Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hai vụ việc đau lòng xảy ra tại trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall (quận 10, TP.HCM) đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.... Cả hai nạn nhân đều rơi từ tầng cao và không qua khỏi, để lại nhiều câu hỏi và cả nỗi xót xa về những khoảng trống vô hình trong cuộc sống hiện đại...
Trước những diễn biến gây lo ngại, ngày 12/4, Ban quản lý Vạn Hạnh Mall chính thức lên tiếng trên fanpage của trung tâm. Trong thông báo, đại diện trung tâm thương mại gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định sẽ hành động quyết liệt nhằm siết chặt các biện pháp an toàn.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, tư vấn và hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình tham quan, mua sắm và sử dụng dịch vụ.”
Thông điệp không chỉ mang tính trấn an, mà còn cho thấy một cách tiếp cận nhân văn hơn: không chỉ phản ứng bằng biện pháp kỹ thuật như tăng lực lượng bảo vệ, nâng cấp hệ thống giám sát mà còn đặt yếu tố tâm lý và cảm xúc của khách hàng lên hàng đầu.
Theo đó, Vạn Hạnh Mall sẽ bố trí bảo vệ chuyên nghiệp túc trực tại mọi tầng, đồng thời tăng cường các giải pháp công nghệ để kịp thời phát hiện và xử lý các tình huống bất thường.
Đằng sau hai vụ việc, là hồi chuông cảnh tỉnh về áp lực vô hình
Hai vụ rơi lầu tử vong: một là thiếu niên sinh năm 2010, một là người đàn ông khoảng 30 tuổi, cả hai có thể mang những bối cảnh khác nhau, nhưng đều gợi lên một sự thật khó chối bỏ: nhiều người giữa phố thị hiện đại đang lặng lẽ gánh chịu những áp lực tâm lý khủng khiếp...
Một mảnh giấy nhỏ trong túi nạn nhân đầu tiên, ghi vội tên và số điện thoại phụ huynh, là chi tiết khiến ai đọc cũng phải nghẹn lòng.
Việc Vạn Hạnh Mall phản hồi nhanh chóng, thể hiện sự cầu thị và cam kết nâng cao an toàn là điều đáng ghi nhận. Nhưng những gì đã xảy ra cũng đặt ra câu hỏi lớn hơn: Chúng ta - từ những người làm dịch vụ, đến cộng đồng, đến cả mỗi cá nhân, liệu có đang đủ tinh tế để nhận ra khi ai đó cần một cái nhìn cảm thông, một lời hỏi han đúng lúc?..