Thâu tóm xong quyền lực chính trị ở miền Nam, Diệm - Nhu bắt đầu quay sang tấn công tiêu diệt quân đội của các giáo phái. Đầu tháng 12.1954, Bảy Viễn nhận được thư của Diệm “mời” vào dinh Độc Lập để “thảo luận một số vấn đề quan trọng của quốc gia”. Biết rõ mưu đồ của Diệm - Nhu, Bảy Viễn viện đủ cớ thoái thác không vào. Dỗ ngọt không xong, cuối tháng 12.1954, Diệm nhờ tướng Mỹ O’ Daniel “ném” tối hậu thư cho Bình Xuyên: “Nếu Thiếu tướng không chịu về với quốc gia thì chỉ sau một tuần, quân chính phủ sẽ giải quyết xong vấn đề Bình Xuyên”.

Bị đe dọa, Bảy Viễn nổi khùng văng tục và tuyên bố:

- Bình Xuyên có chiến lược riêng, thích ứng với thiên thời, địa lợi vùng sông nước Nam Bộ, chẳng việc gì phải sợ.

Thấy Bảy Viễn ngoan cố, đầu năm 1955, Diệm ra lệnh đóng cửa hai sòng bạc Kim Chung và Đại Thế Giới, nhằm cắt đứt hầu bao nuôi quân của Bình Xuyên. Bảy Viễn quay sang cầu cứu tướng Pháp Paul Ely, nhưng nước Pháp đang sa lầy ở Algerie nên cũng đành làm ngơ cho Diệm thanh toán giáo phái. Không chịu khoanh tay chờ trói, Bảy Viễn lại cho gọi Lý Long Thân bàn bạc kế hoạch: đẩy mạnh phát hành đồng “Phật lăng Bình Xuyên” giao cho Lý Long Thân đổi ra dollar Mỹ hoặc franc Pháp, lấy số ngoại tệ đó mua súng đạn, khí tài và tuyển quân cảm tử để lập các đội khủng bố đối phó với anh em Diệm - Nhu.

Nghe đề nghị, Lý toát mồ hôi hột. Rửa tiền cho Bình Xuyên thì Lý có thể làm được, vì y có mạng lưới chuyển ngân dày đặc, còn các yêu cầu sau, Lý biết dây vào là cầm chắc mang tội chống chính phủ quốc gia, không chết vì ăn đạn cũng khó thoát khỏi tù đầy. Thấy Lý hoảng sợ, anh em Tài, Sang chơi bài ngửa:

- Diệm - Nhu diệt xong Bình Xuyên chắc ông Lý cũng khó thoát khỏi tội chết vì hồ sơ họ đầy ra đó. Còn nếu Bình Xuyên đủ lương thảo, súng đạn cầm cự, mai mốt Quốc trưởng (Bảo Đại) về, ông Lý sẽ là bậc công thần, muốn tự do kinh doanh, Diệm - Nhu cũng không ép nổi. Ông Lý tính sao?

Đã cưỡi lên lưng cọp, muốn xuống cũng không xong, Lý Long Thân đành nhắm mắt gật đầu.

Phải thừa nhận rằng Lý là tay cực kỳ tháo vát. Chỉ sau ít ngày, số tiền “Phật Lăng Bình Xuyên” vừa phát hành, Lý đã tiêu thụ sạch. Có ngoại tệ, Lý cùng Vương Nha Sinh, kẻ phụ trách tuyển quân của Bình Xuyên đi khắp nơi chiêu binh mãi mã. Lý đưa ra mồi nhử: bất cứ người nào tham gia cảm tử quân của Bình Xuyên cũng sẽ được lãnh trước 10.000 đồng và sau đó người nào làm việc đắc lực sẽ có thưởng khác nữa. Thấy có tiền, khá nhiều tên du thủ du thực ở quận 6, quận 8 và vùng Chợ Lớn ào ào xin đăng ký đầu quân. Nhưng cứ cầm tiền xong, chúng lại tìm cách bỏ trốn.

Để trang bị cho đám này, Lý Long Thân lại nhờ mối giao hảo của một số thương nhân Hoa kiều móc nối với phòng nhì Pháp xin mua lại với giá thật rẻ một số súng đạn của quân Pháp ở Việt Nam chưa bị thanh lý hết! Sau đó, y “hợp đồng” với cha con Điển Nam, Nghiệp Sô để hai tên này cho tàu của hãng Nam Hòa Hưng chuyên chở vũ khí, lương thực tiếp tế cho quân Bình Xuyên.

Giữa tháng 3.1955, Lý hồ hởi báo với Bảy Viễn:

- Vào cuối tháng này, Thiếu tướng sẽ có thêm 100 khẩu tiểu liên Thompson, M3, M1 và Garrand, 4 khẩu cối 60 ly và khoảng 10.000 viên đạn các loại.

Nhưng, mọi tính toán và hành động của Lý đều không lọt qua được con mắt nghề nghiệp lọc lõi của Lý Kai, chuyên viên Á Châu thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà. Thực chất là một mật vụ tin cẩn của Ngô Đình Nhu, Lý Kai là một nhân vật rất đặc biệt, một siêu điệp viên thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Bắt đầu từ đầu năm 1958, ông Hoàng Shihnouk chủ trương Campuchia trung lập, thân Hà Nội, tham gia Phong trào không liên kết, đòi Mỹ ngừng can thiệp và phải rút cố vấn khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp chính trị - quân sự vào bán đảo Đông Dương. Mục đích của ông Hoàng xứ Chùa Tháp là ngăn chặn nguy cơ, sự can thiệp của Mỹ sẽ dẫn đến chiến tranh Đông Dương, chiến tranh đe dọa sẽ lan sang Campuchia đang hồi phát triển yên bình và thịnh vượng. Những chủ trương này đã khiến mâu thuẫn giữa Việt Nam Cộng Hòa và Campuchia trở nên gay gắt. Anh em ông Ngô Đình Diệm quyết định giải quyết vấn đề bằng biện pháp can thiệp cực đoan phi ngoại giao: bằng mọi giá loại bỏ Shihanouk, dù còn sống hay đã chết. Kế hoạch bí mật này được Ngô Đình Nhu giao cho Sở nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến phối hợp với Đại sứ Việt Nam Công Hòa tại Campuchia Ngô Trọng Hiếu tổ chức thực hiện. Siêu điệp viên được trùm mật vụ Trần Kim Tuyến chọn lựa tổ chức thực hiện siêu điệp vụ này, không ai khác, chính là Lý Kai.

45033140-341021096659322-237010460195422208-n-1637944005.jpg
Ông Hoàng Shihanouk

Tuy có tiểu thuyết hóa, song hầu như toàn bộ điệp vụ này cũng đã được nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) tái hiện khá đầy đủ và chính xác trong tiểu thuyết "Ván bài lật ngửa" đã được dựng thành phim cùng tên khá ly kỳ hấp dẫn. Cuối năm 1958, Lý Kai và các điệp viên dưới quyền (trong đó có Đặng Trần Đức, tức Ba Quốc - tai hại thay lại là một nhà tình báo siêu hạng của Cộng Sản, sau này là Thiếu tướng tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam - được cấy vào tận Sở nghiên cứu chính trị và Phủ Đầu Rồng để nằm vùng) đã mang 100 kg vàng còn giữ nguyên con dấu Ngân khố Việt Nam Cộng Hòa lên Sieam Riap cung cấp cho tướng Đáp Chuồn làm chi phí để triển khai kế hoạch bắt hoặc ám sát Shihanouk khi ông lên kinh lý. Sau đảo chính, quân đội ly khai sẽ đưa Sơn Ngọc Thành lên thay Shihanouk, giành chính quyền, nhằm đưa Campuchia đi lệch ra ngoài quỹ đạo chống Mỹ, thân Hà Nội.

Tháng 2- 1959, binh biến đã nổ ra. Tuy nhiên, binh sĩ Siam Riap kính trọng Quốc vương của họ đã chống lệnh tay tỉnh trưởng tạo phản. Đại tá Lon Nol đã điều động lính dù lên Sieam Riap dẹp loạn. Đảo chính thất bại. Đáp Chuồn nhanh chân đào thoát sang Thái Lan. 100 kg vàng bị quân phản đảo chính tịch thu, bị trưng ra trong họp báo với đầy đủ con dấu Ngân khố VNCH. Hai điệp viên thuộc hạ của Lý Kai bên cạnh Đáp Chuồn bị bắt giữ, sau đó đã bị xử tử.

45090952-341021119992653-1516300549874515968-n-1637944009.jpg
Đại tá Lon Nol

Kế hoạch B lập tức được Lý Kai và Ngô Trọng Hiếu tiếp tục triển khai. Ngày 31 - 8 - 1959, hai bưu kiện nhỏ từ một căn cứ quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã được gửi đến Hoàng cung ở Nam Vang làm quà biếu Shihanouk. Hộp thứ nhất phát nổ đã khiến Hoàng thân Norodom Vakrivan, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Hoàng gia bị giết ngay tại chỗ khi đích thân mở quà. Một nhân viên lễ tân khác có mặt bên cạnh cũng thiệt mạng sau cú nổ cực mạnh. Hộp thứ hai lập tức bị phong tỏa, dù chưa ai được chạm vào nhưng cũng phát nổ. Phụ thân và phụ mẫu của Sihanouk là ông Suramarit và bà Kossamak đang ở gần đó nhưng may mắn không ai bị thương thương tích gì. Sihanouk lập tức cho tổ chức họp báo quốc tế, công khai cáo buộc Ngô Đình Nhu về vụ ám sát, có sự dính líu của người Mỹ. Đại sứ quán VNCH tại Nam Vang bị đóng cửa, Đại sứ Ngô Trọng Hiếu bị trục xuất. Quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia bị phía Campuchia tuyên bố cắt đứt.

Nhưng đó là chuyện về sau. Là một Hoa kiều có máu mặt, Lý Kai cũng có nhiều mối quan hệ khăng khít với cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn, đặc biệt là với số người Hoa Quốc dân Đảng Đài Loan. Trong số đó, không ít kẻ từng bị Lý Long Thân chèn ép trên thương trường nên luôn tìm cách dò xét mọi hành động của Lý để chờ dịp hạ địch thủ. Thông qua những người Hoa này, Lý Kai đã có đủ tài liệu để báo với Ngô Đình Nhu và Trần Kim Tuyến, khép Lý Long Thân vào tội “hoạt động phiến loạn chống chính phủ”.

Đánh hơi thấy nguy hiểm, Lý Long Thân vội vã cầu cứu Bình Xuyên. Đang cần Lý Long Thân để lo vụ mua súng đạn, Bảy Viễn liền ra lệnh cho đội cảm tử của Vương Nha Sinh bắt cóc Lý Kai. Tuy vậy, Lý Long Thân vẫn chưa được yên. Khá đông nhân vật quyền thế trong các bang hội Hoa kiều đều khẳng định: Việc Lý Kai bị bắt cóc có tay Lý Long Thân nhúng vào. Họ dọa tẩy chay và có biện pháp trừng phạt nếu Lý Long Thân không có biện pháp giải cứu cho Lý Kai. Không thể chạy sang yêu cầu Bình Xuyên thả Lý Kai vì như vậy có khác gì thừa nhận mối giao hảo với “quân phiến loạn”, Lý Long Thân bèn đánh một “đòn gió”. Y cùng Ngô Đắc - một Hoa thương tên tuổi của bang Triều Châu chạy khắp các nơi có thế lực, gõ cửa cả nhà của trùm mật vụ Mai Hữu Xuân yêu cầu có biện pháp giải thoát cho nạn nhân của... chính mình.

Mọi chuyện đang rối như mớ bòng bong thì đêm 29.3.1955, Bình Xuyên bất ngờ nã pháo vào dinh Độc Lập, chủ động tấn công quân chính phủ trước. Chỉ chờ có vậy, Ngô Đình Diệm cho mở ngay chiến dịch Hoàng Diệu “phản công lại”, giao cho Dương Văn Minh - mới được đặc cách lên đại tá - chỉ huy. Suốt năm ngày năm đêm, giao tranh đã xảy ra ác liệt trên dọc tuyến đường Bến Chương Dương, Hàm Tử từ cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y và kéo dài xuống tận cầu Tân Thuận. Càng đánh nhau, quân Bình Xuyên càng yếu thế. Bảy Viễn vội thu quân về rừng Sác, lấy miền rừng ngập mặn làm căn cứ để “cầm cự chờ Quốc trưởng Bảo Đại về phán xử”.

Những ngày đó, Lý Long Thân hoang mang cực độ. Y vội vã gom góp tư trang tiền bạc, đóng cửa các văn phòng nhà xưởng nằm yên, vừa run vừa nghe ngóng. Cuối cùng, không thắng nổi sợ hãi, ngày 14.5.1955, Lý Long Thân tính bài chuồn, lấy vé định bay sang Hồng Công chạy trốn. Nhưng máy bay chưa cất cánh, Lý Long Thân đã bị Cảnh sát Hoạt vụ còng tay lôi xuống.

Rất may cho Lý, y là kẻ đứng tên hùn vốn trong khá nhiều đường dây kinh tế của người Hoa. Nếu để y bị ông Diệm trừng trị, các cơ sở kinh tế ấy cũng bị vạ lây, sẽ bị cảnh sát tịch biên hoặc đóng cửa. Vì vậy cha con Điển Nam, Nghiệp Sô, Bang trưởng Triều Châu Mã Quốc Tuyền... vội vã đổ tiền ra để chạy tội cho Lý Long Thân. Ngay cả quyền Tổng lãnh sự Đài Loan Trầm Tố Tâm cũng đứng ra bảo lãnh và báo về cho Tổng thống Tưởng Giới Thạch gây sức ép để Diệm tha Lý. Vì vậy, Lý mới được tại ngoại điều tra.

Suốt bốn tháng trời, Lý Long Thân đã đổ tiền như núi để bịt kín tất cả các mối rò rỉ thông tin có thể đưa y ra toà. Đến tháng 9.1955, Lý mới thở phào: Bảy Viễn và hai tên Lại Hữu Sang, Lại Hữu Tài đã được Pháp giải thoát đưa sang Paris lưu vong. Đầu mối quan trọng nhất để buộc tội y đã bị chặt đứt, Lý Long Thân được đình chỉ điều tra. Vừa thoát chết, đầu óc nhanh nhạy của Lý đã nhìn thấy cơ hội làm ăn lớn. Trước mắt Lý, con đường dẫn đến ngôi “vua” đã bắt đầu rộng mở.

***

Trong kinh doanh, Lý Long Thân là một kẻ rất nhanh nhạy với thời cuộc, thông minh, táo bạo và cực kỳ thành đạt. Để loại trừ thế độc quyền kinh doanh, lũng đoạn thương nghiệp của giới kinh doanh Hoa kiều, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ra sắc luật cấm người Hoa kinh doanh 33 mặt hàng cơ bản và không được tham gia vào một số ngành nghề khác, trong đó có vải sợi, sắt thép, máy móc v.v... Không chút đắn đo, Lý Long Thân bèn xin đổi từ quốc tịch Hoa sang quốc tịch Việt, nhằm né tránh sắc luật bất lợi này.

Tiếp theo, tháng 3.1959, Lý lại ký quỹ một số tiền rất lớn vào Ngân hàng Việt Nam Thương Tín để được ngân hàng này tiếp nhận vào chức vụ Hoa vụ kinh lý - chuyên trách điều tra tài sản và thu hút vốn của cộng đồng Hoa kiều. Nhờ vậy, Lý có điều kiện thu hút vốn mạnh mẽ, cho ra đời hai công ty VINATEXCO (Việt Nam vải sợi công ty - sau 1975 trở thành Dệt Thắng Lợi) và VINATEFINCO (Việt Nam vải sợi hoàn tất công ty - sau này thành Dệt Thành Công) vừa sản xuất vừa kinh doanh xuất nhập khẩu, thao túng toàn bộ thị trường vải miền Nam Việt Nam. Riêng tại kho nhiên liệu của Lý ở gần ngã tư Bảy Hiền, hoá chất phục vụ cho ngành dệt nhuộm cũng luôn sẵn sàng cung cấp cho sản xuất trong vòng ba năm liên tục chưa hết. Nghiễm nhiên Lý trở thành một “hoàng đế” ngự trên “vương quốc” may mặc và vải sợi.

44945960-341021156659316-8001785133445152768-n-1637944005.jpg
Vinatexco

Chiến tranh ngày càng lan rộng, vũ khí, khí tài quân sự do Mỹ đổ vào miền Nam cho chính phủ và quân đội đồng minh Việt Nam càng nhiều. Theo thời cuộc, một phần lớn những trang bị này bị loại bỏ trở thành phế liệu. Đánh hơi thấy nguồn nguyên liệu dồi dào, Lý Long Thân lại đứng ra thành lập nhà máy cán sắt VISACA ở Biên Hòa, độc quyền tận thu nguồn nguyên liệu sắt từ các chiến trường. Với giá thu mua cực rẻ, Lý Long Thân đã có một nguồn nguyên liệu cực tốt và dồi dào để biến thành những sản phẩm xuất khẩu giá trị. Ngay cả thị trường Nhật Bản, Đại Hàn cũng rất chuộng loại thép thành phẩm do VISACA sản xuất cho nên công ty của Lý phát triển vùn vụt. Đến năm 1974, vốn của VISACA đã lên tới con số sáu trăm triệu đồng. Tuy nghiên, nguồn lợi thu được từ chiến tranh là miếng mồi quá lớn nên lắm kẻ có tiền, có quyền thi nhau nhảy vào xâu xé. Vì vậy, trong lĩnh vực sắt thép, phế liệu, dù cực giàu, Lý vẫn chưa thể làm một ông vua tận chiếm mọi quyền hành.

Để tránh bị công kích là biến miền Nam thành thị trường tiêu thụ hàng ế thừa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn liên tục đưa ra các khẩu hiệu như “chấn hưng kinh tế”, “bình định và phát triển nông thôn”, “cách mạng trong sản xuất lúa gạo”, “thay sức người bằng sức máy”... Với chiêu bài “ủng hộ chủ trương của chính phủ”, Lý Long Thân liên tiếp cho ra đời thêm hàng chục công ty lớn, nhỏ nhằm nhập khẩu ồ ạt các loại máy móc nông ngư cụ, hàng tiêu dùng cung cấp cho thị trường.

Với những khoản tiền đút lót hậu hĩnh, với nguồn tài chính hậu thuẫn cực mạnh từ Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Lý vừa trốn được nhiều khoản thuế lớn, vừa nhanh chóng và khéo léo lọt qua được các rào cản lỏng lẻo của luật pháp để làm giàu. Chỉ riêng một phi vụ nhập máy móc về “phục vụ sản xuất”, Lý đã cùng Nghiệp Sô - Giám đốc điều hành VINATEXCO cấu kết với Huỳnh Văn Lang - Viện trưởng Viện Hối đoái tìm cách trốn thuế khoản tiền lên đến 40 triệu đồng. Lý nhanh chóng trở thành một “vua nông ngư cụ” với 19 kho hàng và hàng chục nhà xưởng rải khắp Sài Gòn - Chợ Lớn. Bất cứ lúc nào, dãy kho nông ngư cụ của Lý ở Phú Thọ Hoà cũng có sẵn hàng ngàn chiếc máy cày hiệu Kohler, Kubota vừa nhập cảng từ Nhật Bản. Tại đường Mạc Vân bên kia cầu Sài Gòn, các loại hàng tiêu dùng, phụ tùng xe máy của Lý chất kín trong năm dãy nhà kho đồ sộ. Ngay tại trung tâm Đô thành Sài Gòn, tại đường Tôn Thất Đạm, cơ ngơi của Lý cũng chiếm ba dãy nhà là văn phòng của ba công ty lớn: Trường Phát, Quốc Tế Thương Cuộc và Đông Nam Á, với giá trị hàng hoá của mỗi công ty từ 300 - 600 triệu đồng cho bất cứ thời điểm nào. Đó là chưa kể những hàng hóa là phần hùn của Lý trong khá nhiều công ty khác, trị giá số hàng lớn này ở mỗi nơi cũng lên đến vài trăm triệu.

44946844-341021186659313-8813550290444746752-n-1637944005.jpg
Bên ngoài dãy kho xưởng Vinatexco
44939947-341021209992644-1147406839613227008-n-1637944005.jpg
Bên trong một phân xưởng của Vinatefinco

Để “cai trị” được một tài sản đồ sộ với nhiều ngành nghề khác nhau, tất nhiên một mình Lý Long Thân không thể nào lo xuể. Là người khôn khéo, giỏi nhìn xa trông rộng, Lý Long Thân luôn biết cách tạo ra những liên minh quyền lực chằng chịt và dày đặc nhưng mọi mối đều buộc vào một sợi dây nằm trong tay Lý. ở hai công ty lớn của ngành dệt may thì Lý giữ chức Chủ tịch VINATEFINCO, Phó chủ tịch ở VINATEXCO trong khi một “cánh hẩu” khác là Trương Duy Nhạc làm phó ở công ty thứ nhất và làm chủ tịch ở công ty thứ hai. Riêng chức vụ Giám đốc điều hành VINATEXCO, Lý giao cho Nghiệp Sô - một kẻ thâm giao thừa kinh nghiệm lưu manh nắm giữ.

(Còn tiếp)

NGUYỄN HỒNG LAM