Tập đoàn Việt Hương được thành lập năm 1982, dưới sự dẫn dắt, chèo lái của ông Hàng Vay Chi, sau 40 năm, từ một cơ sở sản xuất bột gia vị và mì ăn liền nay đã vươn lên trở thành doanh nghiệp có vị thế vững chắc trên thị trường. Hiện tại, Tập đoàn Việt Hương đang sở hữu hai khu công nghiệp tại Bình Dương, một nhà máy sản xuất vải jeans, các công ty xây dựng, địa ốc, quản lý nhà máy xử lý nước thải và một số nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM.
Có lẽ không ai hình dung doanh nghiệp này ban đầu chỉ là cơ sở kinh doanh cá thể với bảy nhân viên, bao gồm cả… vợ chồng ông Hàng Vay Chi. Vốn thành lập ban đầu chỉ là 200 USD.
Công ty đã kinh doanh với sản phẩm đầu tiên là bột canh, vì nhân sự ít nên cả ông chủ cũng phải bắt tay vào công đoạn thu mua nguyên liệu, đến bán hàng, lái xe, tiếp thị… Một thời gian sau khi tìm hiểu đủ, ông Hàng Vay Chi đã bắt tay vào sản xuất mì ăn liền Việt Hương. Ý nghĩa của tên Việt Hương, “đơn giản là ăn mì Việt có hương vị rất ngon”, ông Hàng Vay Chi cho biết.
Mặc dù ngày đó có nhiều cơ sở khác tìm cách pha trộn nguyên liệu vì bột mì rất hiếm nhưng công ty Việt Hương đã mua hạt bo bo (sorghum), tức lúa miến, được nhập từ Liên Xô, chế biến thành bột có chất lượng gần bằng bột mì để giải quyết được tình trạng thiếu nguyên liệu. Bên cạnh đó, ông còn nghĩ ra cách tiếp thị khác biệt mà hiện nay chúng ta có thể thấy nhiều ở các siêu thị, đó chính là nấu mì Việt Hương cho khách đến giao dịch hoặc chờ lấy hàng. Nhờ đó mà “Tiếng lành đồn xa” và các khách đã có cơ hội ăn thử khen ngon và giới thiệu bạn bè, người thân đến mua sản phẩm của Việt Hương nhiều hơn. Chất lượng và hương vị của loại mì này cũng khá đặc biệt nên thời điểm đó thương hiệu mì Việt Hương nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu mì đang thống lĩnh thị trường.
Từ những năm 1990, ông Hàng Vay Chi đã có hững quyết định táo bạo về việc ngưng sản xuất mì dù đã kiếm được khá nhiều tiền từ mì ăn liền vào cũng tạo nên cơ nghiệp từ đó. Ông Chi cho hay vì khi đó Đất nước ta bước dần ra khỏi bao cấp, tiếp cận cơ chế thị trường, đồng thời các ông lớn nước ngoài sẽ bắt đầu công cuộc tấn công vào thị trường Việt Nam. Chưa kể là họ có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến. Nên việc cạnh tranh với họ sẽ không thể dễ dàng. “Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất thiết họ phải xây dựng nhà máy sản xuất. Tôi muốn đón đầu cơ hội này”, ông chủ Việt Hương nói.
Và từ đó, khoảng vào năm 1995, Việt Hương triển khai xây dựng khu công nghiệp (KCN) Việt Hương 1 tại tỉnh Bình Dương, một trong số những KCN tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.
KCN Việt Hương này khi đó đã có đầy đủ hệ thống kiểm soát, xử lý nước thải, chất thải, điều mà ít chủ đầu tư làm được ở thời điểm bấy giờ. Ông Hàng Vay Chi cũng đã đầu tư 1 triệu USD để tập trung xây dựng hệ thống xả thải đạt tiêu chuẩn loại B, mặc dù thời điểm đó, năm 1996 - 1997 chưa có quy định cụ thể về điều này. Chia sẻ về điều này, chủ tịch Tập đoàn Việt Hương cho biết: “Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Doanh nghiệp vào thuê KCN của mình, nếu không tuân thủ quy định xả thải của nước nhập khẩu, thì hàng hóa sẽ không bán được. Mà không bán được hàng thì không có nguồn thu, lấy tiền đâu thuê mặt bằng tại KCN của mình, hoặc đơn giản là chuyển sang KCN khác để đáp ứng được các tiêu chuẩn về hàng hóa xuất khẩu của họ”.
Ông Hàng Vay Chi xuất hiện nhiều trên báo chí
Sau khi xây dựng KCN Việt Hương 1, ông Hàng Vay Chi đã quyết định xây dựng thêm KCN Việt Hương 2 với diện tích lớn hơn rất nhiều và đưa vào sử dụng năm 2003. Cả hai KCN Việt Hương này có tổng diện tích lên tới gần 300 ha, tọa lạc ở vị trí đắc địa, đã thu hút hàng trăm công ty, trong đó 99% đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đến mở nhà máy với đa lĩnh vực, như dệt, nhuộm, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gia dụng, chế biến thủy hải sản…
Đây là hai khu công nghiệp được đánh giá là nòng cốt ở tỉnh Bình Dương với chất lượng dịch vụ tốt và có đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương. Hiện nay, Tập đoàn Việt Hương từ một công ty chỉ có 7 nhân sự đã nâng lên con số 2000 - 3000 công nhân viên theo thời vụ, và công ty còn điều hành gián tiếp khoảng 35.000 công nhân viên trong hai KCN.
Tập đoàn Việt Hương đã thành lập nên Công ty Liên doanh Dệt nhuộm Việt Hồng vào năm 2005. Công ty này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực dệt, nhuộm vải jeans với công suất 10 triệu mét/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Tôi chưa bao giờ thất bại vì không đầu tư dàn trải”, ông Hàng Vay Chi tự hào nhận định về chặng đường kinh doanh của bản thân. Để đi đến thành công như hôm nay, ông Hàng Vay Chi đã tập trung vào bí quyết chính là am hiểu sâu vào mặt hàng mà ông chọn làm kinh doanh và phán đoán được rủi ro trong từng giai đoạn, dù khó khăn hay vướng mắc, hay thuận lợi trên suốt chặng đường.