Chi “hàng đống” tiền để xuất ngoại
Trước và sau khi trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán hai năm liên tiếp 2008 - 2009, Bầu Đức đã chi ra hàng tỷ USD để đầu tư sang các nước láng giềng. Lào chính là nơi ông bắt đầu giơ cao ngọn cờ sự nghiệp vươn ra khắp khu vực Đông Nam Á, với 4 lĩnh vực được lựa chọn đầu tiên vào năm 2007: khoáng sản, cao su, thủy điện và mía đường. Một trong những dự án làm nên tên tuổi của Ba Đức tại đất nước này chính là Cụm Công nghiệp Mía đường, với tổng số vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD vào năm 2011. Nhờ dự án đó, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam có số vốn đầu tư lớn nhất tại Lào.
Ngoài ra vào thời điểm đó, vị đại gia này còn sở hữu thêm 3 dự án trồng cao su và mía với tổng diện hơn 31.000hecta, trị giá lên đến 250 triệu USD. Về mảng thủy điện, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chi hơn 500 triệu USD để có được 5 nhà máy thủy điện, với tổng công suất 400MW. Còn lại lĩnh vực khoáng sản, Bầu Đức cũng đã mua lại một mỏ đồng và mỏ sắt với số tiền 70 triệu USD. Ông từng tiết lộ với giới truyền thông rằng, tổng số tiền đầu tư tại Lào đã lên đến 1,2 tỷ USD.
Theo Bầu Đức, doanh nghiệp muốn đầu tư tại đất nước này thì phải có tiềm lực tài chính mạnh, còn không thì khó mà sống được. Bởi ngoài kinh doanh, các công ty phải thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội, sẵn sàng đầu tư các dự án phúc lợi xã hội mà không có lợi nhuận. Vì thế, chủ tịch HAGL đã bỏ ra 19 triệu USD cho chính phủ Lào mượn để xây dựng làng SEA Games năm 2009, trong đó tập đoàn đã tài trợ hẳn 4 triệu USD không hoàn lại. Mặt khác, Ba Đức từng chi 35 triệu USD để xây dựng các công trình như 1000 căn nhà, bệnh viện, trường học, cầu đường,...phục vụ người dân nước này. Đặc biệt, ông còn cho chính phủ Lào vay tiền để xây dựng sân bay quốc tế.
Chỉ sau một năm bước chân vào thị trường Lào, Bầu Đức đã bắt đầu kế hoạch tại Campuchia. Gần như toàn bộ số vốn đầu tư tại đây chỉ tập trung vào hai lĩnh vực: cao su và khoáng sản. Hoàng Anh Gia Lai đã có tổng cộng 15.000hecta rừng tại miền đông Campuchia, và thực hiện kế hoạch trồng cây cao su là chủ yếu. Tập đoàn chọn chiến lược đi chậm tại thị trường này, ban đầu trồng cuốn chiếu 1.000hecta, sau đó là 5.000hecta, lần lượt đến khi hết diện tích đất. Mặt khác, Bầu Đức đã mua hai mỏ sắt tại quốc gia này, có trữ lượng hàng chục triệu tấn trị giá khoảng 40 triệu USD. Còn số tiền để chi cho diện tích đất trồng cao su rơi vào khoảng 60 triệu USD.
Lĩnh vực cần một nguồn lực tài chính vô cùng lớn là bất động sản, lại được Bầu Đức lựa chọn đầu tư tại Thái Lan và Myanmar. Cùng năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư ra nước ngoài. Quyết là làm. Một năm sau khi có giấy phép, Ba Đức bắt đầu cho khởi công dự 5000m2 với 140 căn hộ, tổng vốn đầu tư 20,4 triệu USD tại Thái Lan. Đến năm 2012, ông Đoàn Nguyên Đức đã khiến mọi người phải “trầm trồ”, khi công bố dự án bất động sản Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre - khu phức hợp bao gồm 400 phòng khách sạn chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ dịch vụ cho thuê. Chính dự án này đã làm nên tên tuổi của tập đoàn tại Myanmar. Đích thân Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar cho biết: HAGL là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar.
Chỉ trong vòng vài năm, tổng số tiền Bầu Đức chi ra để đầu tư tại các thị trường nước ngoài đã vượt 1,5 tỷ USD, một con số “khổng lồ” thời điểm đó. Nhưng đánh đổi lại, kết quả Bầu Đức thu lại chưa tương xứng với số tiền này. Vị doanh nhân này từng tiết lộ, mặc dù đầu tư vào thị trường Lào vào năm 2007, nhưng mãi đến năm 2013 mới bắt đầu có doanh thu đầu tiên. Và tệ hơn nữa, chính bản thân Bầu Đức và tập đoàn HAGL còn bị tổ chức phi chính phủ được tài trợ bởi một nhà tỷ phú và chính phủ các nước lớn “tố” trong bài báo cáo của mình.
Cuộc đối đầu giữa Bầu Đức và tổ chức của tỷ phú George Soros
Việc bỏ ra hàng trăm triệu USD của Bầu Đức tại Lào và Campuchia, chính là nguyên nhân khiến ông và HAGL bị nêu đích danh trong báo cáo gây “chấn động” giới truyền thông của tổ chức Global Witness. Đây là tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận quốc tế thành lập năm 1993. Mục tiêu của tổ chức nhằm chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên, tham nhũng liên quan tới tài nguyên và cả các vi phạm về nhân quyền trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, thời điểm tố ông Đoàn Nguyên Đức, Global Witness được tỷ phú George Soros góp 40% ngân sách. Các cơ quan chính phủ nước Anh, Thụy Điển, Nauy, Hà Lan và Ailen góp tổng cộng 38% và 22% còn lại của các nhà tài trợ khác. Tỷ phú người Mỹ gốc Hungary - George Soros sinh năm 1930, tốt nghiệp cử nhân tại trường Kinh tế Luân Đôn và sở hữu thêm bằng thạc sĩ triết học. Ông bắt đầu làm việc ở các ngân hàng thương mại, đến năm 1969, ông đã tự thành lập riêng cho mình quỹ phòng hộ Double Eagle (đã đổi tên thành Quantum Group of Funds). Ông còn được mệnh danh là "Người đàn ông đã làm phá sản Ngân hàng Anh ", vì kiếm được 1 tỷ USD từ cuộc khủng hoảng tiền tệ thứ tư đen năm 1992 của nước Anh. Tài sản hàng tỷ đô của vị tỷ phú này chủ yếu đến từ số tiền 25 tỷ đô la của quỹ Quantum. George Soros được biết đến là người làm từ thiện xã hội rất nhiều, giai đoạn 1979 - 2011, ông đã quyên góp tổng cộng 11 tỷ USD cho những hoạt động này.
Đầu tháng 5/2013, bất ngờ xuất hiện báo cáo gây xôn xao dư luận mang tên "Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào". Và tác giả của bài báo cáo này chính là Global Witness. Tổ chức cho rằng HAGL đã mắc hàng loạt vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các nước kể trên. Đầu tiên, tập đoàn bị tố “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền, trái với các quy định của pháp luật”. Thứ hai, cáo buộc nghiêm trọng hơn, về việc HAGL đưa hối lộ, lợi dụng quan chức tham nhũng để chiếm đoạt đất của dân và khai thác gỗ bất hợp pháp.
Là một người quyết liệt và mạnh mẽ, khi nhận được thông tin tố cáo mình, Bầu Đức đã phản ứng gay gắt để phủ nhận toàn bộ nội dung trên. Từ đó, cuộc chiến bắt đầu nổ ra giữa một “ông trùm” kinh tế Việt Nam, với một tổ chức được hậu thuẫn bởi tỷ phú và chính phủ các nước trên thế giới.
Diễn biến cuộc chiến sẽ được tiếp tục ở Kỳ 7