Là một trong những nền kinh tế đang lên của Đông Nam Á, lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Ngân Hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không tiền mặt trong quý I/2023 ghi nhận tăng trưởng khá, với số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị…
Thống kê cho thấy, thị trường Việt Nam có khoảng 100 doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, tiếp đến là tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng và 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động.
Một trong những cái tên nổi bật và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam là ví điện tử VNPay thuộc sở hữu của CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPay).
Sự ra đời VNPay xuất phát khi ông Trần Trí Mạnh – Chủ tịch HĐQT VNPay hiện tại, chứng kiến người dân Singpore có thể thanh toán tiền mua 1 quả trứng thông qua chuyển khoản. Ấp ủ điều này, ông Mạnh đã nghĩ ngay đến ý tưởng nạp tiền điện thoại chỉ thông qua tin nhắn. Đây cũng chính là nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của VNPay.
Tháng 3/2007, VNPay chính thức được thành lập với 3 cổ đông là Chủ tịch HĐQT Trần Trí Mạnh, Tổng giám đốc Lê Tánh và ông Trần Văn Kỳ. Trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, từ chức năng ban đầu chỉ là nạp tiền điện thoại, VNPay đến nay đã trở thành 1 ví điện tử top 5 thị phần thị trường ví điện tử Việt Nam (tính đến hết quý I/2023), với nhiều tiện tích như ứng dụng Mobile Banking, Cổng thanh toán VNPAY QR, VnShop, Website thanh toán hóa đơn và mua hàng trực tuyến Vban.vn….
Vốn điều lệ công ty (xét riêng giai đoạn 2015 – 2023) đạt 3.568,5 tỷ đồng tại thời điểm tháng 2/2023, tăng gấp hơn 35 lần so với thời điểm giữa năm 2015.
Thành công của VNPay, bên cạnh vai trò của các nhà sáng lập/lãnh đạo doanh nghiệp, còn cần nhắc đến một cổ đông ngoại là Sea Limited - “ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến nổi tiếng trên thế giới (như Liên minh huyền thoại, Esport…), thương mại điện tử (Shopee) và thanh toán online (nền tảng SeaMoney).
Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, Sea Limited từng có thời gian nắm tới 45,18% vốn VNPay. Ngoài ra, 2 bên cũng liên tục phát sinh nhiều giao dịch trong giai đoạn năm 2015 – 6 tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, trong năm 2015 và 2016, Sea Limited đã có các giao dịch mua từ VNPay khi chi lần lượt là 1,2 triệu USD và 5,7 triệu USD; đồng thời Sea Limited bán hàng cho “start-up” từ Việt Nam với giá trị lần lượt là 1,5 triệu USD và 390 nghìn USD. Trong 2 năm này, Sea Limited thanh toán tiền dịch vụ do VNPay cung cấp là 190 nghìn USD và 181 nghìn USD.
Ngoài ra, Sea Limited năm 2016 còn cho VNPay vay gần 1,8 triệu USD và ghi nhận 2,1 triệu USD khoản phải thu với VNPay.
Các giao dịch giữa Sea Limited – VNPay tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2017. Cho đến tháng 8 cùng năm, Sea Limited đã chuyển nhượng hết 45,18% vốn VNPay cho 1 nhà đầu tư không rõ danh tính, chỉ biết bên nhận chuyển nhượng cũng là cổ đông tại Sea Limited. Với thương vụ thoái vốn ở VNPay, Sea Limited nhận về 1.173.520 cổ phần có quyền biểu quyết và 1.604.260 cổ phần không có quyền biểu quyết của chính công ty mình từ nhà đầu tư này.
Sau giao dịch kể trên, VNPay không còn là công ty liên kết của Sea Limited, và toàn bộ lô cổ phiếu có quyền biểu quyết/không có quyền biểu quyết Sea Limited kể trên được hủy bỏ.
Không loại trừ khả năng bên nhận chuyển nhượng 45,18% vốn VNPay là một nhà đầu tư trong nước. Điều này không phải không có cơ sở khi các bản đăng ký kinh doanh của VNPay từ tháng 2/2016 cho đến hiện tại đều cho thấy 100% vốn đơn vị này do các cổ đông Việt Nam nắm.
Lưu ý rằng, thành phần cổ đông VNPay luôn được giữ nguyên là 3 ông Trần Trí Mạnh, Lê Tánh và ông Trần Văn Kỳ với tỷ lệ sở hữu là: 28,15% - 21,67% - 5%; và phần 45,18% còn lại không rõ danh tính cổ đông bằng đúng tỷ lệ mà Sea Limited thoái hồi tháng 8/2017 (như đã đề cập).
“Gạch nối” Sea Limited – VN Life – VNPay
Cuối năm 2018, CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt (VNLife) - công ty với vai trò “holding” được thành lập, VNLife có mục đích ban đầu là sở hữu toàn bộ cổ phần VNPay. Trang chủ của VNLife cũng cho biết VNPay là một trong các thành viên thuộc hệ sinh thái số bên cạnh dịch vụ du lịch trực tuyến (Tripi, Dinogo, Mytour) và thương mại điện tử đa kênh (Teko, Phong Vũ, Sapo, Mobio)…
VNLife ban đầu có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông tương tự với VNPay. Khác biệt duy nhất, VNLife cho biết thể nhân nắm phần lớn nhất 45,18% là ông Mai Thanh Bình.
Giữa năm 2021, VNLife gây chú ý khi công bố cập nhật ông Bình “chuyển sang” quốc tịch Singapore. Điều này đã đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VNLife từ 32,861% lên mức 70,226% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, chỉ sau đó ít ngày, ông Mai Thanh Bình đã chuyển nhượng phần lớn lượng cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu tại VNLife xuống còn 2,835% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư trong nước, do tỷ lệ sở hữu nước ngoài sau giao dịch đã giảm xuống còn 35,696% vốn điều lệ.
Đến tháng 8/2021, VNLife tăng vốn điều lệ lên mức 254,46 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh lên mức 47,945%. Cập nhật đến thời điểm tháng 12/2022, tỷ lệ này tăng lên mức hơn 49,9%.
Ông Mai Thanh Bình là cái tên có nhiều liên hệ đến Sea Limited. Ông từng được “Kỳ lân” này đề cập là một “Key Shareholder” (theo Law Insider tạm dịch là một nhóm cổ đông sở hữu 25% vốn trở lên) bên cạnh các “yếu nhân” khác của Sea Limited là ông Li Xiaodong (nhà sáng lập Sea Limited), Ye Gang (đồng sáng lập), và David Chen Jingye (đồng sáng lập).
Không những thế, ông Bình cũng là cổ đông sáng lập, và cũng đóng vai trò “cánh tay nối dài” cho Sea Limited vào Việt Nam như CTCP Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (nay là CTCP Shopeepay) hay CTCP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (thường gọi là Garena Việt Nam).
Nguồn: Khánh An - Huy Ngọc/ Nhà Đầu Tư