Theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chính thức đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4.

Với tên gọi mới, Petrovietnam sẽ phát triển dựa trên ba trụ cột: năng lượng, công nghiệp và dịch vụ, trong đó năng lượng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Doanh nghiệp khẳng định đây không còn chỉ là một tập đoàn dầu khí thuần túy, mà là trung tâm công nghiệp - dịch vụ, đóng vai trò trụ cột trong lĩnh vực năng lượng quốc gia.

thu-tuong-vua-co-quyet-dinh-doi-ten-tap-doan-dau-khi-viet-nam-1-1744258009.jpg

Việc đổi tên cũng nhằm đảm bảo sự đồng bộ về tổ chức và hoạt động của tập đoàn, phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị, xu thế chuyển dịch năng lượng và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí, Việt Nam định hướng khai thác tối đa thế mạnh ngành để thúc đẩy công nghiệp năng lượng tái tạo và năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, hydrogen, amonia phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cuối năm ngoái, tại Hội nghị tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã chứng kiến nghi thức công bố định danh mới. Đồng thời, Petrovietnam đã xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, nghiên cứu nhận diện thương hiệu mới và hoàn tất các thủ tục chuyển đổi.

Cũng trong ngày 9/4, Petrovietnam và Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) ký kết gia hạn Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại lô PM3 CAA thêm 20 năm (2028–2047). Đây là khu vực chồng lấn giữa Malaysia và Việt Nam, nơi hai bên đã hợp tác từ năm 1989 và chính thức giao quyền điều hành từ năm 1992.

Hiện lô PM3 CAA do Hibiscus Oil & Gas Malaysia Ltd. điều hành (35%), cùng với PVEP (thuộc Petrovietnam - 30%) và Petronas Carigali Sdn. Bhd. (35%). Mỗi ngày, lô này khai thác khoảng 20.000 thùng dầu và 200 triệu bộ khối khí (tương đương 5,7 triệu m³). Đến cuối năm 2024, tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (43 tỷ m³), trong đó gần 25 tỷ m³ được cung cấp cho Việt Nam, góp phần phát triển tổ hợp khí - điện - đạm Cà Mau.

Tổng vốn đầu tư của dự án ước khoảng 10 tỷ USD, tạo ra doanh thu gần 24,8 tỷ USD và đóng góp lớn vào ngân sách cả hai quốc gia.

thu-tuong-vua-co-quyet-dinh-doi-ten-tap-doan-dau-khi-viet-nam-1744257937.jpg

Năm 2024, Petrovietnam ghi nhận doanh thu kỷ lục vượt mốc 1 triệu tỷ đồng – tăng 36% so với năm 2019, tương đương 9% GDP cả nước. Số nộp ngân sách Nhà nước đạt 165.000 tỷ đồng, chiếm gần 9% tổng thu ngân sách.

Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 270.000 tỷ đồng, tăng 237% so với giai đoạn trước dịch. Lợi nhuận trước thuế đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 45%.

Tính trong giai đoạn 2021–2024, Petrovietnam đã hoàn thành và vượt kế hoạch tài chính 5 năm khi đạt doanh thu 3,5 triệu tỷ đồng (vượt 6%) và nộp ngân sách 600.000 tỷ đồng (vượt 30%).