Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước - vừa phê duyệt kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc). Tuyến đường này  dài gần 39km, kết nối trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Hòa Lạc. 

Với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 65.404 tỉ đồng (khoảng 2,7 tỉ USD), TP Hà Nội đặt mục tiêu dự án sẽ được đầu tư trong thời gian rất ngắn từ 2 - 3 năm, phấn đấu đến 2025 chạy thử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này không khả thi.

Tuyến đường sắt đô thị này sẽ có  21 ga dừng đỗ, chạy qua bốn quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và ba huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của TP Hà Nội.

Theo đó, chi phí cụ thể của dự án bao gồm 6.220 tỉ đồng là chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác;  chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư 811 tỉ đồng, chi phí xây dựng 24.844 tỉ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỉ đồng, chi phí dự phòng 16.900 tỉ đồng. 

Đây là một trong những dự án mà TP Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công, nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến được huy động từ năm nguồn. Đó là vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 15.000 tỉ đồng; tiền thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước khoảng 18.000 - 20.000 tỉ đồng.

Khoảng 15.000 tỉ đồng từ vốn đấu giá một số khu đất trên địa bàn Hà Nội; khoảng 10.000 tỉ đồng vốn phát hành trái phiếu của thành phố; và phần vốn còn lại làm dự án dự kiến vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Dự án đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, theo quy định thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.