Hoà. Lúc này Bình Xuyên cũng bị anh em Diệm - Nhu tận diệt. Thừa cơ, đám Hoa kiều thi nhau gởi đơn tố cáo Nhạc có quan hệ mờ ám với Bình Xuyên. Sợ liên lụy đến thân, Lý Long Thân vội vã bung tiền ra thu xếp với các bang Hoa kiều, lo lót với cảnh sát đồng thời cầu cứu Ngân hàng Việt Nam Thương Tín đứng ra bảo lãnh cho Nhạc. Cha của Nhạc cũng cầu cứu lãnh sự quán Đài Loan gây sức ép với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhờ vậy Trương Duy Nhạc mới thoát khỏi hầu toà, vụ việc bị ỉm đi vì “không đủ chứng cớ”.

* * *

Mối quan hệ của Lý Long Thân với cha con Điển Nam, Nghiệp Sô cũng khăng khít không kém. Điển Nam cũng là một tay cự phách có quyền lực ngầm cực mạnh trong bang Triều Châu, dưới trướng có gần 3000 người. Chính cha con Điển Nam, Nghiệp Sô đã cùng Lý Long Thân và anh em Lại Hữu Sang, Lại Hữu Tài vận động Bảy Viễn gây áp lực hậu thuẫn để đưa Mã Quốc Tuyền lên làm Bang trưởng Triều Châu, nhằm dễ bề thao túng cộng đồng Hoa kiều, đặc biệt với giới thương nhân trong các vụ làm ăn sau này.

Điển Nam còn là một trong những người Hoa ở Chợ Lớn có dính líu nhiều mặt với Quốc dân Đảng ở Đài Loan và ở Đại lục (trước năm 1949). Y là kẻ phụ trách các hoạt động bí mật đem học sinh Hoa kiều về Đại lục (Thượng Hải) bất hợp pháp, đồng thời là một đại lý chuyển ngân cho Hoa kiều đi Hồng Công, Singapore, Đài Loan... trong đường dây buôn tiền của Lý Long Thân. Nghiệp Sô (tự ông Tích), con của Điển Nam giữ chức Phó lý sự trưởng Phòng thương mại Hoa kiều. Do đó, y đã thu xếp để nhận Lý Long Thân vào chức vụ Lý sự vụ của bộ phận này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Lý Long Thân hoạt động rửa tiền và chuyển ngân phi pháp.

Vốn dĩ, giới làm ăn Hoa kiều rất tin vào tướng số. Dưới mắt họ, Lý Long Thân có chân mạng đế vương ắt hẳn sau này sẽ là một kẻ có tài kinh bang tế thế có thể lợi dụng được. Vì vậy, cha con Điển Nam, Nghiệp Sô cũng như khá đông tay có máu mặt khác của người Hoa đều không tiếc công của giúp đỡ Lý, đưa y leo dần lên từng nấc thang kinh tế và quyền lực trong bóng tối. Lý Long Thân biết rất rõ mục đích đó của những người đồng hương. Y cũng chờ cơ hội để có thể đáp lễ.

Thời cơ đến với Lý khi cha con Điển Nam, Nghiệp Sô mưu toan chiếm trọn khu đất Tân Địa Lộ đường Armand Roussau (Nguyễn Chí Thanh) để chuẩn bị xây nhà xưởng. Khu đất này có khá đông bà con lao động người Hoa sinh sống. Họ không chịu dời đi dù Điển Nam, Nghiệp Sô tìm mọi cách mua chuộc và dụ dỗ.

Không mua chuộc được thì khủng bố. Tháng 1.1955, cha con Điển Nam sai tay chân đến phá phách, đốt nhà, phao tin là hỏa hoạn do bất cẩn, để khủng bố tinh thần nhằm đuổi dân khỏi khu vực này. Không may cho đám côn đồ, trong khu lao động Tân Địa Lộ còn có cả hai anh em Chu Chí Kinh, Chu Chí Vịnh sinh sống. Cả hai đều là những tay giang hồ hảo hán thời hiện đại, rất giỏi võ và luôn sẵn sàng “dọc đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Khi đám côn đồ định ra tay thủ ác, anh em họ Chu đã kịp thời có mặt, cầm đầu đám trai tráng đánh cho cả bọn chạy tan tác.

Cha con Điển Nam căm nhưng dưới trướng không có kẻ nào dám công khai đương đầu với anh em họ Chu. Việc đuổi dân chiếm đất càng khó khăn hơn khi bà con lao động tin tưởng, vừa đùm bọc bảo vệ, vừa nghe lời anh em họ Chu phát đơn kiện cha con Điển Nam, Nghiệp Sô. Chu Chí Kinh còn cùng với em đi khắp vùng Chợ Lớn gặp nhiều vị có thế lực và trọng công bằng của các bang hội Hoa Kiều khác nhờ giúp đỡ để chống lại âm mưu cướp đất. Không ít người vốn ghét các trò bất nghĩa của cha con Điển Nam nên đã nhận lời.

Đúng lúc cha con Điển Nam tưởng phải từ bỏ âm mưu thì Lý Long Thân mời họ đến. Tại văn phòng công ty SAVICO, Lý vạch cho “đối tác” thấy rõ: chỉ có tiêu diệt anh em họ Chu thì mới mong cướp được đất. Lý bảo:

- Việc đó, tôi xin giúp.

Điển Nam hứa:

- Một phần năm khu đất đó sẽ thuộc về ông Lý.

Lý Long Thân từ chối:

- Tôi sẽ còn nhờ Điển tiên sinh nhiều dịp, còn chỗ đất kia, Điển tiên sinh cứ giữ lại cho thêm rộng chỗ.

Nghe lời Lý Long Thân, cha con Điển Nam chấp nhận đưa vụ đất đai ra toà, và bỏ tiền ra lo lót.

Trong khi đó, Lý Long Thân lại mở tiệc chiêu đãi Lê Binh Nghĩa, trưởng Công an xung phong của Bình Xuyên. Tiệc đến cao trào, hai ả xẩm xinh đẹp được Lý gọi ra, một ả nâng chiếc khay có đặt một phong bì dày cộp trao cho Nghĩa, ả kia tiêm thuốc phiện đưa mời tận miệng. Lúc này, Lý Long Thân mới ngỏ lời nhờ vả. Đang ngây ngất vì rượu, vì gái, tiền và khói thuốc phiện, Lê Binh Nghĩa chắp tay:

- Việc của Lý tiên sinh là việc của ông Bảy, việc của ông Bảy thì có chết, tôi cũng không thể chối từ.

Tháng 2.1955, anh em Chu Chí Kinh, Chu Chí Vịnh từ Chợ Lớn đón xe lên Sài Gòn định gặp ông Lương Tế Phi, Phó lý sự trưởng bang Quảng Đông mượn 10.000 đồng để đóng tiền hầu kiện. Khi xe đến dưới chân cầu chữ Y, một toán công an tự xưng là Công an xung phong chặn xe lại. Những họng súng vô hồn và cô hồn đã khiến hai cao thủ võ lâm đành chịu thúc thủ. Anh em họ Chu bị lôi xuống đưa đi. Sau đó, họ không bao giờ xuất hiện nữa.

Như rắn mất đầu, số bà con lao động người Hoa đành rời khỏi lô đất Tân Địa Lộ để tránh bị bọn côn đồ cướp phá, bức hại. Một số người có làm đơn trình bày vụ mất tích của Chu Chí Kinh, Chu Chí Vịnh nhưng không được trả lời. Lý do: họ bảo anh em họ Chu bị bắt cóc thủ tiêu nhưng không có ai đứng ra làm nhân chứng!

Chuyện cũ, nghe phảng phất hơi gió sông Sài Gòn phả lên đất Thủ Thiêm trong thời hiện đại. Tư bản thân hữu, kinh doanh cá mập là thế đó.

(Còn tiếp)

43727013-340400223388076-7814912343346774016-n-1637249158.png
Họa tiết trang trí đầu mái biểu trưng quyền lực và tín ngưỡng của người Hoa Phúc Kiến tại miếu Nhị Phủ, Chợ Lớn

NGUYỄN HỒNG LAM