Chuỗi nhà thuốc Pharmacity vừa công bố chỉ số kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lỗ sau thuế hơn 194 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2019, chuỗi này lỗ 122 tỷ. Công ty cũng đã tăng vốn chủ sở hữu lên 4 lần, từ 99 tỷ lên 408 tỷ đồng.
Tuy nhiên, họ nhanh chóng cho biết kỳ vọng sẽ chính thức có lãi hàng trăm tỷ trong năm 2021. Có lẽ đó cũng là một con số sáng sủa cần có để chuẩn bị cho bước đi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán mà công ty này từng tuyên bố.
Pharmacity là chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc cùng tên lớn nhất cả nước, với 315 cửa hàng tới thời điểm hiện nay, chủ yếu tập trung tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành phía Nam.
Mục tiêu đến cuối năm 2021, Pharmacity sẽ đạt được 1.000 cửa hàng trên toàn quốc, tương đương mở mới 1 cửa hàng/ngày và công cuộc sẽ bắt đầu từ tháng 4/2020 (mục tiêu mở 36 đơn vị trong tháng).
"Thất bại 1 năm trở lại đây của Pharmacity là số lượng hàng hoá cung cấp ra thị trường không đủ, khách hàng phàn nàn nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là kho dự trữ quá nhỏ, và luôn quá tải. Do đó, để đáp ứng mục tiêu mở mới 1 cửa hàng/ngày hướng đến đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021, Pharmacity đã tìm hiểu các đối tác về chuỗi cung ứng tại Việt Nam", ông Chris Blank – Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc chuỗi từng phân trần.
Theo đó, sau một thời gian tìm kiếm, Pharmacity mới đây đã đi đến thỏa thuận hợp tác cùng Công ty DH Logistic Property Việt Nam (thuộc Tập đoàn Daiwa House, Nhật Bản) về việc mở mới Trung tâm phân phối hàng hóa tại Khu công nghiệp Lộc An (Đồng Nai).
Pharmacity thường tạo dựng hình ảnh qua CEO Chris Blank – Một người Việt lai dòng máu Pháp và Mỹ, nhưng đằng sau nó là một cái tên khá bí ẩn: Phạm Thị Thanh Hoài.
Thành lập từ năm 2012 với chiến lược phân phối dược phẩm qua hệ thống cửa hàng rộng khắp, Pharmacity có vốn điều lệ ban đầu chỉ là 7 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Thanh Hoài với tỷ lệ 90%, 4 cổ đông khác chia đều 10% còn lại là bà Phạm Thị Thanh Hoà, ông Lê Bảo Chân Thiện, bà Trần Minh Ngọc Thu và bà Trương Ngọc Phụng.
Tháng 9/2017, ông Chris Blank làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Pharmacity thay bà Phạm Thị Thanh Hoài. Dù vậy, nữ doanh nhân sinh năm 1987 vẫn là Chủ tịch HĐQT Pharmacity cho tới nay.
Chủ tịch Pharmacity Phạm Thị Thanh Hoài cùng cổ đông Trần Minh Ngọc Thu cuối tháng 11/2019 đứng tên thành lập CTCP TR Infinity Pharma và CTCP TR Pharma Focus cùng có trụ sở tại Vincom Center Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM.
Tuy nhiên cho tới cuối tháng 3/2020, bộ đôi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực "hoạt động tư vấn quản lý" đã được lần lượt chuyển giao cho TR Best Pharma Pte Ltd và Tr Best Pharm Pte Ltd - các pháp nhân đến từ Singapore.
Trong tháng 5/2019, Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã có thông báo về việc cam kết hỗ trợ tài chính cho Pharmacity nhưng không cho biết cụ thể quỹ đầu tư sẽ “hỗ trợ” thông qua việc góp vốn hay tài trợ tín dụng. Tới đầu năm 2020, truyền thông trong nước cho biết Pharmacity đã gọi vốn thành công gần 31,8 triệu USD (tương đương 730 tỷ đồng).
Về Chris Blank, vị CEO kể lại trên báo chí về mối duyên với ngành dược như sau: “Một ngày ở tuổi 27 tôi gặp sự cố ngộ độc thuốc giả, và đây cũng chính là cột mốc làm thay đổi cuộc đời tôi. Thật ra, ngoài chuyên môn về tài chính tôi còn sở hữu tấm bằng Dược sĩ Cộng Đồng và khi đó tôi chợt nhận ra cơ hội trong ý tưởng gắn kết kiến thức, kinh nghiệm dược phẩm và tài chính đầu tư”.
Chris Blank đã gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm. Bà ngoại anh là người Việt, ông ngoại là người Pháp, tuy nhiên, mẹ anh lại sinh trưởng tại Mỹ và cưới một người Mỹ. Sau khi cha mẹ tử vong vì tai nạn giao thông, Chris đã quay về Việt Nam sống với bà ngoại từ năm 15 tuổi.
“Hơn 20 năm qua, tôi ăn cơm Việt, lập gia đình với một cô gái Việt Nam và có một bé trai kháu khỉnh.” – Chris Blank cho biết.
Trong thời gian làm trong lĩnh vực tài chính, chứng kiến sự vươn lên của các siêu thị điện máy, cửa hàng tiện lợi... ở khắp Việt Nam, Blank nhận thấy các mô hình thương mại hiện đại này chắc chắn sẽ được áp dụng thành công tại đây như ở nhiều nước khác trên thế giới. Đặc biệt, vào thời điểm đó, chưa ai dám "đụng" vào ngành dược - một lĩnh vực với các cửa hàng truyền thống vốn đã chiếm thế thượng phong.
Chris Blank nhận thấy mô hình thương mại hiện đại có thể "áp" vào ngành dược và phát triển thành chuỗi. Với kinh nghiệm cùng sự đam mê và một chút "máu liều", ông quyết định khởi nghiệp, xây dựng Pharmacity trở thành chuỗi nhà thuốc hiện đại.
Trước khi “bung” lên mạnh mẽ thành chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam, hồi năm 2016 – 2017, Pharmacity và Thế giới di động từng đánh tiếng về việc Thế giới di động có thể đầu tư vào chuỗi nhà thuốc này nhưng sau đó thương vụ không thành do sự khác biệt về văn hóa. Thế giới di động sau đó đã đầu tư vào nhà thuốc An Khang nhưng kết quả không như mong đợi.