vietnambusinessinsider-1636733870.jpg

NHL - Cụm từ "Tư bản thân hữu" ngày nay không còn xa lạ nữa. Nó là thực thể đã và đang trỗi dậy và tàn phá nền kinh tế - chính trị - xã hội Việt Nam trong suốt khoảng 10 năm 2006 - 2016, đến nay vẫn còn tiếp tục. Công cuộc "đốt lò" mạnh mẽ thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội mục đích chính cũng không ngoài việc chặt đứt những vòi bạch tuộc đang hút cạn máu nền kinh tế đất nước. Thủ Thiêm oan khốc...thực chất cũng là hệ lụy bị tàn phá khi đám tư bản thân hữu trỗi lên, bắt tay và thao túng những người nắm giữ chức vụ cao trong bộ máy chính trị - hành chính.

Nhưng, tư bản thân hữu không phải là điều gì mới mẻ. Một điển hình cá mập tư bản thân hữu đã từng khuynh loát nền kinh tế Nam Việt Nam trước 1975 là tỷ phú Lý Long Thân. Bài viết sau đây trích trong loạt bài chúng tôi đã viết từ năm 1998, in trong cuốn "Đường đời trong lòng tay", xuất bản bởi NXB Công an Nhân dân tháng 10 năm 1998.

Tư liệu về con người và sự kiện được cung cấp từ hai nguồn chính. Một là hàng ngàn trang tài liệu, hình ảnh về đương sự và các nhân vật liên quan do Cảnh sát, Cảnh sát hoạt vụ, An ninh quân đội, Tư pháp... Việt Nam Cộng Hòa lập, được lưu trữ tại Cục quản lý Hồ sơ lưu trữ (A27), Bộ Công An mà chúng tôi may mắn được tiếp cận, tham khảo và khai thác trong một thời gian không ngắn vào đầu năm 1998. Hai là từ sự cung cấp, giải thích, tranh luận với ông Lý Đắc Hòa (Lee Sok Wah), con trai thứ hai của nhân vật chính Lý Long Thân trong cùng thời điểm chúng tôi tiếp cận hồ sơ lưu trữ. Lúc đó, người cung cấp vẫn đang là chủ nhận của một khách sạn lớn, nổi tiếng tại quận 5, gần ngay Trung tâm Thương mại An Đông.

Nói rõ như thế, chúng tôi muốn nhấn mạnh, những gì đem đến cho bạn đọc đều xuất phát từ khai thác tài liệu sơ cấp, không dẫn lại từ bất kỳ một nguồn tư liệu trung gian thứ cấp nào. Việc "dẫn nguồn" cụ thể mà bạn đọc ưa đòi hỏi là điều không thể và cũng không cần thiết. Bài viết này khá dài, chúng tôi cũng chỉ trích đăng, không đăng lại toàn bộ như những gì đã in thành sách.

Riêng hình ảnh, do lưu trữ không tốt nên sau 20 năm hầu như đã thất lạc hết. Người viết sẽ tìm và bổ sung sau. Phần lớn hình ảnh, nếu cần, bạn có thể tìm lại từ các bài viết của cùng tác giả về cùng nhân vật đã đăng trên báo ANTG các tháng 5-6-7/1998.

***

Lý Long Thân sinh ngày 27.8.1918, tại Amoy, Phúc Kiến, Trung Quốc. Cha mẹ của Lý, ông Lý Ngọc và bà Trương Thị đều là những nông dân nghèo khó. Đông con nhưng ít ruộng, chật vật lắm ông bà Lý Ngọc mới nuôi nổi anh em Lý bằng cháo kê, xá bấu (củ cải muối)...

Năm 1938, nghe lời bạn bè rủ rê, Lý quyết định bỏ xứ đi tha hương lập nghiệp. Gã không muốn đời mình chết rũ trong nghèo đói ở xó quê heo hắt. Không tiền, Lý và A Chảy - một người bạn cùng xứ - vừa đi vừa làm thuê, đến giữa năm ấy, cả hai đã có mặt ở cảng Hải Phòng.

Nhưng Hải Phòng không phải là miền đất hứa cho những kẻ tha hương. Mang tiếng là một hải cảng quan trọng, nhịp thở kinh tế của nó vẫn lèo tèo, buôn bán không phát triển. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933, nước Pháp - vừa ra khỏi chiến tranh đế quốc chưa lâu - bị tàn phá nặng nề và trở nên kiệt quệ. Vì vậy chính sách của Pháp đối với xứ Đông Dương thuộc địa là tận thu. Than, thiếc, gạo, muối... và nhiều thứ hàng hoá, khoáng sản khác của xứ Việt Nam nghèo nàn cứ nối nhau tuôn xuống Hải Phòng rồi chảy vào giữa những khoang tàu thuỷ đang toang hoác miệng chờ; sau đó được chở về chính quốc mà không hề có một thứ gì hồi âm hay gọi là trao đổi trở lại. Xứ Bắc Kỳ quá nghèo, cuộc sống của người dân chỉ gồm những nhu cầu tối thiểu, đã bị cắt bỏ gần hết, thành thử hàng nhập về cảng hầu như biệt bóng.

Nhìn toàn cảnh, Hải Phòng giống như một trạm tiếp hàng cho nước mẹ đại Pháp - khá tham lam và keo kiệt - hơn là thành phố cảng - một cửa ngõ thông thương buôn bán. Nhà máy, công xưởng, rồi bến bãi hầu như không được đầu tư gì mấy, phô ra giữa nắng mưa một vẻ còi cọc, tiều tụỵ. Giả sử không có dòng người Trung Hoa cầu thực inh ỏi gọi tìm nhau trên bến; không có đám du thủ du thực đánh chửi nhau ngoài cảng và không có những gã nhà quê ngờ nghệch bị nẫng mất tay nải đang kêu khóc váng lên phía cầu tàu thì trông Hải Phòng chẳng khác gì một công trường thủ công của châu Âu thế kỷ XVII, XVIII bị bỏ quên cho đến tận bây giờ. Có điều, châu Âu thì Lý và A Chảy chưa đến, chưa nghe bao giờ, kể cả trong mơ, thế kỷ XVII, XVIII họ cũng chưa từng sống, cho nên những sự so sánh ấy cả hai đều mù tịt. Lý chỉ thấy cái hải cảng xa xôi ở phương Nam cũng chẳng khá gì hơn xứ Amoy của cậu, nghĩa là cũng nghèo khó, lam lũ, không một tí hứa hẹn gì sáng sủa hơn.

Nản, nhưng A Chảy không muốn tính toán gì thêm, quyết định ở lại phụ bán mì với một người quen tình cờ gặp lại khi cả hai lang thang trên phố. Anh ta không muốn kéo dài thêm những hy vọng hão huyền về miền đất hứa, chưa chắc đã có gì tốt đẹp hơn. Còn Lý, nhìn phố cảng chật hẹp và đầy bụi, lại quá đông Hoa kiều tha phương, gã thở dài, lắc đầu. Lại lén trốn xuống tàu, lại làm thuê, Lý lần mò vào được Sài Gòn.

* * *

Số phận bắt đầu mỉm cười với Lý Long Thân khi anh ta tìm được bang hội Phúc Kiến ở Chợ Lớn. Cùng kiếp bỏ xứ ra đi, những người Hoa Phúc Kiến đã chia sẻ và cưu mang Lý. Ông Bang trưởng Phúc Kiến đã bảo lãnh cho Lý được làm công trong hiệu kim hoàn Kim Thành nổi tiếng. Lý tỏ ra rất chăm chỉ, cẩn thận và sáng dạ nên được cả chủ tiệm, người làm công và khách hàng quí mến. Không ai biết, phía sau nụ cười cầu thân với tất cả mọi người là một toan tính mưu mô, đầy thủ đoạn.

Khách đến hiệu vàng Kim Thành toàn là những ông Đốc, bà Tham, những nhà buôn lớn, các tay được bạc... lắm tiền nhiều của, chi tiêu rất hào phóng. Cười rất tươi, Lý Long Thân nhã nhặn cảm ơn và từ chối những món tiền pour-boire lẻ tẻ, nhưng lại đưa ra những gợi ý hấp dẫn về mẫu mã nữ trang, lại sốt sắng chỉ mối, giúp đổi tiền cho khách, để sau đó ăn chặn được một khoản khá hơn nhiều.

Dần dà, Lý trở nên lọc lõi, trở thành một tay môi giới trong việc mua bán vàng và đổi tiền. Lý giàu lên rất nhanh. Khi chủ tiệm Kim Thành nhận ra điều đó thì trong số vốn liếng của hiệu vàng đã có một phần là của Lý hùn. Anh ta lại là người nắm các đầu mối hàng quan trọng. Nghiễm nhiên, Lý Long Thân trở thành một đại lý kiêm nhà môi giới của hiệu Kim Thành, ăn hoa hồng.

Thông minh và nhạy bén, Lý nắm bắt kịp thời các thời điểm lên xuống của giá vàng và nhanh chóng bung vốn của Kim Thành ra mua bán. Lời Lý ăn, lỗ (rất ít khi lỗ) hiệu Kim Thành chịu. Sau năm năm, số vốn của Lý Long Thân cứ không ngừng phình lên. Lý trở thành một trong những người có phần hùn lớn nhất của thương hiệu kim hoàn uy tín nhất Đông Dương, từ Sài Gòn - Hà Nội - Viên Chăn đến Nam Vang, với nhãn hiệu in hình quả núi. Đó là cuộc “đảo chính” lần thứ nhất của Lý Long Thân, đưa y từ thân phận một kẻ làm thuê lên hàng ông chủ lớn.

Khi số vốn đã lên đến bạc triệu, Lý bỏ Kim Thành, đứng ra lập Công ty môi giới địa ốc TONG YUAN. Sự quen biết rộng rãi và kinh nghiệm môi giới lúc còn làm cho Kim Thành đã giúp Lý tiến rất nhanh trong nghề mới, thu về bạc vạn mỗi tháng. Từ năm 1943, tiền kiếm được trong nghề môi giới, Lý đem hết vào mua cổ phần của công ty SAVICO - Địa ốc Thương cuộc. Đến năm 1945, cuộc “đảo chính từng phần lần hai” của Lý kết thúc với thắng lợi giòn giã. Với phần hùn chiếm đa số trong vốn pháp định bốn triệu đồng của SAVICO, Lý được bầu làm giám đốc công ty. Ngay lập tức, Lý cho mở rộng thêm mấy chữ “Xuất nhập khẩu” vào sau chức năng “Địa ốc Thương cuộc” của SAVICO, nhằm triệt để khai thác các nguồn lợi kinh tế đang tiềm ẩn trong mối quan hệ dân tộc giữa Hoa kiều Chợ Lớn với Đài Loan, Hồng Công và Đại Lục mà Lý Long Thân là một mắt xích.

87275071-644582152969880-4885701341319528448-n-1636733370.jpg
Ngã tư Đồng Khánh - Chợ Lớn thập niên 1950

* * *

Kinh doanh đúng hướng, nhanh nhạy và đầy ắp thủ đoạn, Lý Long Thân giàu lên vùn vụt, trở thành một nhân vật quyền lực trong cộng đồng người Hoa. Y cũng lột xác, vứt toẹt bộ mặt đạo đức siêng năng của một anh chàng làm công ngày nào, phơi bày bản chất độc đoán, tàn nhẫn của một kẻ kinh doanh đầy tham vọng và coi tiền trên hết.

Tháng 12.1947, một nhân viên SAVICO do sơ sót đã làm không đúng ý Lý Long Thân. Nổi giận, Lý đã xông vào đánh người nhân viên này gãy tay. Chưa hả giận, y còn đập cả vỏ chai rượu vào mặt anh ta, gây thương tích nặng. Kết quả: anh nhân viên xấu số phải đi cấp cứu và tàn phế suốt đời. Còn Lý, ngày 30.12.1947 phải ra hầu Toà tiểu hình. Nhờ vung tiền lo lót, Lý Long Thân mới thoát ngồi tù, nhưng bị phạt 500 quan về tội “vô ý gây thương tích”!

Có tiền, Lý Long Thân cũng bắt đầu nổi danh như một tay ăn chơi khét tiếng. Cứ chiều thứ bảy, Lý lại diện comple trắng, nón nỉ Boocsalino đội lệch một bên leo lên một chiếc Peugeot Traction bên cạnh có ba vệ sĩ người Phúc Kiến đi mô tô hộ tống đến nhà hàng Đại La Thiên, sòng bạc Đại Thế Giới ăn chơi. Nhiều lần cao hứng, ngay trên sàn nhảy, y đã đứng lên tuyên bố “đãi rượu tất cả mọi người”.

Tại Đại Thế Giới, Lý Long Thân kết thân với nhiều nhân vật có tên tuổi trong các bang hội Hoa kiều Chợ Lớn như Trương Duy Nhạc, cha con Điển Nam, Nghiệp Sô... Cũng tại đây, Lý Long Thân dần dà làm quen với nhiều vị tai to mặt lớn trong chính quyền, quân đội, trong đó có tướng Bình Xuyên đầu Tây Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) cùng hai quân sư Lại Hữu Sang và Lại Hữu Tài. Biết thực lực Bảy Viễn còn mạnh, Lý ra sức chiều chuộng lấy lòng “cọp rừng Sác”.

Cuối năm 1954, Lý đã ném ra cửa sổ một lúc 4 triệu đồng để tổ chức một buổi “nhất dạ đế vương” khao Bảy Viễn và một số kẻ chức quyền khác. Tại nhà hàng Đại La Thiên, Lý Long Thân còn độc quyền bao riêng một cô gái nhảy nổi tiếng là Lý Bing Bing - người được coi là Hoa hậu Phúc Kiến của Chợ Lớn. Ngay trong đêm “nhất dạ đế vương”, Lý Long Thân đã ép cô gái phải ngã vào tay Bảy Viễn. Không dám từ chối “ông trùm” đồng hương và ông “cọp rừng Sác”, cô Hoa hậu đành phải vâng lời. Sáng hôm sau, Lý Long Thân gọi Lý Bing Bing đến, không thèm nhìn mệnh giá, ký ngay một tờ ngân phiếu thưởng cho cô gái. Đám thuộc hạ của cả Lý Long Thân lẫn Bảy Viễn đều trợn mắt vì cử chỉ coi tiền như rác này.

Với “đòn độc” này, Lý đã nắm hoàn toàn Bảy Viễn, tô phết thêm cho mình chút oai vệ quyền thế để cạnh tranh trên thương trường, được bảo chứng bằng những họng súng của đám hàng quân Bình Xuyên đầy chất lục lâm thảo khấu.

***

Số tiền “khổng lồ” mà Lý Long Thân ném ra chi cho Bảy Viễn và thủ hạ thực ra không thấm vào đâu so với những nguồn lợi vô kể mà y thu được nhờ uy thế của viên tướng Bình Xuyên vốn dĩ võ biền. Từ bỏ hàng ngũ Việt Minh, về đầu Tây được ít lâu, Bảy Viễn được Pháp giao bảo vệ an ninh tuyến đường Sài Gòn - Vũng Tàu. Ngay lập tức, Lý Long Thân vạch ra một chương trình đồ sộ nhằm khai thác kinh tế trình cho Bảy Viễn: lập hãng xe đò Nghĩa Hiệp độc quyền vận tải tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu; xây dựng một loạt nhà hàng khách sạn ở thành phố biển... Thấy lợi, Bảy Viễn cũng tham nhưng ngần ngừ vì không có vốn. Nghe “cọp rừng Sác” giải bày, Lý Long Thân mỉm cười, bảo:

- Khởi đầu bằng 500 lượng, Thiếu tướng thấy sao?

Bảy Viễn sáng mắt:

- Nếu vậy, tôi và anh coi như đã có hãng xe đò!

Lý tiếp tục vờn ông tướng võ biền óc ít:

- Phần nhà hàng khách sạn, bạn bè tôi ở nhà băng Việt Nam Thương Tín sẽ đứng sau lưng Thiếu tướng.

Hai quân sư Tài, Sang cũng góp lời vào. Nói là làm, Lý Long Thân sang ngay cho Bảy Viễn 500 lượng vàng, nhưng dưới danh nghĩa của câu lạc bộ Thanh Sơn của người Hoa Phúc Kiến, đặt trụ sở ở nhà hàng Đồng Khánh.

Khi đã thu thập đủ vốn, Bảy Viễn lại giao lại toàn bộ việc thầu xây cất, mua sắm cho Lý Long Thân. Riêng trong “cú” thầu này, hai hãng TONG YUAN và SAVICO đã thu về cho họ Lý bạc triệu.

Không có mô tả ảnh.

Một nguồn lợi khổng lồ khác mà Lý thu được nhờ uy Bảy Viễn là việc khai thác hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới. Trước đó, hai sòng bạc này do một “xì thẩu” có máu mặt của người Hoa tên là Lâm Giống cai quản. Với khoảng 300 tay đao dưới trướng, toàn loại đầu trâu mặt ngựa tuyển từ Ma Cao, Hồng Công sang, Lâm Giống tha hồ làm mưa làm gió ở đất Chợ Lớn mà không một ai dám cạnh tranh. Trong một buổi trà dư tửu hậu ở nhà hàng Kim Huê, Giống tuyên bố:

- Khắp Nam kỳ lục tỉnh, may ra chỉ có Bảy Viễn Bình Xuyên mới đáng mặt được Giống này coi là bậc đàn anh.

Lý Long Thân biết Giống nói thật, vì dưới tay Bảy Viễn còn có cả ngàn tay súng và viên tướng đầu Tây còn nắm toàn bộ lực lượng Cảnh sát Quốc gia do Bảo Đại giao phó. Vậy là Lý đút tiền cho Moris Thiên - tay Phòng Nhì nằm cạnh Bảy Viễn - nhờ tên này thuyết phục. Bảy Viễn nghe xong lắc đầu:

- Tiền đâu chịu nổi, riêng thuế đã đến 500 ngàn mỗi ngày cho một nơi. Thằng Giống có cả đống xì thẩu Tàu hỗ trợ, tao đâu có ai!

Lúc này, tên cò mồi Moris Thiên mới tung bài tẩy:

- Ông Bảy thử hỏi ý kiến ông Lý xem sao?

Tất nhiên, Lý Long Thân nhận lời, với điều kiện y bỏ tiền đầu tư, còn Bảy Viễn chịu lấy danh nghĩa Bình Xuyên ra đấu thầu.

Ngay sau đó, Moris Thiên được Bảy Viễn và Lý Long Thân sai đóng vai thuyết khách đến nhà Lâm Giống. Moris Thiên ngỏ ý:

- Bình Xuyên có ý nhận đấu thầu đợt tới ở hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, vừa tiện bảo vệ vừa có cơ sở kinh tài để nuôi quân, nay sai tôi tới thưa lại cùng Lâm xếnh xáng!

Biết mình yếu thế, Lâm Giống đành lặng lẽ rút lui. Riêng từ hai sòng bạc này, trừ thuế và chi phí, Bảy Viễn và Lý Long Thân cũng còn thu lãi tới sáu bảy trăm ngàn mỗi ngày. Vì vậy, mối giao hảo Bảy Viễn và Lý Long Thân ngày càng gắn bó.

Tham vọng của Lý Long Thân trong việc lợi dụng Bảy Viễn vẫn chưa dừng lại. Qua mặt Bảy Viễn, y lại ném tiền ra mua chuộc được Trần Phước, một tay thân tín của tướng Bình Xuyên để cùng tên này buôn bán thuốc phiện.

Khi Bảy Viễn còn là một tay giang hồ trẻ tuổi chưa thành danh, y là tài xế riêng kiêm cận vệ của ông chủ Trần Phước. Vào thời đó, Trần Phước tỏ ra biệt đãi và thường khích lệ Bảy Viễn:

- Anh Bảy có tướng hổ, lưng gấu, thuộc hàng chọc trời khấy nước chớ đâu phải hạng tầm thường làm tài xế kiếm cơm.

Sau này, khi công thành danh toại, Bảy Viễn tri ân, gọi Trần Phước về cho làm quản lý hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, nắm giữ tay hòm chìa khoá. Lý Long Thân bỏ tiền ra, giao cho Trần Phước mua lại toàn bộ nguồn thuốc phiện của Bảy Viễn với giá rất rẻ.

Thuốc phiện từ các nơi được xe quân đội chở về đại bản doanh của Bảy Viễn bên kia cầu chữ Y, sau đó Bảy Viễn lại cho xe riêng chở đến cho Trần Phước cất giấu tại nhà y, số 43 đường Lacaze cạnh Đại Thế Giới. Tại đó, Lý Long Thân kiểm hàng, giao tiền và giao hết số thuốc phiện này cho Mã Tuyên, một đại gia ở Chợ Lớn, tay chân tin cẩn đồng thời là cơ sở kinh tài của anh em Diệm - Nhu sau này, để Mã Tuyên cung cấp cho mạng lưới nhà hàng, tiệm hút khắp Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và các tỉnh phụ cận.

84528397-644582189636543-1313950346908794880-n-1636733606.jpg
Hý trường Đại Thế Giới

Hàng chuyển đi, Trần Phước sai các tên Ngô Kiều, Ngô Lâm, Bách Chúng, Bách Kiều... những tên võ sĩ lừng danh từ Hồng Công sang áp tải, tất nhiên cũng bằng xe riêng của “Thiếu tướng Lê Văn Viễn”! Riêng việc giao nhận hàng, họ Lý chỉ đến kiểm tra, còn mọi việc đều do Mã Tuyên trực tiếp tiến hành cho nên Lý Long Thân không để lại dấu vết.

(Còn tiếp)

NGUYỄN HỒNG LAM