vbi-29-1616571404.jpg
'Vua mì gói' Đỗ Tấn Việt - Người tiên phong đem mì ăn liền tới đất Liên Xô

Trong dịch Covid năm 2020 có những người vô tình hưởng lợi, có thể kể tới các nhà sản xuất mì ăn liền với doanh số tăng chóng mặt. Bốn nhà sản xuất chiếm thị phần lớn nhất là: Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Uniben, Asia Foods thu về mỗi năm hơn 1 tỷ USD, trong đó hai nhà sản xuất đã và đang cung cấp sản phẩm cho thị trường Liên Xô cũ. Thế nhưng họ không phải là “vua mì ăn liền” - đã có thời có một cá nhân từ Việt Nam sang đất nước ấy và góp phần tạo dựng nên ngành sản xuất mì ăn liền tại Liên Xô cũ. Bài viết này là về anh, “vua mì” Đỗ Tấn Việt, góp phần trả lời câu hỏi: tại sao đa số các tỷ phú nước ta có xuất xứ từ Đông Âu đều đi lên từ những gói mì ăn liền rẻ tiền kia.

Chúng tôi gặp anh Đỗ Tấn Việt vào một chiều đông tại Sài Gòn, đúng ra phải kêu bằng “chú” mới thích hợp vì anh sinh năm 1951, nhưng quả là trông anh tráng kiện, khỏe khoắn như người mới ngũ tuần. Anh giải thích là trên giấy tờ ghi là 1953, nhưng tuổi thật đã 70, trẻ vậy có thể là do từ bé tới lớn anh làm cái nghề “vô lo vô nghĩ” là thợ cơ khí. Việc anh Việt đến với nước Nga là hoàn toàn tình cờ.

Đó là do ngày xưa anh Việt là dân cơ khí làm tại Hợp tác xã cơ khí Liên hợp chuyên sản xuất và lắp ráp mô tô xe đạp - thời bao cấp chiếc xe đạp đã là tài sản lớn rồi, nói gì tới xe máy. Nhưng anh dựa vào cơ chế nhà nước, chứ không phải tư nhân hoàn toàn kiểu “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn nên an toàn hơn, nhiều tiền rủng rỉnh sớm. Mặc dù còn chưa bước vào thập niên 90, nhưng anh Việt đã cảm nhận sớm trước được sắp hết thời kỳ hoàng kim của xe đạp, dự đoán khoảng năm 94, 95, 96 bắt đầu khủng hoảng. Tại thời điểm đó, anh có chi nhánh bán phụ tùng xe đạp ngoài bắc. Anh thường xuyên đi lại giữa hai miền nên thường quan sát, tìm hiểu, nghiên cứu. Khả năng nhạy bén trong kinh doanh mách bảo anh thấy được có những mặt hàng trong tương lai vẫn bán chạy nhất trên thị trường đó là: bia, thuốc lá, bánh ngọt, mỳ ăn liền... Sau khi tham quan một loạt các nhà máy, anh kết luận 3 mặt hàng đầu vượt ngoài khả năng tư nhân đơn độc như anh có thể làm được - còn mỗi mì ăn liền. Tập trung quan sát nhà máy mì ăn liền Vị Hương là chỗ anh Đào Tám làm giám đốc, anh Việt thấy có thể sản xuất ra các máy đó được. Anh thử làm bài toán cuối cùng cho quyết định của mình bằng cách mua mì ăn liền của anh Tám, chuyển ra Hà Nội bán. Vừa là liều lĩnh, vừa để có thể tiếp cận bên trong hoạt động sản xuất của nhà máy kỹ hơn, anh mạnh dạn đặt mua luôn mười mấy, hai chục công, nhờ đó anh Việt được vào sâu trong nhà máy anh Tám, nắm bắt chi tiết kỹ hơn. Sau khi mì bán chạy, anh Việt khẳng định hướng kinh doanh của mình nhắm vào sản xuất mì ăn liền là đúng, anh quyết định đầu tư vào nhà máy mì của mình. Để phi vụ đầu tư được thuận lợi, anh còn nghiên cứu kỹ cả thói quen của anh Tám, như không nhậu nhẹt mà chỉ uống cà phê. Qua quá trình mua bán với nhau, uống cà phê, dần dần chiếm được độ tin cậy với anh Tám, anh Việt mới đề nghị anh Tám giúp vụ này. Ông hỏi giúp gì? “Anh cho cậu quản đốc về làm với tôi đi, tôi làm cái nhà máy giống như vậy”. Ông bảo: “nói thiệt hay nói chơi vậy?”, “Em nói thiệt luôn đấy”. Ông Tám suy nghĩ, một tuần lễ sau ông ý mới đồng ý: “Được rồi, tôi giúp anh cho thằng Quế quản đốc xuống với anh nghen!”, “ Cám ơn anh! Anh yên tâm đi, mọi chuyện tôi lo hết, anh khỏi lo gì, khỏi suy nghĩ gì, nếu thất bại thì chỉ mình tôi chịu!”. Ông Tám cười cười, nhắc lại “thất bại đừng đổ thừa nghen!”. Ông Tám giữ đúng lời hứa, anh Quế về làm với anh Việt. Lúc đó công việc sản xuất xe đạp vẫn hưng thịnh lắm, máy móc của anh Việt nhiều. Đối với xe đạp, chỉ quen với nhìn mẫu, rồi chỉnh sửa một vài chi tiết là sản xuất chứ chẳng có bản thiết kế nào, do đó anh Việt nói thật với anh Quế bản vẽ thiết kế nhà máy mì là không có. Anh Việt chọn địa điểm đặt dây chuyền đầu tiên là nơi ngày xưa trước giải phóng ngồi với nhau làm bột ngọt, xưởng nhỏ xíu để xử lí bột ngọt thừa.

Anh Việt kêu anh Quế cứ đo từ trên xuống dưới, ngày nay đo chiều ngang bao nhiêu, chiều dài bao nhiêu sai sót cứ ghi tay lại vậy thôi. Kỹ sư của Việt theo được hai, ba ngày sau trở ra, hỏi đúng chưa, bảo đúng rồi, làm tiếp, làm tiếp, làm tiếp. Trong vòng khoảng tháng rưỡi thì hiện hình gần như copy cái nhà máy. Anh thổ lộ:

- Có những bộ phận như máy cán phải làm rất mạnh, cái này mình cũng chịu đựng lắm ấy!

- “Chịu đựng” có nghĩa làm sao?

- Thằng làm máy cán trước giờ nó đâu biết làm máy cán, mình bỏ tiền ra luôn, mình đổ gang luôn, mình làm luôn, hư thì tao chịu, cứ làm theo tao đi, thế là nó nhận lời làm.

Hình như về sau nó vẫn còn cung cấp cho các nhà máy mì khác. Sau máy cán, chỉ còn thiếu duy nhất là máy đóng gói, lúc đó đặt Võ Hoàng Liệt làm nhưng làm yếu, không đạt yêu cầu vì vậy mình phải mua của Đài Loan. Đấy qui trình mình sản xuất máy mì ăn liền là thế...

164057760-3954961327899108-6997277480515345427-o-1616559722.jpg
 

Làm được mì đã khó, bán mì cũng không dễ. Anh Việt kể tiếp:

“Sau khi thành công chế tạo máy, tôi liền cho chạy thử ra sản phẩm mì ăn liền với những sợi dài. Biết rằng với lĩnh vực mới này muốn ra được doanh số thì phải gặp được người biết bán hàng giỏi, do vậy, tôi qua gặp Đàm Minh Thắng là sale mì ăn liền Miliket - trùm Miliket hồi đó. Bắt nguồn chính là cửa hàng lương thực quận 5, xí nghiệp đời sống quận 5 có nhà máy sản xuất mì ăn liền. Sau một thời gian bán hàng quá chạy, nghĩa là không có đủ hàng giao cho nên ban điều hành tìm giải pháp liên kết với một số nhà máy mì bỏ không, hoang phế, đàm phán, đầu tư tài chính để họ phục hồi lại sản xuất gia công mì ăn liền cho cửa hàng lương thực quận 5 thời sơ khai. Những ông chủ của các nhà máy mì bỏ không ngày ấy, không có khái niệm gì về nhãn hiệu, về độc quyền, họ nói chạy dưới nhãn hiệu nào cũng được, thế là nhãn hiệu “ Mì liên kết” tức là “Miliket” ra đời, ghép đằng sau là những nhà máy liên doanh như Miliket Colusa, Miliket Vị Hương, Miliket Vifon.... Mì Miliket bán chạy nhờ cọng mỳ dai, có vị đúng gu của dân Việt thời đó. Bắt bài được việc “ Miliket” chỉ là cái tên được đặt ra, chứ chẳng phải nhà máy to tát nào cả, toàn là tập hợp của các nhà máy nhỏ, công suất thấp, tình trạng thị trường luôn luôn khan hàng. Chính điều này đã thôi thúc tôi khẩn trương ra nhà máy sản xuất mì ăn liền.

Anh Thắng qua xem nhà máy mới của tôi và gật đầu tán thưởng về qui mô. Khi đó tôi mới thăm dò ý tứ đề xuất liên doanh như bên anh ấy đã từng làm với những nhà máy trước kia. Một lời đề xuất rất rõ ràng: “ Liên doanh với chỗ khác sao thì với tôi cũng vậy. Tôi có nhà máy sản xuất, anh có bột, có công nghệ, có nhân công lành nghề... biết bán hàng, anh chia cho tôi bao nhiêu thì chia...”. Ông ấy đi đến thỏa thuận nhanh chóng đồng ý chia hai.

Công việc được tiến hành ngay. Ông đưa nhân công qua giúp tôi đào tạo lực lượng, một nhà máy như vậy cần 20 - 30 người, từ cán, từ trộn, từ hấp... Công nhân được trực tiếp “ cầm tay chỉ việc” nên thực hành nhanh lắm, chạy chừng một tháng là êm ru. Thấy việc sản xuất trơn tru, tôi cho làm tiếp mấy nhà máy nữa là ở Thủ Đức, thậm chí tại Hà Nội, tôi thuê lại mặt bằng nhà máy xe lửa, lắp ráp máy móc để ông Đàm Minh Thắng tiến hành sản xuất, cái nhà máy đó đến giờ vẫn tồn tại. Sau này lên Hóc Môn, trên Hóc Môn hiện nay vẫn là tôi lắp toàn bộ máy móc cho Miliket. Chính lúc đó, một ngã rẽ bất ngờ, tôi qua Nga làm nhà máy mì ăn liền!

Cuối 1991, tình cờ, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin Đại hội Đảng lần thứ 7, đơn vị tôi là Hợp tác xã Liên Hợp chuyên sản xuất thiết bị về công nghệ mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam. Khi tờ báo buổi sáng xuất hiện, thì khoảng 9 giờ rưỡi ông Samares là tổng lãnh sự quán Ukraina tại thành phố Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi, muốn đến xem nhà máy của tôi và đặt mua thiết bị này. Khoảng hơn 10 giờ mấy ông xuống văn phòng của tôi ở 338 Ngô Gia Tự, sau khi trao đổi khoảng nửa tiếng đồng hồ qua phiên dịch, ông đề nghị đi tham quan nhà máy. Thời điểm đó nhà máy tôi ở Thủ Đức với Bình Thạnh, có hai cái nhà máy. Ông ta thăm quan xong xuôi, ba ngày sau ông gọi lại, ông nói muốn đặt tiền, đề nghị tôi tính toán lên giá thành chuyển giao dây chuyền sản xuất mì ăn liền qua Nga. Không vội vàng, tôi hẹn ông sau 10 ngày sẽ có câu trả lời…”.

Anh Việt chấp nhận lời mời chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất, đào tạo công nhân ngay tại Matxcova. Sang tới Matxcova là lúc Liên Xô (CCCP) mới chuẩn bị tan rã chứ chưa tan rã. Mấy bữa sau Mikhail Gorbachev mới tuyên bố xóa sổ Liên Bang Xô Viết. Anh Việt vẫn nhớ như in: trong 10 ngày, tôi tính toán hãng tàu, vận chuyển đường tàu, đi qua bên như nào, đi qua đi về như nào, tổng cộng chi phí bao nhiêu tiền, điều kiện điện nước, mặt bằng của ông ấy diện tích bao nhiêu, chỗ thoát nước, chỗ thoát hơi như thế nào, sau khi ngã ngũ mình mới đồng ý ký hợp đồng. Ký hợp đồng xong, ông ấy ứng tiền cho mình 50 %. Giá trị hợp đồng là 178.000$ cho một dây chuyền sản xuất 120.000 gói mỗi ngày. Mà do đã bán nhà máy mì ăn liền thì theo hợp đồng mình phải qua Nga!”.

Anh Việt đi Nga, những nhà máy liên doanh sản xuất mì ăn liền trong nam vẫn hoạt động bình thường. Anh kể tiếp chuyện ngoài bắc anh xây dựng dây chuyền và làm thương hiệu mì cho riêng mình khá là trôi chảy do có những mối quen biết từ trước:

“ Khi làm nhà máy ở Hà Nội, tôi nghĩ ngay đến chị Nguyễn Thị Anh Nhân, là người cũng sản xuất xe đạp như tôi. Chúng tôi quen nhau qua một người anh em tên là Cứ - nhà sản xuất xích líp Đông Anh có số má thời đó. Qua câu chuyện với anh Cứ, mới biết bà Nhân đã chuyển qua làm lương thực và nhờ cơ chế nên được bố trí cho một mặt bằng để sản xuất. Anh Cứ thấy tôi tâm sự việc muốn triển khai sản xuất mì ăn liền tại Hà Nội, liền dẫn tôi tới gặp bà Nhân ngay. Không ngờ bà Nhân gặp được tôi như “chết đuối vớ được cọc” hai bên đồng ý góp vốn mỗi bên 50%. Bà Nhân là người có tư tưởng khá cởi mở và hiểu ngay việc cần sở hữu thương hiệu để còn quảng cáo và tăng doanh số, chiếm lĩnh thị trường nên mới để nghị tôi vào gặp anh Đàm Minh Thắng đàm phán mua lại được thương hiệu Miliket với giá 800 triệu là tốt nhất. Bà Nhân lúc đó cũng làm xe đạp, sau bà Nhân xin qua lương thực thì họ bố trí cho một chỗ sản xuất. Tưởng việc mua bán cái tên Miliket dễ dàng, ai ngờ Quế Anh - người phụ trách công nghệ mì Miliket sau một tuần suy nghĩ đã từ chối thương vụ mua bán này. Tiếc đến đứt ruột vì thật sự cái cọng mì Miliket người ta rất thích, do cái dai của nó là dai mềm, chứ không phải dai như CMC, giống như mỳ Thái Lan. Đành phải nghĩ ra một cái tên khác, thế là nhãn hiệu “ mì ăn liền MISAGO” chính là “ Mì Sài Gòn” ra đời và nó đồng hành cùng tôi suốt sau này, trong tờ báo “Thị trường” lúc nào cũng có tên mình. Thương hiệu mới đặt được chiếm cứ ở ngoài bắc nhiều lắm, toàn bộ khu Yên Bái, miền núi Thanh Hóa. Đài phát thanh cho quảng cáo cả năm, truyền hình quảng cáo dài hạn luôn. Thời kỳ hưng thịnh, ổn định thị trường tại Việt Nam. Tiếp tục chuyển sang châu Âu, dấn thân vào thị trường Nga.

Tôi qua Nga, ở Việt Nam nhà máy mì mọc lên như nấm, chả có kiểm soát gì, thằng nào cũng muốn ngoi lên mình là số 1, giành thị trường, giành khách hàng đến mức thi nhau sản xuất, nhiều quá thành bội thực, bán không nổi, thi nhau hạ giá thành. Chết nỗi lúc đó tôi ở Nga, mà tôi là đứa cầm cờ của chuyện này. Giải quyết bài toán này bằng những cuộc họp mỗi lần là bảy đến tám nhà máy để đưa ra các giải pháp không cạnh tranh nhau, như mì ăn liền ở Thanh Hóa được bán ở vùng nào? Yên Bái bán ở vùng nào? Hà Nội bán ở vùng nào? Mọi chi tiết rõ ràng, bài bản, hợp tình, hợp lý cho tất cả các nhà máy. Nhưng sao? Thời gian sau đi về họp lại bắt đầu cãi nhau, lí do làm sao? Người thì giải thích giá bán vẫn là 3k2, nhưng cho không tiền xe do vậy chỉ còn có 2k5 như vậy có lỗi gì đâu? Ai cũng có lý... cùn” của bản thân. Được mặt nhưng không được lòng, khi họp Hội đồng quản trị, mới bắt đầu rất vui vẻ, lúc chia lợi nhuận cũng vui vẻ, đi nhậu, đi chơi đều vui vẻ, nhưng động đến công việc, đến quyết sách kinh doanh với bên ngoài thì lại căng với nhau vô cùng, không tìm được tiếng nói chung, mặt lớn, mặt nhỏ hầm hè nhau, nhiều người không chịu nổi áp lực đã rút khỏi cổ đông. Lúc đó công việc tại thị trường Nga khá bận rộn, chiếm phần lớn thời gian của tôi, tình hình ở nhà càng căng vì cạnh tranh càng mạnh, càng cố cứu nhà máy, cứu dây chuyền, thì càng lỗ. Tôi thấy không ổn nên đã thống nhất với anh em chủ chốt là cho ngưng hoạt động để bảo tồn vốn. Thực ra mỗi dây chuyền sau năm tháng sản xuất là thu đủ tiền vốn rồi, giờ chỉ còn lợi nhuận thôi, kiếm thêm được thì kiếm, còn không thêm được thì cũng không lỗ gì, chẳng ai phải chịu trách nhiệm cả...”.

Ngược lại, thị trường bên Nga còn mênh mông lắm, chưa có bất cứ một dây chuyền sản xuất mì ăn liền nào cả. Anh Việt đã lên Matxcơva, thuê phòng trong Phòng tùy viên quân sự để làm việc. Có nhà máy liên doanh rồi, tha hồ bán. Tại thời điểm đó người Việt Nam mới ngo ngoe đánh hàng từ trong nước sang mà cũng còn khá thưa thớt - anh Việt khi đó đích thực là “vua mì” ở Liên Xô cũ. Anh vừa bán dây chuyền, vừa bán mì, vừa bán mì từ nhà nhập qua nữa, còn mở cả xưởng làm tương ớt ở nhà để cung cấp sang Nga - thuận lợi hơn hẳn các đối thủ Việt Nam khác, thế mà không duy trì “ngôi vua” được..., quả thật “ thương trường là chiến trường” dễ gì để giữ mãi được thành quả của mình.

Người Việt Nam khôn ranh và nhạy bén, khi thấy mì của anh chạy như tôm tươi trên xứ sở bạch dương, gần như một mình một chợ, nhiều người tại Nga bắt đầu nghĩ đến cũng làm mì, “đánh” mì giống anh. Tiền vốn để đầu tư cho sản xuất chưa đủ cho nên họ bắt đầu bằng việc thuê mấy cái kho lớn cho thật hoành tráng thanh thế, về Việt Nam kiếm mấy người đầu tư sang. Các nhà sản xuất ở nhà đang dìm giá nhau, thấy bán được ra nước ngoài dù rẻ, dù trả chậm thì cũng phải tặc lưỡi mà đồng ý. Họ sẵn sàng cho “Việt kiều” chậm trả 500 ngàn, 1 triệu đô. Riêng anh Việt lại không đạt được thỏa thuận như thế, bởi họ quá quen với anh, lại nghĩ anh “nhà giàu” sao phải cho trả chậm, còn anh cũng hào sảng, thích “chơi đẹp” - thế nên đa số tự sản tự tìm cách tiêu thụ. Giờ anh mới tiếc: “Nếu thời điểm đó mình lanh lợi một chút thì...”.

Nhà máy đầu tiên anh Việt bán là cho ông ở đại sứ quán, tay này vẫn muốn “trói” anh vào để song hành thế là thành liên doanh. Hình thức như anh giải thích dưới đây:

“Thằng đầu tiên mua máy của tôi là thằng Nga, Đại Sứ Quán tại Việt Nam, sau đó đến mấy đứa Việt Nam. Tại sao tôi lập mấy nhà máy liên doanh? Giống như thằng đầu tiên mua máy, tôi phải lấy 2 kỹ sư công nghệ của nó, kỹ sư cơ khí của nó qua Sài Gòn học, tôi đưa nó ở khách sạn đường Cách Mạng Tháng Tám tháng rưỡi. Sáng xe đưa đi ăn uống xong xuôi chở nó lên nhà máy, cử kỹ sư của tôi ra hướng dẫn dạy cho nó, làm giáo án đàng hoàng, rồi nó thực tập có nghiệm thu phải làm bài giáo án ký tên đàng hoàng thì mới xong, mới bàn giao. Khi lên Ủy ban nhân dân thành phố xin giấy phép mở liên doanh, tôi được nhắc nhở rằng phải biết tranh thủ sắt, thép dư thừa bên đó, đơn vị tính toán sao cho có lợi nhất. Để phù hợp với điều kiện thực tế tôi đã lên kế hoạch: những thiết bị cồng kềnh không sản xuất tại Việt Nam, chỉ những máy quan trọng mới sản xuất ở Việt Nam, còn lại sản xuất ở bên Nga. Đầu tiên theo thói quen ở Việt Nam thì số lượng đặt hàng tính từng đơn vị, nên mới giao đặt 10 mẫu. Tụi tây nghe thế cười phá lên nói rằng phải từ 1000 sản phẩm thì nhà máy mới lên kế hoạch làm (đúng là thói quen XHCN của CCCP). Đang chưng hửng thằng kia nó mới xúi mình thế này: “mấy cái xưởng này bỏ hoang nhiều lắm, kiếm cái như thế thuê đi, cơ khí thì mày thạo rồi, thợ ở đây thì thiếu gì, mày trả tiền nó bao nhiêu nó làm cho mày!”. Thấy lời tư vấn của ông bạn Nga có lý, tôi thuê luôn một xưởng ở Colomna cách chỗ nhà máy cũng vài km. Thuê được xưởng cơ khí rồi, tiến hành mua nguyên liệu rồi đúc, sơn làm y chang theo bản vẽ của Việt Nam. Màu sơn tôi cũng phải thử, phải chọn đúng màu sơn Bạch Tuyết, cũng may là lại tìm được đúng loại, đúng màu. Đối với phía liên doanh tôi phải làm như thật là mọi máy móc đều nhập từ Việt Nam sang nên phải tính toán từ Vladivostok về đến nhà máy thời gian là bao lâu? thời gian sơn các đồ cồng kềnh là bao lâu? Tất cả đều phải tập kết tại nhà máy cùng một thời điểm. Được cái người Nga họ tin người lắm cho nên họ chẳng kiểm tra, xét nét gì. Ngay cả việc đào tạo kỹ sư, tôi cũng thỏa thuận được với chủ mua dây chuyền là giảm cho nó một khoản tiền để không phải đưa kỹ sư về Việt Nam đào tạo nữa, tôi sẽ đào tạo họ tại chỗ..."

Sau đối tác Nga mua máy là đến chính Masan (Đăng Quang, Hùng Anh, Trịnh Thanh Huy) mua của anh Việt. Xưởng đầu tiên bé tí, xưởng sau to hơn nhiều, đều nằm tại Ryazan là nơi trước kia Huy học và lấy cô vợ tây ở đó. Đúng là chỉ có “anh hai Nam Bộ” mới vô tư đi bán máy, bán công nghệ cho đối thủ sát sườn. “Sát sườn” đây vừa có nghĩa đen là hai bên cùng bán sản phẩm mì ăn liền tại thị trường Nga, vừa là hàng xóm của nhau, cùng thuê văn phòng trên chỗ Phòng tùy viên quân sự để bán hàng cả. Sau đó một thời gian Masan chuyển văn phòng đi chỗ khác, Hùng Anh và Huy đều mở công ty rất bề thế, bài bản, “Mivimex” và “Alexandr & Sofia”. Còn anh Việt lại vô tư huýt sáo đi “bán máy” tiếp, lần này là giúp cho Phạm Nhật Vượng.

Anh kể: “Ở tất cả các nhà máy mình bán máy đều phải cho kỹ sư ở lại 1 năm, điều kiện là vậy. Ở chỗ Vượng tại Ukraina chú kỹ sư tên Minh ở lại tới 3, 4 năm cơ. Nó dạy cho tất cả quân bên đó, cả ông Vượng luôn, phải làm thế này, thế kia... Nó học được gì thì dạy lại đúng thế thôi, chả dấu gì! Nó là kỹ sư cơ khí, bảo trì là đúng ngành của nó, còn điều hành nhà máy thì nó học được rồi...”.

Để chúng tôi hiểu thêm thế nào là “mua máy” anh Việt giảng giải:

“Mua máy chính là mua dây chuyền sản xuất cho nhà máy. Giống như anh mua máy của tôi 70 ngàn, là anh chỉ đưa cái nhà xưởng của anh, có đường điện vào, đường hơi vào, còn tất cả mọi chuyện lắp máy này kia là tôi làm hết và tôi huấn luyện công nhân cho anh chạy ra được sản phẩm, thì mới xong nhiệm vụ của tôi bán máy... Để hoàn chỉnh một dây chuyền mì (một nhà máy) hết tầm tháng rưỡi đến hai tháng kể cả chuyển từ Việt Nam sang thiết bị. Đào tạo thợ thường thường khoảng tháng đến tháng rưỡi là được. Nghe đến làm nhà máy sản xuất, cứ tưởng phức tạp và tốn nhiều thời gian, nhưng thực ra để lắp một dây chuyền sản xuất mì ăn liền khá đơn giản. Về lắp ráp chỉ cần làm từng cụm máy rồi chở qua lắp, như anh đã chuyên nghiệp rồi thì nhắm mắt cũng tưởng tượng ra ngay cái quy trình”.

Tổng cộng anh Việt bán 17 cái nhà máy mì ăn liền, cho cả tây cả “cộng”. Bán được một cái cho Vượng. Tại Ukraina việc cấp phép cho sản xuất mì gói là rất khó khăn, nhưng Vượng lobby giỏi, cho nên chỉ Vượng xin được giấy phép sản xuất mì gói, thế là anh mất thị trường luôn. Vượt qua ngoài biên giới Nga, anh bán sang cả Ba Lan và thương thảo với một số nước Đông Âu: “Ba Lan bán đơn giản, mình qua mình khảo sát đo đạc, mình bán ở bển thì thằng Ba Lan nó lắp nó làm luôn, có gì trở ngại nó gọi điện cho mình thôi, đỡ là mình không phải cử người qua Ba Lan. Mình đi qua Hungary thảo luận với tụi người Việt ở Hung, thì cũng hai lần nhưng mà cuối cùng cũng không lắp được...”.

Anh vẫn chạy qua chạy lại Việt Nam với Nga rồi đi các nước xung quanh liên tục. Bà Nhân liên doanh làm mì với anh lãi quá, quay sang làm bia, vì anh không ở nhà nên bà tự làm, siêu lợi nhuận, lợi nhuận hơn làm mì nữa nên bà gỡ cả xưởng mì ở Trương Định đi để làm Halida. Cậu Trung em bà Nhân thì lại cực thân với anh Việt, hai đứa bàn nhau mở xưởng bia tươi và trả tiền thương hiệu Halida, làm ở tỉnh miền Trung không đụng hàng, tha hồ hốt bạc... thế rồi Trung chết đuối ở biển Hải Phòng cùng với đứa con khi đi bơi, đau đớn quá. Thế nên anh Việt cũng bỏ luôn ý tưởng sản xuất bia.

Nói thật, chả có ai tốt bụng như anh Việt, toàn “tạo điều kiện cho đối thủ ghi bàn” như thế đã đành, anh còn cứu cho “cả làng mì ăn liền” một vụ “trấn lột văn minh” vô tiền khoáng hậu. Kiện bản quyền sản xuất mì là khoảng năm 91, thằng Nga họ Maximov với anh Việt nhậu, nó nói “Việt, tao với mày đăng ký bản quyền tác giả sản xuất mì ăn liền đi!”, anh mới nói: “Thôi, tao đâu có ở đây đâu, tao bán nhà máy xong xuôi rồi tao về, thôi mày đăng kí đi!”. Sau hai, ba năm vào khoảng năm 94, đăng ký bản quyền của Maximov được thế giới chấp nhận patent của nó, mà bản quyền không phải ở Nga, Belarus không đâu mà là bản quyền toàn cầu. Có bản quyền trong tay, cậu ta quay lại kiếm mấy nhà máy mì, có làm mì ở Nga, yêu cầu mua bản quyền. Đầu tiên phải trả nó 500 ngàn đô trước, thì nó mới bán bản quyền cho sử dụng. Anh Việt thấy vậy nặng nề quá. Không thu được tiền, tên này bắt đầu giở trò đầu gấu: Đầu tiên nó đập nhà máy của ông tên Hà ở Moscow, đóng cửa, sau đó nó tiếp tục kiện mấy nhà máy kia nữa, có Việt Nam có tây, trong đó có một thằng Nga là thằng Samares, thằng mua máy của anh Việt đầu tiên. Đại sứ quán vào việc, anh Việt tổ chức họp lại, đề ra các phương án, chẳng hạn góp tiền trả Maximov hàng tháng, nó sẽ ngồi không cũng được mười mấy hai chục ngàn đô, nhưng thằng này tham quá không chịu nhún chút nào! Nó cứ đòi mỗi nhà sản xuất 500 nghìn trước đã, rồi bàn tiếp, thế mới láo... Sau mới biết nó đã sang lại cái quyền sở hữu patent cho một công ty chuyên sở hữu và thu tiền patent mạnh lắm, lấy 200 nghìn đút túi cái đã! Mình đàm phán với nó mấy lần không được, bảo nó mỗi nhà máy người ta xây tất tật có 300-400 nghìn, mà mày đòi 500 ngay và luôn, dã man quá - nó chả xúc động. Bảo nó đếm số gói tính tiền, theo sản lượng, nó cũng chả nghe!

“Không thể “đánh nhau” với nó - anh Việt vẫn nhớ rất rõ vụ việc này - nó là công ty chuyên làm những sự vụ thế này, người mình chỉ có cách chấp hành pháp luật thôi, nó nộp đơn là mình phải ra hầu tòa. Cuối cùng người mình phải họp lại tính toán xem phải làm sao. Đại sứ quán họp lại, trong đó có thằng Samares là bạn học chung với Tổng thống Yeltsin. Nó nói chuyện này để tao lo, còn bên mày về Việt Nam lo đưa máy của Việt Nam sang bên đây, công nghệ của nước chúng mày ra làm sao. Lúc đi về mình cầm bốn cái thư của bên đại sứ quán gửi các cơ quan trong nước nhờ hỗ trợ.

Gặp được chỗ ông quen trước là Chi cục đo lường chất lượng của TPHCM, mình đưa ổng coi, ổng nói ừ được, để tôi coi đã. Ổng mới coi khoảng một tuần sau mới trả lời cho mình, ông dịch lúc đó có đâu cỡ 138 cái patent trên thế giới về mì ăn liền, mà thằng này nó làm 1 trong 138 cái đó. Năm 91, khi đăng kí bản quyền sản xuất mì ăn liền, thằng Maximov lấy đúng cái quy trình sản xuất của anh để đăng kí patent tên của nó. Nhưng giỏi ở chỗ là nó nới rộng ra, ở trong cái patent cho phép khoảng nào là nó nới rộng ra hết, thành ra cái patent ấy được thế giới chấp nhận là như vậy đó. Thôi biết vậy mình cũng mừng.

Samares có bạn Tổng thống Nga mà cũng làm sao xử lí được, đây là chuyện tranh chấp kinh tế, đâu có biết được cách gì hơn nữa, bây giờ chấp hành theo luật pháp thôi, không tác động được. Cuối cùng đại sứ quán cử ông Thanh, lúc đó là phụ trách công nghệ của ta tại sứ quán ở Nga, ổng mới gặp mình, ổng nói tôi với anh đi kiếm ông Viện trưởng Viện Patent Nga. Ổng nói luôn: ông này tốt nhưng mới nghỉ hưu 5 ngày nay. Ba người mới ngồi ăn ở gần sứ quán, xong xuôi ông Viện trưởng Viện Patent Nga nói: “tôi cũng biết cái này rồi, cái thằng Maximov lựa đứa giỏi nhất ở Viện patent thuê làm patent, đứa giỏi nhất của viện tôi đó! Thành ra cái patent này làm chặt chẽ lắm, do đó đừng nói là nó lấy của mình hay nó học mình, không ăn thua đâu. Bây giờ hay nhất là nên lấy cái quyền điều 12 của “Luật patent Nga” - quyền có trước, chỉ có dựa trên điều 12 thì mới giải quyết được”.

Ông chậm rãi giải thích điều 12: bên ông Việt làm trước nó nhưng không đăng kí, nó làm sau nó đăng kí thì nó được, do vậy ông Việt chỉ được mấy cái nhà máy trước khi tay Maximov nhận patent, không được tiếp tục mở rộng bán dây chuyền nữa. Được sự tư vấn vô giá của ông cựu Viện trưởng viện Patent Nga, anh Việt đưa đơn lên tòa theo nội dung được tư vấn, kết quả anh thắng kiện. Phía Maximov không được bắt người ta phải mua bản quyền, không phải đóng tiền gì hết. Bên đối phương không kháng án bởi vì, nếu kháng án nghĩa là chống lại cái án thành phố xử thì phải đóng 10 ngàn đô rồi mới lên tòa án tối cao. Mà chắc nó hội ý với nhau biết là không ăn thua rồi, ta có tư vấn chuẩn rồi! Thế là cứu “cả làng” thoát hiểm...."

Trước kia anh đã được sứ quán rất nể trọng, vì dù sao cũng là doanh nghiệp công nghệ trong nước sang, “đem chuông đi đánh xứ người” hiệu quả. Sau vụ kiện này mặc dù anh Việt là doanh nghiệp bé tí so với các đại gia mới nổi, nhưng có họp hành lễ tết gì thì anh luôn được sắp xếp ngồi chính giữa, mâm “các cụ” đấy, một loại gương mặt điển hình vượt khó làm kinh tế. Và trong việc bán máy, bán công nghệ mì bên Liên Xô cũ, anh Việt đầu tiên bỏ xa các đối tác Trung Quốc và nhiều cơ sở lúc đầu định mua của Hàn Quốc (hàng đắt tiền đấy) nhưng sau được thuyết phục là công nghệ Việt Nam vẫn hơn!

Anh Việt làm thế bên Nga loay hoay cũng lãi lớn lắm. Chẳng hạn dây chuyền đầu tiên bán 178 ngàn USD (giá gốc 50 nghìn). Mỗi dây chuyền chúng nó lại đề nghị anh lấy bằng cổ phần tham gia nữa, bán được mì lại lãi mẹ đẻ lãi con. Khủng hoảng toàn quốc bên đó năm 97-98 làm anh cũng “rớt” đôi triệu, nhưng đối với anh không nhằm nhò gì. Tuy vậy anh cứ đi biền biệt, bay đi bay lại suốt như thế, đâm ra hạnh phúc gia đình bị sứt mẻ...

Vụ li hôn cũng không đơn giản, anh “rớt” còn nhiều hơn khủng hoảng bên Nga nữa, nhưng lỗi tại mình thôi, anh tự nhủ vậy. Năm 2001 anh về hẳn lại trong nước, trước đó anh bán lại tất cả cổ phần của mình tại các nhà máy mì đi. Anh kể là: với Nga chúng nó mua đúng giá tử tế, chứ đối tác “Việt cộng” nắm được thóp anh rồi, biết anh vốn tính cả nể, lại đang có chuyện phiền lòng, thôi được bao nhiêu thì được, nên bị ép giá dữ lắm, anh cũng mặc, tự nhiên thấy lòng nguội lạnh hẳn với nước Nga. Anh gom cả thảy được nhiều triệu đô la đấy, nhớ lời ông thành ủy nói năm xưa anh mua hết thành sắt thép rồi đưa về bằng đường biển, bằng 4 chuyến tàu sắt thép phế liệu nhưng có độn rất nhiều máy cơ khí, CNC, động cơ tháo nhỏ. “Đen tình đỏ bạc", nó lại “lồi” ra thêm mấy triệu đô la nữa ở nhà. Năm đó đem tiền tươi được về Việt Nam nhiểu như thế chắc chưa có ai đâu, ngoài “vua mì”!

misago-1616559627.jpg
Quảng cáo Mì gói Misago năm 1992

Bây giờ sau 20 năm nhìn lại thì mới thấy vì sao anh từng có tất cả mọi lợi thế trong việc sản xuất và kinh doanh mì ở Liên Xô cũ, nhưng anh không thành tỷ phú đô la như những lứa hậu sinh được - bài học rất bổ ích về kinh tế đấy, đơn giản nhưng không phải ai cũng thấy được. Bỏ qua cái việc anh lởi xởi đi “bán máy” cho các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thôi thì việc đó anh cũng có lời và giúp cho ai được đều tốt cả. Cái anh không nhìn ra được như lớp trẻ, là chúng quan tâm đến nhà máy một, thì quan tâm đến thương hiệu mười! Chúng bằng mọi cách phải quảng bá, đẩy mạnh sự hiện diện của thương hiệu mì “Alexandr & Sofia”, “Mivimex”, “Rollton”, "Mivina”, “King Lion”, “Kukhnya bez granitx”... và trong tương lai giá trị nằm ở chính các thương hiệu này, chứ không phải quan trọng nhất là anh bán được bao nhiêu container hàng! Còn anh, nhãn hàng Misago thì từ Việt Nam đem qua đã đành (hồi 1992 nó được quảng bá liên tục trên TV và đài, ai tò mò có thể vào Youtube xem lại), bên kia anh còn bán một nhãn hàng nữa là Moskvi - “Matxcơva và Việt Nam” đấy - thế mà chúng tôi hỏi anh phải nhớ lại, đến cả nửa ngày sau mới nhớ ra, chứng tỏ bản thân anh cũng chả coi cái mác ấy có giá trị bao nhiêu...

Tiếp nữa, anh bỏ lỡ một thế mạnh hiển nhiên của mình là hậu phương, đáng nhẽ phải là cái kênh để các doanh nghiệp trong nước dồn hàng bán qua anh mới đúng, mà không thì thừa sức anh tự sản xuất trong nước rồi đẩy hàng sang Nga, lợi và chủ động hơn làm tại chỗ đấy! Còn cái cuối cùng biết vậy nhưng khó trách được anh: anh có đội ngũ bán hàng và phong cách bán bị chính anh chê là “yếu” - đó chính là sự khác biệt giữa đội trẻ “những Nga kiều thầm lặng” và Đỗ Tấn Việt. Và anh là một con sói đơn độc, trong khi thương trường đầy hiểm ác. Anh làm việc phải dùng phiên dịch, người đầu tiên là anh Nguyễn Lân Tuất đấy – hội cựu sinh viên chúng nó trẻ, lại có thuận lợi thông thạo bản ngữ rồi, dù sao cũng dễ hơn anh....

Nhưng thôi đã hơn 20 năm qua rồi, bọn trẻ năm nào (có nhờ anh Việt một phần đấy) đã trở thành triệu phú, tỷ phú đô la hết rồi. Anh cũng mở ra sản xuất nhiều thứ, từ làm gỗ đến khai thác cát xuất khẩu, được cái nọ lại mất chỗ kia... Bây giờ anh đang sản xuất bể bơi cho cả người lớn và trẻ con với giá siêu rẻ, chỉ 100 tr/chiếc so với giá bể kích thước tương đương giá 700-800 triệu hoặc hơn. Anh và người bạn còn soạn cả giáo trình, để dễ học dễ dạy, sao cho người lớn hay trẻ em đều học 1-2 tuần là biết bơi hết, để giảm thiểu nguy cơ chết đuối ở ĐBSCL mùa nước lụt. Những nơi không có điều kiện đầu tư anh và các Mạnh Thường Quân sẵn sàng tặng luôn bể bơi. Anh không cam lòng khi cứ nghe tin trẻ em đuối nước khắp nơi, mà cả người lớn nữa!

Trông Đỗ Tấn Việt vẫn rất hoạt bát, hạnh phúc và đầy đam mê, nhất là khi có ai nói về chuyện cơ khí - anh vẫn sẵn sàng tham gia những chương trình nào liên quan tới cơ khí. Trong thâm tâm anh Đỗ Tấn Việt vẫn là một ông thợ cơ khí tốt bụng, mặc dù cách đây một phần tư thế kỷ anh đã từng là “vua mì” ở xứ sở bạch dương xa xôi...

Ghi chú:

-Theo một version khác thì người đem dàn máy sản xuất mì ăn liền đầu tiên từ Việt Nam qua Liên Xô là doanh nhân T. “Kristal” – chúng tôi đang kiểm tra lại, nhưng điều đó không hề thay đổi vai trò người tiên phong của anh Đỗ Tấn Việt trong việc sản xuất và kinh doanh mì ăn liền ở Liên Xô cũ.

-Quảng cáo TV mì Misago của anh Việt năm 1992: https://www.youtube.com/watch?v=3prY5Scn-eA

Tác giả: Nam Nguyên