Cuộc chiến giữa tỷ phú Việt Nam và tổ chức của tỷ phú thế giới
Ở nội dung bài kỳ trước đã tóm tắt quá trình đầu tư ra nước ngoài của Bầu Đức, và đó cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt cáo buộc từ tổ chức Global Witness của tỷ phú George Soros. Ngày 14/5/2013, chỉ sau một ngày nhận được báo cáo “Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào", Chủ tịch của HAGL đã ngay lập tức phản ứng gay gắt trước những thông tin này. Ông cho rằng các cáo buộc trên hoàn toàn vô căn cứ và “tào lao”, Global Witness chỉ muốn tìm cơ hội quảng bá tổ chức và nhằm mục đích xin tài trợ. Bầu Đức khẳng định các công ty trồng cao su và mía đường tại Lào, Campuchia luôn tuân thủ pháp luật. Đặc biệt theo vị chủ tịch này, HAGL rất quan tâm đến việc bảo vệ rừng, chưa bao giờ khai thác gỗ của hai quốc gia này.
Vì bị cho là “tào lao”, nên bà Megan MacInnes - Trưởng nhóm Chiến dịch Tài nguyên đất của Global Witness, đã trực tiếp trả lời truyền thông Việt Nam để đưa ra 3 lý do chính dẫn đến báo cáo này: Thứ nhất là bản điều tra ý kiến người dân địa phương sống gần các khu đất trồng cao su liên quan đến HAGL tại Lào và Campuchia. Thứ hai là ảnh chụp vệ tinh khu vực trước đây là rừng, sau đó là rừng biến mất mà thay thế bằng dự án của HAGL. Bằng chứng quan trọng nhất là bản cáo bạch do chính HAGL công bố khi niêm yết ở sàn chứng khoán London. Tài liệu này đã đề cập đến việc tập đoàn thừa nhận các công việc kinh doanh tại Lào, Campuchia chưa phù hợp với luật pháp tại đây, và một số dự án đang triển khai nhưng chưa có giấy phép.
“Sốc nặng” trước những lý do được đưa ra, Bầu Đức đã phải tổ chức một buổi họp báo với sự có mặt của cổ đông, các đơn vị truyền thông trong nước và quốc tế, sau khi nhận hàng trăm cuộc gọi. Ông thông báo sẽ mời tổ chức hoạt động về môi trường có 28.000 nhân viên của Pháp - Bureau Veritas để cấp giấy chứng nhận sản phẩm bền vững với môi trường. Trong buổi này, ông cho rằng Global Witness nhắm tới ông là có mục đích nào đó, và đưa ra thêm 6 lập luận phản biện lại tổ chức này. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: Bầu Đức khẳng định một lần nữa là “HAGL không cướp đất của dân và cũng không hề lấy một tấc gỗ nào tại Lào”, cho rằng tổ chức Global Witness nói sai sự thật về những cuộc gặp vào năm 2012, bản cáo bạch không chứng tỏ HAGL thừa nhận phá hoại môi trường, mà đây chỉ là cảnh báo rủi ro đến các nhà đầu tư chứ chưa xảy ra thực tế. Ngoài ra, ông còn nhắc đến việc các công ty con tại Campuchia đều sở hữu đất đúng quy định, và cả việc chi hàng chục triệu USD để làm các công tác trách nhiệm xã hội tại Lào. Ông còn giúp người dân Lào sinh sống gần các dự án của HAGL có mức lương cao hơn cả mức lương lao động phổ thông tại Việt Nam.
Cuộc chiến giữa hai bên vẫn chưa dừng lại, chỉ vài ngày sau khi Bầu Đức tổ chức họp báo, Global Witness của tỷ phú George Soros đã lên tiếng khẳng định lại những cáo buộc. Tổ chức này vẫn bảo lưu các tuyên bố cũng như chứng cứ đã đưa ra trong báo cáo, và tiết lộ đang nắm giữ những tài liệu chứng minh các vi phạm của HAGL từ năm 2012. Mặt khác, bà Megan MacInnes chỉ trích việc HAGL chỉ tập trung vào việc bảo vệ hình ảnh của mình, mà không giải quyết và cải thiện tình trạng cho hàng trăm người bị ảnh hưởng liên quan đến những vấn đề trong báo cáo. Global Witness cho rằng đã từng gặp đại diện của HAGL vào tháng 8/2022, nhưng bị Bầu Đức phủ nhận, nên tổ chức này đã tố ông nói sai sự thật. Sau đó Bầu Đức muốn có một buổi gặp trực tiếp giữa HAGL và Global Witness cùng các hãng truyền thông lớn tại hiện trường thực ở Lào và Campuchia, để nói rõ ràng với nhau. Nhưng tổ chức này chỉ muốn nên gặp riêng tại văn phòng ở Pleiku nên Chủ tịch HAGL không đồng ý, và cuối cùng không có buổi gặp mặt nào diễn ra.
Trong cuộc chiến này, không chỉ có Bầu Đức và Global Witness, mà chính quyền của hai nước Lào và Campuchia cũng từng lên tiếng về sự việc. Theo ông Khamphan Phommathat - Bí thư, Tỉnh trưởng Attapeu (nơi được HAGL đầu tư nhiều nhất tại Lào): trong hoàn cảnh tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư tại đây thì đều chê đất cằn và xấu, chỉ có HAGL quyết tâm giúp đỡ địa phương. Tập đoàn HAGL đã bỏ tiền ra để biến những cánh rừng nghèo thành những dự án trồng cao su, nông trường mía đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông còn cảm ơn Bầu Đức vì đã tạo công ăn việc làm, giúp cho người dân thoát nghèo. Còn theo Phó Thủ tướng Lào Somsavad Lengsavath khẳng định: đây là một tập đoàn không đạt lợi ích trước mắt của mình mà đặt lợi ích lâu dài, dám nghĩ dám làm.
Về phía Campuchia, ông Phay Siphan - Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã chỉ trích báo cáo của Global Witness, và cho rằng có âm mưu chống lại chính quyền nước này. Theo ông Phay Siphan, việc giao đất cho các công ty dựa trên hai yếu là năng lực tài chính và năng lực chuyên môn, và không chỉ giao cho công ty Việt Nam mà còn có các công ty trong nước. Ông cho rằng báo cáo của Global Witness không có ích lợi gì cho đất nước và tuyên bố đây là tổ chức môi trường đối lập với Chính phủ Campuchia.
Sau hàng loạt tranh cãi và tố ngược lại giữa các bên, thì sự việc gần như chấm dứt khi cả Bầu Đức và Global Witness đều không có động thái nào liên quan đến bản báo cáo. Tuy nhiên, 2013 gần như là năm “hạn” của Ba Đức, khi xảy ra thêm hàng loạt sự kiện khác.
Bắt đầu tiến hành “bán con”
Hàng loạt sự việc không may xảy ra cùng lúc với Bầu Đức trong khoảng thời gian này. Ngoài việc bị Global Witness tố cáo hàng loạt tội danh, ông chủ HAGL còn gặp tai họa giáng xuống trong thương vụ mời câu lạc bộ Arsenal sang Việt Nam thi đấu. Mọi thứ gần như được chuẩn bị hoàn tất thì bất ngờ chủ sân Mỹ Đình đòi tăng giá thuê sân, khiến Ba Đức một phen “hú vía”. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục nhận được tin phi công riêng của mình bị đột tử. Không lâu sau những kiện “đen đủi” này, HAGL tuyên bố bắt đầu bán các dự án của mình.
Ba Đức quyết định bán đi cùng lúc 6 dự án thủy điện tại Việt Nam, bao gồm: Daksrong 2, Daksrong 2A, Daksrong 3A, Daksrong 3B, Bá Thước 1, Bá Thước 2. Trước đó vào quý 4/2012, ông cũng đã bán bớt hơn 5% cổ phần của công ty Thủy điện HAGL (đơn vị quản lý các dự án thủy điện của HAGL) thu về khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng, để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh khác.
Một trong những nhà máy thủy điện Bầu Đức vừa bán
Nhưng theo Bầu Đức thì đây lại là một năm kinh doanh “rất đỏ và may mắn nhất”. Đầu tiên là tin nhà máy mía đường tại Lào ra mẻ đường trắng kết tinh đầu tiên. Thứ hai, trung tâm nhiệt điện 30MW dùng nhiên liệu chính là bã mía của HAGL đã phát điện hòa vào lưới điện quốc gia Lào, ngoài ra còn thông tin về dự án sân bay tại quốc gia này. Đặc biệt đây cũng là giai đoạn tập đoàn bắt đầu khởi công dự án HAGL Myanmar Center trị giá hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, chính thời điểm này, Chủ tịch HAGL đã đưa ra một quyết định vô cùng “chấn động”, ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của ông sau này.
Quyết định gây ảnh hưởng đến cả sự nghiệp Bầu Đức sẽ được tiết lộ vào KỲ 8