Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - SAS) được thành lập năm 1993 với số vốn Nhà nước ban đầu là 9,3 tỷ đồng.

Sau hơn 27 năm, từ một doanh nghiệp phục vụ hành khách thời bao cấp, Sasco đã có những chuyển mình mạnh mẽ, phát triển ấn tượng theo cơ chế thị trường, bắt kịp với xu thế quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ thương mại sân bay.

Hiện tại, Sasco là công ty cổ phần đại chúng với quy mô lớn,  dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ thương mại sân bay tại Việt Nam và từng bước đi lên ngang tầm các sân bay quốc tế trong khu vực.

Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất tại Việt Nam. Doanh nghiệp này chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ngoài ra, công ty còn vận hành hệ thống phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.

Tại Sasco,"vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đang giữ chức Chủ tịch còn vợ là bà Lê Hồng Thuỷ Tiên tham gia Hội đồng quản trị. Ba công ty liên quan đến doanh nhân này đang nắm hơn 45% vốn.

Một cửa hàng miễn thuế của Sasco

Mới đây, Sasco đã cáo Báo cáo tài chính quý 4/2022. Theo đó, doanh thu thuần của Sasco ghi nhận trong kỳ đạt 559 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu từ hoạt động bán hàng miễn thuế và phòng chờ sân bay đều tăng trưởng mạnh.

Trong quý, doanh thu tài chính của Sasco đã tăng gấp đôi và mang về cho doanh nghiệp 43 tỷ đồng. Các chi phí phát sinh trong kỳ cũng tăng mạnh với chi phí bán hàng tăng 7,6 lần, lên 165 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 5,3 lần, lên 96 tỷ đồng.

Sasco đã thu về khoản lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng trong quý 4/2022. Sau khi trừ chi phí, Sasco báo lãi sau thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp 33 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2022, Sasco ghi nhận doanh thu thuần 1.400 tỷ đồng, tăng 336% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm tăng mạnh lên mức 210 tỷ đồng, gấp 77 lần so với cùng kỳ 2021 và cũng là mức cao nhất trong ba năm trở lại đây.

Năm 2022, Sasco đặt mục tiêu doanh thu 1.340 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 82 tỷ đồng. Như vậy, công ty này 104% mục tiêu doanh thu và đã vượt tới 156% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận của Sasco (Nguồn: Zing)

Sasco cho biết doanh thu và lợi nhuận năm nay tăng cao do ngành hàng không hồi phục, do đó hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.

Sasco hiện nợ khoảng 520 tỷ đồng, gấp bốn lần số đầu năm 2022. Nợ mới phát sinh chủ yếu liên quan đến IPP Group – một công ty của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Sasco đạt 2.044 tỷ đồng, tăng 32% so với hồi đầu năm. Công ty đang trích lập gần 300 tỷ đồng nợ khó đòi.