111-1589869018-width698height391-1630592741.jpg
 

Sinh viên năm thứ ba trường Mỏ-địa chất Moscow. Trần Anh Tuấn tỉnh dậy với đầu óc nặng trĩu, phải một lúc sau mới hiểu được mình đang ngồi trong một sân vận động hoang vắng, trời gần tối và trên người chỉ còn bộ quần áo đang mặc. Thế là bao nhiêu tiền để đổi “xanh” đã mất, hóa ra chúng nó chơi trò đánh thuốc mê, cũng may cậu là người nước ngoài nên bọn nó cũng “chùn tay” và không dám manh động hơn! (Tuy vậy, sau đó một năm thì có chú sinh viên Ả rập gần trường Tuấn là “trùm” buôn xanh bị maphia Nga giết, cắt cả đầu, đến nỗi cả thị trường ngoại tệ “đen” rúng động…).

Mất hết tiền mà còn mang nợ anh em cùng hùn hạp đi buôn, Tuấn đã phải chấp nhận bán hết đồ đạc cá nhân để trả nợ dần…Lòng ham muốn kiếm tiền càng thôi thúc chàng sinh viên trẻ lao vào kinh doanh, khi xung quanh các bạn cùng trường ngày càng giàu lên, mà muốn đuổi kịp và vượt họ chỉ có cách tìm hướng đi khác, và chấp nhận “liều” hơn họ.

Và cơ hội cũng đến với người có công tìm: sau khi Liên Xô tan rã, Tuấn là một trong những người Việt đầu tiên làm “chợ”-khu kiôt buôn bán cho dân mình thuê, và tên Tuấn “chợ” gắn chặt với anh từ đó! Tuấn không quản ngại sớm hôm, thậm chí nhiều lúc một mình lận súng trong người, đi thu tiền thuê, chắc chỉ có tuổi trẻ mới hơn 20 mới có thể chấp nhận làm tất cả các việc đó vì tiền!

Rồi đến lúc “chợ” sập, Tuấn về nước sớm so với chúng bạn, không rõ vì chuyện cá nhân hay có vấn đề với “Tây”…và ở nhà Tuấn “chợ” trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank) cũng như các đàn anh từ Nga về (Nam “hói”, Long “le”, Tiến “Kristal”, Nam “Ngân”…Thời đó chỉ có 2 ngân hàng thương mại cổ phần mới ra đời, là VP Bank và Techcombank, nơi Vinh “đen” là Chủ tịch và Quang “phơ” là phó giám đốc và một số cổ đông nữa ở Đông Âu về tham gia.

Phạm Nhật Vượng sau khi học xong và người em tên Vũ đã mấy năm làm trợ lý quản trị cho anh Ngọ “Đôm 5 mới”, có thêm rất nhiều kinh nghiệm bổ ích nhưng vị trí đó chưa thể thỏa mãn được con người nhiều tham vọng như Vượng. Vượng đi đến quyết định có khi là quan trọng nhất trong cuộc đời doanh nhân của mình: bỏ thủ đô hoa lệ Moscow, rủ mấy anh em thân thiết cùng chuyển xuống Kharkov (Ukraina-lúc này đã là quốc gia khác Nga!) để lập nghiệp!

Trong số đó ngoài Vũ ra còn có Lam, sinh viên trường Đường sắt Moscow. Lý do đơn giản nhưng cho đến bây giờ nghe cũng chưa hẳn thuyết phục: Kharkov là trung tâm của vùng công nghiệp phía đông, không xa Nga lắm, có khá nhiều người Việt, và một số mô hình làm ăn ở Moscow có thể áp dụng tốt ở đó, chấm hết! Lam và vài người bạn khác còn ít nhiều có tiền chứ Vượng hầu như không có, Vượng vay được ít tiền, chủ yếu là “ông anh” Ngọ giúp, còn mượn được cả pháp nhân Cty Vinacom…-nghĩa cử này sau này anh em Vượng đền đáp hết sức xứng đáng!

Trước khi đi Vượng tâm sự nhiều với ông bạn Vỹ cùng khóa ở Mỏ-địa chất, nay buôn “xanh, đỏ” đã giàu sụ, và chính Vượng chia sẻ với bạn ý tưởng phải sản xuất mỳ ăn liền tại chỗ!

Hãy nhớ lại sau 75 miền Bắc mới có mỳ ăn liền, mỳ “2 tôm” ăn ngon và lạ miệng đến mức nào! Ở Nga trước 1991 mỳ gói hầu như không mấy ai biết, dân Việt “sành điệu” nào biết và thèm lắm thì vào “Beriozka” mua bằng check, đắt lòi mắt (mà nhiều lúc chả dám vào, phải thuê “nhọ”-mấy chú châu Phi được quyền tiêu-vào mua).
Dân Nga thì khỏi nói, tuyệt nhiên không có khái niệm, và vì không biết thì chả có nhu cầu…Khi đi lại dễ dàng hơn, anh em ỏ Nga thấy bên “tư bản” mỳ ăn liền bán nhiều nơi, nhất là các cửa hàng Á châu! Bây giờ thì khó xác định ai là người “đánh” những container mỳ ăn liền đâu tiên sang Liên xô, còn đội Masan thì khẳng định họ là những người tạo ra nhu cầu, tức là “dạy” dân Nga ăn mỳ gói, tương ớt!

Chắc là Masan là đội hình sản xuất mỳ đầu tiên tại Nga, ở ngoại ô thành phố Ryazan của Trịnh Thanh Huy mọc lên một xưởng sản xuất mỳ ăn liền quy mô khiêm tốn, với hai dây chuyền và hơn trăm nữ công nhân Nga, xưởng này còn hoạt động nhịp nhàng thêm mười mấy năm nữa (Huy lấy vợ Nga, mọi thủ tục để đăng ký hoạt động ở đây tương đối đơn giản hơn so với các trung tâm lớn khác)! Ngay lập tức, nhiều cặp mắt của các “anh tài” dõi theo việc sản xuất mỳ ăn liền này!

Tại sao không sản xuất gì khác mà lại mỳ ăn liền, cái phát minh của người Nhật này có gì mà nhiều “đại gia” Việt theo đuổi đến thế? Tôi chỉ hiểu ra được khi tham vấn với vài “chính chủ” và câu trả lời ngắn gọn dễ hiểu nhất tôi nhận được là: “bọn Tây gọi việc sản xuất mỳ gói là gê-mor-rôi, tức là “lòi dom” (từ lóng của Nga chỉ việc phọt phẹt, khổ sở!).

Đúng như vậy đấy, anh em Việt muốn tìm một cái gì để sản xuất hợp pháp ở đất Liên Xô cũ, thì đó phải là ngành nghề bọn “Tây” không thèm làm! Vào những năm 90 đó, chuyện Tây cướp business của nhau quá thường xảy ra, hoặc là bạo lực trấn lột, đòi bảo kê…Đơn cử như văn phòng Moscow của “đại ca khét tiếng” là bác Dũng “tăm” (còn được gọi là Nguyễn Chí Dũng “VIT”-1955), nhà buôn khí tài, vũ khí đời đầu và có thể là người Việt giàu nhất vào thời điểm 94-95 đó, một ngày đẹp trời có mấy chú “đầu đen” đến, rút tiểu liên lia nát bét trần nhà, rồi mới bắt đầu “đàm phán…”

Cũng vì lý do công việc tiến triển tốt quá, bắt đầu có “bạn” “quan tâm sâu sắc” mà anh em phân phối chè Dilma phải rút về nước, và từ 1996 ta mới được uống Dilma!

Vậy đấy, chính vì cái sự “phọt phẹt” mà mỳ ăn liền được lựa chọn!

Cũng nên hiểu thêm tâm lý làm ăn của người Nga thời “mất lòng tin sâu sắc vào ngày mai” đó, nếu có rủ làm ăn gì mà không hòa vốn sau 1-2 năm rồi bắt đầu có lãi thì chả ai thèm làm đâu, Nga chỉ thích kiếm tiền “nhanh và nhiều luôn” thôi!

Rất nhiều năm ở Liên Xô cũ mỳ ăn liền là sản phẩm độc tôn của dân Việt (Tây không thèm làm, Trung Quốc có thừa điều kiện làm nhưng tiếng tăm lỗ mỗ, giấy tờ không đủ, các nước Nhật, Hàn còn chưa quan tâm…). Ngoài mỳ ra dần dần người Việt ở Liên Xô cũ cũng nghĩ ra thêm một số mặt hàng để sản xuất, phần sau sẽ kể…
Hè năm 1996 Hà Nội đón nhận một đợt “đổ bộ” của các doanh nhân “thế hệ vàng” bên Nga và Đông u về. Nhóm người trẻ tuổi này tuy đã từ lâu có nhà đẹp ở Hà Nội, Sài Gòn nhưng vẫn hay ở khách sạn 5 sao (thời đó mới có Metropole và Daewoo) và đi lại bằng xe Nissan VIP đen trũi, thuê của Liên doanh do Tuấn “chợ” điều hành.
Đó là việc chuẩn bị thành lập Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Cái tên được chọn lựa rất khéo, nói lên mục tiêu thành lập ngân hàng là huy động sức anh em thành đạt ở nước ngoài, hồi đó muốn lập ngân hàng không khó chuẩn bị số vốn điều lệ 50 tỷ, mà phải có “mục đích, tiêu chí” rõ ràng và có tí chính trị (hãy xem Techcombank và VPBank, tên cũng “xúc động” lắm đấy chứ!).

Mà hình như cơ chế ”xin-cho” này đến nay vẫn còn nguyên, cụ thể là 2 “ông lớn” dầu khí và FPT rập rình mãi có xin tham gia được ngân hàng nào đâu?! Họp hành đấu trí cực kỳ căng thẳng để bỏ bớt những người mong muốn thành cổ đông ra, cuối cùng đội Ba Lan bay mất bác Thân “lùn”, Tuấn “Thái Bình”, Vinh “giò” chỉ còn Tuấn “Quế Anh”, còn lại toàn Nga như Vỹ, Dũng, đội hình Sovico (vợ chồng Hùng-Thảo và Sơn). VIB nhận giấy phép hoạt động, cuộc đua mới chỉ bắt đầu…

Tác giả: Nam Nguyên

Sách Đông Âu Anh Hùng truyện

Phần 1: Những người mở đường
Phần 2: (1984-1994) Tuổi trẻ sau cách mạng
Phần 3: Lập thân, Tề Gia,...(1994-2004)
Phần 4: Họ đã kiếm 1 triệu usd đầu tiên như thế nào?