Mới đây, VinaCapital vừa có báo cáo về triển vọng của ngành ngân hàng năm 2025.
Theo VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng 40% trong Vn-Index và trong năm 2024, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt trội so với VN-Index. Thống kê cho thấy 18 ngân hàng niêm yết trên HOSE thị giá cổ phiếu tăng 26%, vượt trội so với VN-Index chỉ tăng 12%.
VinaCapital tin rằng giá cổ phiếu ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn từ 14% năm ngoái lên 17% năm nay. Bên cạnh đó, mức định giá hấp dẫn hệ số P/B dự phóng năm 2025 hiện ở mức 1,3 lần ứng với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dự phóng 16% cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu.
Về triển vọng ngành, VinaCapital dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay sẽ chậm lại nhưng bù lại là tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện. Phần lớn xuất khẩu của Việt Nam là nhờ các công ty FDI trong khi các công ty này lại không thực sự đi vay nhiều từ ngân hàng trong nước. Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ không ảnh hưởng nhiều tới ngân hàng trong nước.
Hơn nữa, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển sang các yếu tố nội tại để hỗ trợ tăng trưởng GDP. Các ngân hàng Việt Nam gần như tài trợ tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước và họ cho vay nhiều đối với bất động sản, tiêu dùng, những lĩnh vực sẽ thúc đầy tăng trưởng nền kinh tế năm 2025.
VinaCapital kỳ vọng Chính phủ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản nhờ đó dự kiến tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi từ khoảng 10% năm ngoái lên gần 20% năm nay. Thị trường bất động sản hồi phục cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng từ đó kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp.
Chính phủ cũng dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay các ngân hàng.
Dự báo lợi nhuận các ngân hàng niêm yết tăng 17% trong năm 2025 nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ 6 điểm cơ bản so với năm ngoái lên 355 điểm cơ bản.
Tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân vốn có biên lợi nhuận cao dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.
---------------
Cổ phiếu ngân hàng nào được 'chọn mặt gửi vàng’?
Theo nhận định từ VinaCapital, cổ phiếu các ngân hàng hiện đang giao dịch ở mức P/B 1,3 lần với dự phóng cho năm 2025, cùng tỷ lệ ROE dự phóng ở mức 16%. Mức P/B này đang thấp hơn gần 2 độ lệch chuẩn so với mức P/B trung bình quá khứ 5 năm của ngành ngân hàng, trong khi đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những ngân hàng có ROE 16% có thể được giao dịch với mức P/B trên 2 lần.
Định giá cũng khá thấp khi xét theo hệ số giá trên thu nhập (P/E) so với tăng trưởng lợi nhuận (G) khi tỷ lệ PEG chỉ ở mức 0,5 lần. P/E dự phóng là 8 lần so với tăng trưởng EPS dự phóng 17% cho năm 2025. Mức định giá này đã có cải thiện so với đầu năm ngoái khi mức cổ phiếu ngân hàng tăng 26%, cao hơn mức tăng trưởng thu nhập bình quân trên cổ phiếu EPS 14%.
Một nguyên nhân nữa khiến định giá ngân hàng ở mức rẻ là do giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đối với ngân hàng chỉ là 30%, khiến các nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành vai trò chủ đạo trong việc quyết định giá cổ phiếu, trong khi phần đông trong số nhà đầu tư cá nhân không chú trọng vào việc xem xét định giá như các đầu tư nước ngoài.
VinaCapital nhóm các ngân hàng thành 2 nhóm: Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và có danh mục cho vay đa dạng/ít phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản; Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản cao và/hoặc tập trung mạnh hơn vào cho vay tiêu dùng.
Nhóm đầu tiên bao gồm các ngân hàng như ACB, VCB, CTG, BID và STB, đây đều là những ngân hàng có khả năng tận dụng được đà tăng trưởng chung của toàn ngành năm nay.
Những ngân hàng này cũng có khả năng mở rộng thêm dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản (bao gồm cho vay mua nhà) vì họ không bị giữ chân bởi những dự án còn đang vướng mắc về pháp lý và/hoặc không cần phải hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn do các vấn đề tồn đọng từ trước.
Đây cũng là những ngân hàng hưởng lợi nhiều nhất từ thu từ nợ đã xử lý do chính sách cho vay thận trọng trước đó đồng nghĩa với việc họ có nhiều tài sản thế chấp có thể sớm thu hồi hơn nhất là khi thị trường bất động sản hồi phục.
Nhóm thứ hai bao gồm những ngân hàng mạnh dạn hơn như TCB, VPB, MBB và HDB, là những ngân hàng có thể trực tiếp hưởng lợi từ việc đẩy mạnh cho vay (hoặc giảm hỗ trợ lãi suất) đối với các công ty bất động sản hoặc sẽ giải quyết được một số vấn đề về chất lượng tài sản còn tồn đọng trước đó nhờ việc được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cũng như khi giao dịch bất động sản sôi động trở lại.
Ví dụ, giá cổ phiếu của những ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu thấp dưới 100% hoặc những ngân hàng mà thị trường cho rằng có thể chưa báo cáo đầy đủ nợ xấu thực sẽ có tiềm năng tăng giá tốt khi thị trường bất động sản phục hồi.
Nhìn chung, theo VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá vượt trội so với VN-Index trong năm 2024 và VinaCapital kỳ vọng giá cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng tốt, nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn và mức định giá thấp. Dù vậy, diễn biến giá cổ phiếu của từng ngân hàng riêng lẻ dự kiến có sự phân hóa rõ rệt do những khác biệt lớn về định giá, chất lượng tài sản và tăng trưởng lợi nhuận.