dsc-8473-2836-1628850550.jpg
 

Tôi có một người em họ xa, hồi trong Tết có gặp nhau. Biết tôi làm trong ngành chứng khoán, cô ấy bảo "anh giúp vợ chồng em kiếm chút cháo, chứ dạo này cũng khó quá anh ạ". Tôi cười "cô thì làm nhà băng, chú thì kinh doanh bên ngoài, nhà thì 2 căn, thiếu thốn gì mà kêu khó cơ chứ". Cô ấy thở dài than là nhà không cho thuê được, chồng thì cũng ít việc, dựa vào mỗi đồng lương. Tôi thầm nghĩ kinh doanh CK cũng khó nhằn lắm chứ, cho nên cũng chỉ nói qua cho xong chuyện, rồi thôi.

Thế rồi bỗng trưa này cô ấy gọi điện thất thanh "Anh ơi cứu chúng em, sắp toi rồi". Tôi giật mình tưởng mắc Covid, hỏi cặn kẽ. Cô ấy kể là ngay từ Tết ra, cô ấy bán đi căn nhà được gần 5 tỷ, bỏ 2 tỷ gửi TK, còn 3 tỷ dồn hết vào chứng. Không biết đánh ra sao mà bây giờ còn có 1.8 tỷ. Hồi Tết là Vn-index tầm 1100, bây giờ lên đến 1350, mà sao ra nông nỗi này nhỉ. Nguyên tắc của tôi là không bao giờ tư vấn trực tiếp, cụ thể chi tiết cho bất kỳ ai. Nhưng đây cũng là người trong họ, mình không giúp thì các cụ chửi nát mặt. Vậy là tôi hỏi danh mục thế nào, đang đầu tư kiểu gì? Cô ấy bảo đang nắm .... 18 mã, tổng danh mục là 4 tỷ, có nghĩa là đang vay 2.2 tỷ.

Tôi hỏi "Thường xuyên thế này sao, nghe ai mà mua lắm mã thế". Cô ấy bảo chỉ có tháng đầu tiên là chưa dùng Margin, bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi là lúc nào cũng trong tình trạng full MR. Còn nghe ai ư? Nghe đủ thứ luôn nhé, từ "Năm dòng kẻ" cho đến "chiên da" chém trên MXH (trong đó hình như có cả tôi!). Còn tham gia đủ các loại room VIP, nhóm zalo, diễn đàn mở, hội kín các kiểu nữa. Cô ấy còn bỏ ra 5 triệu học khóa "Làm giàu từ ĐTCK" của một ông thầy nổi danh. Thi thoảng còn học các khóa ngắn hạn về kỹ thuật của các "Chuyên gia thổi nến". Nói chung là tả pí lù.

Thực lòng tôi thấy ca này khó, chỉ có xóa bài làm lại may ra được. Nhưng tôi có đặt ra 5 câu hỏi cho cô ấy, trước khi quyết định hành động.

1. Số tiền rót vào chứng chiếm bao nhiêu % tổng tài sản của gia đình? Có những người họ phân bổ tài sản (tôi đã có bài viết về Phân bổ tài sản hồi 2 tháng trước), chỉ đưa vào chứng khoảng 30% tổng TS của họ, nhưng có người lại chỉ bỏ vào 5%, chơi cho vui. Ngược lại có người lại bỏ đến 80%, cho nên phải luôn trả lời chính xác được câu hỏi này. Vị thế và cách ứng xử sẽ phụ thuộc rất nhiều vào con số tỷ lệ này.

2. Mức độ chấp nhận rủi ro như thế nào? Nếu chẳng may mất hết thì có đau khổ quá độ hay không? Nói chung là chấp nhận mất tối đa chỉ là bao nhiêu %, mất rồi thì dừng cuộc chơi hay "gỡ tiếp"? Có những người do bản tính của họ hào sảng, họ "chơi" hết mình, mất cũng không thấy gì. Họ luôn thích mạo hiểm, chơi bằng cảm xúc, "lời lãi gì tầm này, đam mê là chính". Nhưng có những người lại không chịu nổi sự giảm giá dù chỉ 1 ly. Họ chắt bóp, kiên quyết không chịu mất hào nào. Cho nên tính cách là yếu tố thứ hai để quyết định hành xử.

3. Thích giàu nhanh hay chậm rãi, chắc chắn? Nếu thích giàu nhanh, phải chấp nhận mạo hiểm hơn, phải chấp nhận dùng đòn bẩy cao khi cần thiết. Đừng nghĩ đây là điều xấu gì, thích giàu nhanh là một mong muốn bình thường, nhưng đi đôi với nó cũng chứa đựng những rủi ro. Và quan trọng là trong thời gian đủ dài, sẽ không có được cảnh nhân 3, nhân 5 tài khoản đâu. Còn nếu thích sự chắc chắn, nên chấp nhận mức lãi vừa đủ, tầm 30%/năm là tuyệt rồi. Như vậy cần trả lời được câu hỏi này, để xác định tâm thế trong QTRR.

4. Mục đích bỏ tiền vào chứng là lâu dài, coi là tài sản hay coi là cơ hội nhất thời? Nếu xác định là kênh đầu tư lâu dài, thì phải có phương pháp, trọng yếu là đầu tư trung và dài hạn, tích lũy cổ phiếu tốt khi có giá tuyệt vời, rút bớt lãi ra để chi tiêu theo định kỳ. Còn nếu coi đây là cơ hội đánh quả, thắng nhanh rút gọn, thì phải chớp thời cơ sóng ngành, sóng mã, thật linh hoạt, chấp nhận chơi cả hàng đầu cơ. Đây là câu hỏi để hiểu về phương pháp chốt lãi, cắt lỗ.

5. Có hiểu biết sâu và thực sự thích ngành nào không? Có những người vì lý do công việc, nên họ có thể hiểu rất sâu sắc, hơn bất kỳ chuyên gia nào về ngành nào đó hoặc một mã nào đó. Cho nên khi đó cũng không cần chơi mã lung tung nào khác, mà chỉ cần tập trung đúng vào sở trường. Câu hỏi này để xác định ý thích và ưu thế của NĐT trong một thị trường rộng lớn.

Sau khi trả lời được 5 câu hỏi này, chúng ta mới nên nghĩ đến việc mua bán như thế nào. Phải dựa trên những cá tính riêng của từng người, hoàn cảnh của mỗi cá thể, mới nên có những tư vấn chuyên sâu hơn. Nhìn chung đối với tài sản như của cô em tôi, danh mục 18 mã là hơi nhiều, có lẽ chỉ nên 3-4 mã là vừa. Còn dùng MR là một nghệ thuật, lúc dùng full, lúc dùng phân nửa, lúc hoàn toàn dư tiền mặt. Những điều này có lẽ phải cần các bạn Tư vấn chuyên nghiệp.

TTCK VN còn rất non trẻ, số TK mặc dù phát triển lên 3.5 triệu, nhưng 40% trong số đó là những người mới mở từ 2020. Cho nên không tránh khỏi những bối rối, những thua lỗ trong thời gian đầu. Nếu chúng ta biết kiên nhẫn học hỏi, nắm vững các nguyên tắc, thì thành công nhất định sẽ đến sau này.

Tác giả: Nguyễn Hồng Điệp