Đơn vị với lợi nhuận sau thuế lớn nhất là New Wing Interconnect Technology (Bac Giang) là 2.520 tỷ đồng, với thu nhập hoạt động là 33.076 tỷ đồng. Đơn vị này được thành lập từ tháng 1/2015, địa chỉ tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, với số vốn 210 triệu USD (4.965 tỷ đồng) và ngành nghề đa đạng.
Đứng thứ hai là Fuyu Precision Component với lợi nhuận sau thuế 2.365 tỷ đồng, trong khi thu nhập hoạt động là 58.179 tỷ đồng. Đơn vị này được thành lập tháng 12/2019, địa chỉ cũng tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, với số vốn 90 triệu USD (2.128 tỷ đồng), thuộc ngành nghề sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử.
Ở vị trí thứ ba là Fuhong Precision Component (Bac Giang) với lợi nhuận sau thuế 1.344 tỷ đồng. Thu nhập hoạt động đạt 44.643 tỷ đồng. Đơn vị này được thành lập tháng 2/2007, địa chỉ tại khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang, với số vốn 134 triệu USD, thuộc ngành nghề sản xuất linh kiện điện tử và khuôn đúc.
Funing Precision Component ghi nhận lợi nhuận sau thuế 893,37 tỷ đồng và thu nhập hoạt động 35.603 tỷ đồng. Đơn vị này được thành lập vào tháng 1/2007 tại khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, với số vốn 80 triệu USD, thuộc ngành sản xuất thiết bị điện tử và cho thuê nhà xưởng.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị của Foxconn tại Việt Nam cũng ghi nhận lỗ trong năm 2022. KCT Engineering ghi nhận lỗ sau thuế 484 triệu tỷ Đài tệ (368,4 tỷ đồng) và thu nhập hoạt động 191 triệu Đài tệ (145.7 tỷ đồng). Đơn vị này được thành lập tháng 5/2007 tại tỉnh Bắc Ninh, với số vốn 50 triệu USD và chuyên ngành đầu tư, xây dựng, quản lý nhà và căn hộ.
FuKang Technology ghi nhận lỗ sau thuế 144,5 triệu Đài tệ (110 tỷ đồng) và thu nhập hoạt động 2,7 tỷ Đài tệ (2.056 tỷ đồng). Công ty này được thành lập tháng 1/2021 tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, với số vốn 350 triệu USD, thuộc ngành sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị WiFi, bảng mạch, loa...
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu toàn cầu của Foxconn đạt 2.765 tỷ Đài tệ (2,1 triệu tỷ đồng), giảm 5,25% so với cùng kì năm trước, theo báo cáo của công ty này.
Foxconn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam
Thành lập từ năm 1974, Foxconn đặt trụ sở chính ở Đài Loan, được biết tới là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Năm 2018, doanh nghiệp này sản xuất hơn một nửa số điện thoại di động trên toàn thế giới.
Foxconn đã đầu tư xây dựng một loạt nhà máy tại Việt Nam, kể như: Fukang Technology, Fuyu (Bắc Giang) và Competition Team Technology Vietnam (Quảng Ninh), để sản xuất thiết bị điện tử gia dụng.
Hồi tháng 6, tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD) với mục tiêu hình thành một tổ hợp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức và sẽ mang lại việc làm thường xuyên cho khoảng gần 1.200 lao động.
Dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD Mỹ) với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động và sử dụng trên 700 lao động.
Hồi tháng 5, tỉnh Nghệ An đã hoàn tất thủ tục để Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) vào đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1. Foxconn sẽ thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn, trên tổng diện tích khoảng 48ha, trong đó, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư 100 triệu USD.
Nguồn: Trí Đức/Nhà Đầu tư
Foxconn đạt lợi nhuận 7.540 tỷ từ các đơn vị ở Việt Nam năm 2022 (nhadautu.vn)