Từ người đầu tiên sở hữu máy bay
Chiến lược đầu tư bóng đá vừa thỏa niềm đam mê, vừa làm thương hiệu của Bầu Đức đạt hiệu quả vô cùng lớn. Danh tiếng của ông và tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không chỉ phủ sóng khắp truyền thông trong nước, mà còn lan rộng ra tận nước ngoài. Nếu thương vụ Kiatisak chỉ giúp cho ông Đoàn Nguyên Đức gây tiếng vang trong Đông Nam Á, thì việc tuyên bố mua 20% cổ phần đội bóng Arsenal đã tạo ra “chấn động” ở nền bóng đá Anh. Sau khi ký hợp tác xây dựng học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG vào tháng 3/2007, Bầu Đức đã gặp chủ tịch của đội bóng nước Anh để bày tỏ ý định mua 20% cổ phần câu lạc bộ. Tin tức này khi đó khiến cho làng túc cầu nước Anh dậy sóng, giá cổ phiếu của Arsenal tăng lên gấp đôi, và tên Đoàn Nguyên Đức xuất hiện khắp mặt báo. Tuy nhiên, cuối cùng thương vụ đã thất bại vì quy định của Việt Nam thời điểm đó, chưa có quy định về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Thua keo này, ta bày keo khác. Thất bại trong việc nắm giữ cổ phần của đội bóng nổi tiếng nhất thế giới, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục thực hiện “cú chơi ngông” tiếp theo. Ngày 10/5/2008, CTCP Hoàng Anh Gia Lai thông báo chủ tịch HĐQT của tập đoàn - ông Đoàn Nguyên Đức vừa mua riêng cho mình một chiếc máy bay phục vụ nhu cầu cá nhân. Đây là máy bay loại Beechcraft King Air 350, do Beech Aircraft Corporation (Mỹ) sản xuất vào năm 2005, có 12 chỗ ngồi. Giá của chiếc máy bay này là 5,1 triệu USD, nhưng tổng số tiền Ba Đức phải chi dành cho các khoản đi kèm lên đến 7 triệu USD, một con số “khủng” thời điểm năm 2008. Chiếc phi cơ của ông chính thức có mặt tại Việt Nam chỉ vài ngày sau thông báo, và Bầu Đức trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng (nếu không tính sự kiện ông Trần Trịnh Huy mua máy bay giai đoạn 1930 - 1940).
Cận cảnh chiếc phi cơ riêng của ông Đoàn Nguyên Đức
Thời điểm này, xuất hiện hàng loạt tin tức trên truyền thông, vô số lời bàn tán về việc mua máy bay của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai. Người cho rằng ông quyết định đúng đắn, tiết kiệm được thời gian, nhưng người cho rằng ông đang “chơi ngông”, cố ý khoe mẽ. Trước những lời nói ra nói vào, Bầu Đức quyết định lên tiếng khẳng định: "Tôi mua máy bay để giải quyết nhu cầu công việc chứ không phải mua về chỉ để thỏa cái sở thích cá nhân. Tôi không thừa tiền để mua máy bay chỉ để thỏa mãn cái thú vui ngắm cảnh".
Trước khi mua, ông đã tham khảo ý kiến của nhiều người và tìm hiểu về quy định của luật pháp. Ba Đức tiết lộ rằng, nếu chỉ mua về trưng bày thì thủ tục rất đơn giản, nhưng để bay lên trời thì phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu khắt khe của nhà nước. Mọi thông tin về chuyến bay, giờ bay, số lượng hành khách,... đều phải báo cáo với cơ quan quản lý hàng không. Ngoài ra, không chỉ để phục vụ việc đi lại, nhiều lúc ông còn tổ chức họp bàn công việc ngay trên chiếc phi cơ của mình.
Cú bắt tay giữa Bầu Đức và huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ Arsenal - Ông Arsene Wenger
Quay trở về tuổi thơ của vị đại gia này, thì sở hữu máy bay riêng là mơ ước “viển vông” của Bầu Đức từ thuở còn bé, nhà nghèo phải đi chăn bò năm xưa. Khi còn nhỏ, ông chăn bò cạnh sân bay, hàng ngày nhìn thấy cảnh máy bay cất cánh khiến ông vô cùng thích thú, và muốn sở hữu riêng cho mình một chiếc. Đó là chỉ suy nghĩ vu vơ của một đứa bé ba tuổi như bao đứa trẻ khác, đều có riêng cho mình một ước mơ xa vời. Nhưng có lẽ, bản thân Bầu Đức cũng không ngờ được rằng: Cái mong muốn mà chưa chắc ngủ có thể mơ thấy, nay đã trở thành hiện thực. Và đến cuối năm 2008, sự nghiệp đỉnh cao của “ông trùm” Đoàn Nguyên Đức tiếp tục được đánh dấu bằng một sự kiện vô cùng đặc biệt.
Đến người giàu nhất Việt Nam
Ngày 22/12/2008, CTCP Hoàng Anh Gia Lai chính thức niêm yết 179.814.501 cổ phiếu lên sàn HOSE (mã: HAG), khi đó Bầu Đức nắm giữ 55% cổ phần của công ty. Đến ngày 31/12/2008, danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2008 do báo VnExpress.net công bố cái tên người đứng đầu là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Tính theo giá đóng cửa ngày vào cuối ngày 31/12, thì tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng chỉ có 5.225 tỷ đồng.
Thời điểm đó, tập đoàn của Bầu Đức tập trung vào 4 mảng kinh doanh chính: khoáng sản, cây công nghiệp, thủy điện và bất động sản - lĩnh vực đầu tư mũi nhọn của Hoàng Anh Gia Lai. Từng là “ông trùm” ngành gỗ, nhưng vị chủ tịch này nhận thấy không còn là thế mạnh, nên không đầu tư vào các cơ sở mới, chỉ sản xuất ở các nhà máy cũ để “nuôi sống” các ngành khác. Mặc dù niêm yết với giá trị vốn hóa “khủng” vào cuối năm, nhưng Ba Đức tiết lộ rằng năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản đi xuống, ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh cuối năm của Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận doanh thuần đạt 1.880,74 tỷ đồng, lãi ròng lên đến 765,34 tỷ đồng.
“Vì thi rớt đại học, tôi thành đạt được như bây giờ”. Đây là câu nói từng gây xôn xao dư luận của Bầu Đức, liên quan đến vấn đề được quan tâm nhất của người Việt Nam từ trước đến nay - học đại học. Tuy nhiên, người giàu nhất Việt Nam đã lên tiếng nói về sự việc này: "Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả. Thông tin tôi không có bằng đại học là đúng, nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi. Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sĩ… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc".
Bầu Đức còn tiết lộ ông cảm thấy bản thân mình có nét tương đồng với tỷ phú thế giới Bill Gates. Từng có quãng thời gian ông nghiền ngẫm quyển sách về 100 tỷ phú thế giới, và chính tỷ phú Bill Gates là người có tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ, lối sống và tính cách của Bầu Đức.
BXH top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008 của báo VnExpress.net
Thời bé, nhìn thấy máy bay thì mong muốn được sở hữu, đến khi trở thành người giàu nhất Việt Nam, đọc sách về tỷ phú giàu nhất thế giới, Bầu Đức mơ ước có trở thành tỷ phú thế giới. Ông ước mơ điều này không chỉ là danh dự cho bản thân, mà còn là cả một niềm tự hào dân tộc. Để thực hiện ước mơ, điều kiện cần đầu tiên Bầu Đức phải làm được: chèo lái con thuyền Hoàng Anh Gia Lai vượt qua giai đoạn khó khăn chung của thị trường năm 2009. Vị chủ tịch của tập đoàn chia sẻ, nhận thấy thị trường kém khả quan, công ty chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận ở con số 1.150 tỷ đồng năm 2009. Bất ngờ cuối năm, con số lãi ròng đạt 1.700 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với kế hoạch, và tăng trưởng hơn 200% so với năm 2008. Đã có lúc “ông trùm” sàn chứng khoán Việt Nam thời bấy giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng, muốn buông xuôi vì những tin tức xấu về kinh tế ngập tràn mặt báo. Sau tất cả, Bầu Đức đã vượt qua được thách thức lớn nhất kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp từ một xưởng gỗ nhỏ.
Nhưng vượt qua con sóng này, thì con sóng khác lại ập đến. Có vẻ con sóng chuẩn bị đến vô cùng khó khăn, nên sự nghiệp của Bầu Đức bắt đầu rơi vào “nốt trầm”.
Còn nữa…
(Diễn biến câu chuyện tiếp theo sẽ được tiếp tục ở Kỳ 6)