Tôi tự nhủ rằng nếu tôi có dư 2.000 đô hay thậm chí 10.000 đô, tôi sẽ dành số tiền đó cho một kỳ nghỉ tốt hơn — có thể là khách sạn sang trọng, ăn uống cao cấp hay nhiều trải nghiệm hơn — chứ không lãng phí nó vào vài tiếng du lịch với chỗ để chân rộng hơn hoặc ghế ngả được.
Niềm tin đó kéo dài… cho đến ngày tôi bất ngờ ngồi trên khoang hạng nhất.
Chuyện xảy ra khá tình cờ. Hãng hàng không còn ghế trống hạng nhất, và với chỉ 200 đô, tôi được đề nghị nâng cấp. Một cái gật đầu dễ dàng. Tôi không mong đợi gì nhiều (có thể là thêm chút không gian và bữa ăn ngon hơn), nhưng trải nghiệm đó hoàn toàn thay đổi cách tôi nhìn nhận về tiền.
Người giàu suy nghĩ khác về tiền bạc
Nhiều người xem tiền là thứ cần tiết kiệm và bảo vệ, đặc biệt khi họ không có nhiều và đang cố gắng xây dựng tài sản.
Tôi - người xuất thân từ tầng lớp trung lưu và đã cố gắng vươn lên theo thời gian, xem tiền là quý giá vì nó đã giúp tôi cải thiện điều kiện sống và trở nên linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, với người giàu, tiền đơn giản là công cụ để cải thiện cuộc sống. Khi bạn có đủ nhiều, bạn sẽ không bao giờ đánh đổi sự thoải mái của mình chỉ để tiết kiệm. Họ không nghĩ đến tổng chi phí, mà nghĩ đến giá trị thời gian của họ.
Một điều nữa tôi chưa từng hiểu cho đến khi trải nghiệm hạng nhất là: nó không hẳn là về sự sang chảnh, mà là để hành trình trở nên thoải mái và không căng thẳng nhất có thể.
Tôi vốn ghét đi lại vì tất cả những gì phải chịu đựng để đến nơi: hàng loạt trạm kiểm tra, xếp hàng dài dằng dặc, ngồi một chỗ hàng giờ, và nếu ngồi gần cửa sổ thì càng không muốn đứng lên làm phiền người khác.
Nhưng trải nghiệm ở khoang hạng nhất hoàn toàn khác. Mọi thứ dễ dàng hơn và đội ngũ tiếp viên cố gắng khiến tôi cảm thấy thư giãn và vui vẻ nhất có thể. Cuối cùng, tôi cảm giác như chuyến bay diễn ra ngắn hơn.
Tiền mang đến lựa chọn để cuộc sống dễ dàng hơn, dù là bỏ qua hàng đợi, giảm bớt khó chịu hay “mua lại” thời gian. Người giàu tận dụng điều đó để sống thoải mái hơn và nâng tầm trải nghiệm.
Người ngồi ở khoang hạng nhất không phải thiếu 2.000 hay 10.000 đô cho kỳ nghỉ
Một bài học khác tôi rút ra là: những người ngồi đó không thiếu 2.000 đô hay 10.000 đô để dành cho kỳ nghỉ. Suy nghĩ trước đây của tôi đơn giản là vì tôi không có số tiền đó.
Người ở khoang hạng nhất không phải vì hy sinh phần còn lại của chuyến đi mà vì họ có đủ khả năng để tận hưởng toàn bộ trọn gói.
Nhìn tiền như một nguồn tài nguyên giới hạn khiến bạn ngần ngại chi tiêu, dù điều đó có thể cải thiện cuộc sống bạn. Nhưng khi bạn có nhiều tiền, những trải nghiệm như vậy trở nên hợp lý, dù có phải trả nhiều hơn.
Tôi từng thấy việc đi xe buýt hay tàu điện là lựa chọn hợp lý khi thu nhập chỉ ở mức tối thiểu vì “tôi vẫn đến nơi với chỉ 1 đô.” Nhưng khi tôi kiếm được nhiều hơn, việc có phương tiện riêng lại hoàn toàn hợp lý dù chi phí cao hơn.
Khi bạn chưa có tiền, những nâng cấp dường như không cần thiết. Nhưng người giàu không nghĩ theo kiểu “đáng lẽ tôi chỉ cần chi từng này”, mà họ nghĩ: “cái gì giúp tôi trải nghiệm tốt hơn?”
Người giàu sống từ tư duy dư dả; họ đầu tư vào những thứ mang lại giá trị, dù chúng đắt đỏ hơn.
Trải nghiệm sự giàu có khiến bạn muốn kiếm nhiều hơn
Ngồi trên ghế hạng nhất khiến tôi bắt đầu suy nghĩ về việc phải làm gì để biến điều này thành thói quen. Đặc biệt là khi tôi quay lại chuyến bay ở khoang phổ thông, nơi mà ba lô của tôi chật cứng và tôi lại nhức đầu vì ngủ không đủ.
Một khi đã nếm mùi cuộc sống cao cấp, thật khó để quay lại. Và nếu bạn giống tôi, bạn sẽ tìm mọi cách để đạt đến đó — vì bạn cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.
Thay vì xem xa xỉ là không cần thiết, bạn bắt đầu xem nó là động lực để kiếm nhiều hơn. Với tôi, chút trải nghiệm xa xỉ ấy khiến tôi nhận ra: tiền có thể mang lại điều gì khi bạn dám nghĩ lớn hơn.
Tôi cũng nhận thấy rằng những người thường xuyên tiếp xúc với tiêu chuẩn sống cao thường đạt được chúng nhanh hơn. Họ biết tiền có thể làm được gì nếu tiếp tục làm việc hiệu quả, nên họ đi đến đó càng sớm càng tốt.
Đó chính là điều mà trải nghiệm hạng nhất đã mang lại cho tôi. Và tôi hy vọng sẽ sớm đạt đến cấp độ mà tôi sẵn sàng chi tiền để ngồi thoải mái hơn.
Giá trị thật của tiền nằm ở việc nó cải thiện cuộc sống bạn như thế nào
Tiền không chỉ là con số trong tài khoản ngân hàng, mà là cách nó cho phép bạn sống ra sao. Đó là lý do tôi sẽ không bao giờ sống quá tiết kiệm – và trải nghiệm này đã chứng minh điều đó với tôi.
Tiền không có ý nghĩa gì nếu nó không giúp cuộc sống tốt hơn, không cho ta làm điều mình muốn và không khiến ta hạnh phúc hơn. Đầu tư vào trải nghiệm (như bay hạng nhất) có thể thay đổi tư duy của bạn và khiến bạn nghĩ lớn hơn.
Khi xem tiền như công cụ để cải thiện cuộc sống, thay vì là vật để trân trọng và tích trữ, chúng ta sẽ tìm cách kiếm nhiều tiền hơn để có nhiều trải nghiệm hơn.
Trí tuệ tài chính thực sự không nằm ở việc tiêu ít nhất để tiết kiệm nhiều nhất, mà là tối ưu giá trị bạn nhận lại từ số tiền bỏ ra.
Bạn tôi hay đùa rằng khi có nhiều tiền, anh ấy sẽ thuê tài xế riêng. Anh ghét lái xe và luôn tránh nếu có thể. Trước đây tôi thấy ý tưởng đó thật điên rồ, nhưng giờ tôi hiểu đó là cách anh ấy muốn cải thiện cuộc sống. Và nếu có thể, điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Bạn chưa thật sự giàu cho đến khi dùng tiền để sống một cuộc đời tốt hơn.
Được bao quanh bởi những người giàu sẽ mở ra cơ hội đặc biệt
Điều cuối cùng tôi học được là: nếu được ở cạnh những người quyền lực, tôi có thể có được những cơ hội độc nhất mà tôi đã bỏ lỡ vì chưa có tư duy này.
Ngay cạnh tôi hôm đó là một trong những doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và marketing ở đất nước tôi. Lúc đó, tôi chưa có cuốn sách nào sẵn sàng, không bản nháp, không bản in, nên đã bỏ lỡ cơ hội hoàn hảo để giới thiệu bản thân và xin một cuộc gặp gỡ.
Có người sẵn sàng chi tiền để vào các câu lạc bộ cao cấp, phòng gym đắt nhất, hay lớp golf, tennis ở trung tâm thành phố không phải vì chất lượng vượt trội mà vì những người có mặt ở đó.
Họ không chi cho trải nghiệm xa xỉ, mà chi để tiếp cận mạng lưới người thành công, có thể là đối tác, cố vấn hay khách hàng tương lai. Đó là lý do nhiều người thành công đầu tư vào trải nghiệm cao cấp ngay cả trước khi họ “thành đạt.” Họ hiểu rằng có mặt ở đúng nơi dù phải vượt ngân sách có thể mang lại cơ hội đáng giá hơn nhiều lần chi phí.
Giờ đây, mỗi khi nghĩ đến những trải nghiệm xa xỉ, tôi không còn chỉ nhìn thấy giá tiền ban đầu, mà còn là tiềm năng thu lại từ mối quan hệ hoặc cơ hội.
Ngồi ở khoang hạng nhất dạy tôi rằng tiền không chỉ để trang trải nhu cầu cơ bản, mà là để sống theo cách khác biệt. Người giàu không chi nhiều vì thích mà vì họ hiểu giá trị của những gì trong tay mình.
Tự do tài chính thật sự không nằm ở chỗ giữ tiền, mà là dùng nó để nâng tầm cuộc sống, mở ra cánh cửa và tạo nên khả năng mới.
Xa xỉ không phải sự hoang phí, nó là động lực. Tôi thấy mình có lý do để làm việc thông minh hơn, kiếm nhiều hơn, và bước vào những căn phòng nơi cơ hội diễn ra. Bởi vì, cuối cùng, tiền không nằm ở chỗ bạn có bao nhiêu mà là bạn làm gì với nó.
Theo: Desiree Peralta