Nhưng không chỉ có khuôn bàn chải, Công ty TNHH Lập Phúc còn chuyên về cơ khí khuôn mẫu chính xác, làm khuôn mẫu cho nhiều sản phẩm, chi tiết sản phẩm của các hãng như Tesla, GM (General Motors), Suzuki, Panasonic, Sanyo… Miệng nói thì tay làm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - Ông Nguyễn Văn Trí, ở tuổi 64 vẫn thoăn thoắt điều chỉnh những thiết bị cơ khí chính xác trị giá hàng chục tỷ đồng tại nhà máy ở quận 7, TP.HCM.
Dù đã ở tuổi ngoài 60, nhưng ông không hề có dấu hiệu mệt mỏi, ánh mắt của ông vẫn thể hiện niềm đam mê lớn với nghề. Hàng ngày, ông vẫn đi làm ở xưởng, quan sát và hướng dẫn cho thợ cơ khí khi cần. Cách đây hơn 30 năm về trước, ông Trí từng làm công nhân tại Công ty Máy nông nghiệp miền Nam - Vikino, tại khu vực phía Nam vào thời điểm đó đây là một trong những công ty cơ khí chủ lực.
Trong thời gian làm việc tại đây, ông đã học được nhiều thứ từ quy trình làm việc tỉ mỉ của người Nhật. Ngoài ra, ông còn tích cực tích lũy kiến thức thông qua việc tự học trong sách vở. Dần dần, từ một kỹ thuật viên, ông được bổ nhiệm làm Quản đốc xưởng sản xuất của công ty. Đến năm 1994, Công ty Vikino tinh giản lại biên chế, ông chủ động xin nghỉ nhường chỗ cho lớp trẻ và quyết định dấn thân vào kinh doanh ở tuổi 35. Ông Trí chọn làm khuôn mẫu vì đã tích lũy được kiến thức liên quan đến cơ khí trong thời gian dài.
Tuy nhiên, ông đã gặp phải khó khăn ngay trong thời gian đầu khởi nghiệp, vấn đề máy móc công nghệ cao là chủ yếu, không phải chỉ cần có kiến thức và kinh nghiệm là có thể sản xuất, cạnh tranh. Trái tim của ngành cơ khí chính xác nằm ở thiết công nghệ cao. Chính vì vậy khi thành lập công ty, ông đã lặn lội sang Đài Loan (Trung Quốc) để mua máy phay cắt CNC của nước bạn về sử dụng.
Đây là một trong những loại máy phay hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ, giúp người thợ cơ khí có thể hiểu về kỹ thuật số, đo đạc, cắt gọt chính xác trong không gian ba chiều. Để sở hữu được chiếc máy phay trên, ông Trí đã phải đi vay mượn rất nhiều tiền từ gia đình và bạn bè. Thậm chí, ông Trí đã chấp nhận bán căn nhà 80m2 đối diện đường Hòa Hưng (quận 10) để tích góp tiền mua máy.
“Tính ra, tôi bán nhà cũng chỉ đủ mua 1/4 chiếc máy. Nhưng, nếu thấy số tiền lớn mà không đầu tư thì công ty không thể có bước tiến như ngày hôm nay”, ông Trí kể lại.
Để sản phẩm đáp ứng và tham gia chuỗi giá trị lớn toàn cầu của các công ty lớn Châu Âu và Châu Mỹ, đó là cả một quá trình nỗ lực của Tổng giám đốc cũng như các cộng sự của Công ty Lập Phúc. Một trong những đối tác lớn đầu tiên của công ty là Tập đoàn Colgate. Vào thời gian 13 năm trước, Colgate - Palmolive - Tập đoàn đa quốc gia đến từ Mỹ đã đặt ra những tiêu chuẩn rất cao cho việc sản xuất bàn chải.
Để hiểu rõ hơn, hãy cầm trên tay bàn chải và nhìn kỹ. Ít ai biết rằng chiếc bàn chải gồm hai nửa ghép lại với nhau. Đường kẻ giữa hai nửa là một đường mảnh hơn sợi tóc, từ cán cọ đến đầu cọ gần như không có. Đối tác đặt ra yêu cầu đầu bàn chải Colgate phải nhẵn, đường nét mảnh trên đầu không gợn sóng, không sắc cạnh, không gây hại cho người tiêu dùng khi đưa bàn chải vào miệng. Yêu cầu này nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
Với bài toán khó trên, ông Trí cho biết, công ty phải chế tạo 2 nửa khuôn mẫu đúc của bàn chải, để khi lắp ráp lại gần như không có độ so le, phải đạt độ chính xác tiệm cận tuyệt đối, đường ranh giữa hai mảnh ghép của bàn chải không được phép hiện rõ sau khi thành phẩm.
Ngoài ra, Colgate còn nhờ công ty Lập Phúc làm khuôn để ép 24 chiếc bàn chải cùng một lúc. Khuôn chính xác đơn đã khó, để bây giờ công ty còn phải làm 24 khuôn để ép sản phẩm chính xác trong cùng một thời gian. Để khắc phục, mỗi khuôn cọ mới được làm ra, người thợ phải soi khuôn dưới kính hiển vi hàng trăm lần để kiểm tra lỗi tại nhà máy, trước khi gửi cho đối tác Mỹ nghiệm thu. Không hài lòng thì đối tác trả hàng, đòi sửa là chuyện bình thường.
Sau 1 năm, cuối cùng công ty của ông Trí cũng đã tạo ra những sản phẩm khuôn đúc ưng ý cho khách hàng. Đã từng có nhiều đơn vị cơ khí tham gia sản xuất khuôn bàn chải cho Colgate nhưng đều bỏ cuộc giữa chừng vì những yêu cầu khắt khe từ đối tác. Cách đây 13 năm, Lập Phúc là công ty duy nhất tại Việt Nam thực hiện thành công dự án này. Từ những chiếc khuôn chính xác trên, Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Phước III (Bình Dương), sản xuất khoảng 250 triệu chiếc bàn chải/năm, bán ra khắp thế giới.
Sau một dự án thành công cho Colgate, các khách hàng Mỹ đã đưa ra danh tính của một chuyên gia cơ khí chính xác tại Việt Nam. Từ đó, Công ty Lập Phúc từng bước gia nhập chuỗi giá trị lớn toàn cầu của Suzuki, Panasonic, Sanyo hay Omron… Cách đây 4 năm, các hãng xe nổi tiếng như Tesla, GM (General Motors) đã hợp tác với Lập Phúc để công ty này sản xuất khuôn mẫu chính xác cho mình.
“Trên ô tô có nhiều chi tiết, đối tác thường đưa phần khó cho người Việt làm như khuôn giảm chấn, hộp đựng pin xe điện… Khuôn phải làm đúng kỹ thuật, nếu không, khi ép ra sản phẩm, xe chạy mấy tiếng là bị nứt. Chưa kể, các chi tiết phải tính đến khả năng chịu phơi mưa nắng, có những khuôn chi tiết chính xác cao mà kích cỡ lớn hơn người”, Tổng giám đốc chia sẻ.
Đối với những sản phẩm công ty đã sản xuất, ông Trí cho biết mỗi khuôn mẫu chính xác đều có cái khó riêng, công ty thích nhận những chi tiết khó do hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh khó khăn, độ khó càng cao, các kỹ sư trong nghề cơ khí càng thấy thú vị và chiếm được cảm tình của khách hàng. Ông dẫn chứng, đối tác Mỹ từng theo dõi Công ty Lập Phúc 8 năm. Hàng năm, họ cử người sang thăm nhà máy để xem tiến độ của các công ty Việt Nam, rồi mới quyết định đặt hàng.
“Trong 30 năm qua, chúng tôi không hề may mắn khi giành được các hợp đồng”, ông Trí nói và cho biết thêm rằng một phần thành công đạt được là do công ty đã phải tái đầu tư một khoản tiền rất lớn vào thiết bị cơ khí. Đề cập đến hướng đi trong tương lai của công ty, ông cho biết, công ty muốn trở thành đơn vị gia công cho các doanh nghiệp cơ khí lớn trên thế giới. Tức là Công ty Lập Phúc trở thành xưởng đúc chủ lực, chuyên gia tầm cỡ quốc tế, cung cấp các sản phẩm cơ khí chính xác.
Hiện các hợp đồng đến với Lập Phúc đều thông qua các công ty cơ khí quốc tế làm trung gian (chủ yếu là các hợp đồng từ Hoa Kỳ). Ông Trí cho rằng lĩnh vực cơ khí chính xác của Hoa Kỳ không có người kế thừa. 100% các công ty khuôn mẫu của Mỹ được di cư từ Đức qua, chủ sở hữu là người Mỹ gốc Đức. Các công ty này đã được thành lập từ 2 - 3 thế hệ, công nhân lành nghề đã đến tuổi nghỉ hưu.
Cho đến nay, những người Mỹ trẻ tuổi không muốn đi theo nghề cơ khí nặng nhọc này. Do đó, các công ty cơ khí của Mỹ hầu hết sẽ nhận việc rồi chuyển giao cho các công ty thầu phụ như Lập Phúc sản xuất. Trong tương lai, hãng cơ khí Mỹ sẽ làm tổng đại lý bảo hành sản phẩm quốc tế. Với phương thức hợp tác trên, kể cả trong mùa dịch bệnh, đơn hàng vẫn ổn định, 220 lao động của Công ty Lập Phúc không bao giờ thiếu việc.
Đồng thời, khi hợp tác qua trung gian, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp cơ khí trong nước hay quốc tế.