Những bài viết trong chuyên đề “BẦU ĐỨC – TỪ CẬU BÉ CHĂN BÒ ĐẾN DOANH NHÂN NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM” là hành trình tổng hợp lại các câu chuyện của Bầu Đức trên các kênh truyền thông trong vòng 30 năm qua.
Chuỗi bài viết bắt đầu từ thuở, Bầu Đức còn là một cậu bé chưa được 3 tuổi, đi chăn bò cạnh sân bay vì gia đình đông anh em, phải sống cơ cực tại vùng đất Tây Nguyên nghèo khó năm xưa. Đến bây giờ trở thành người tuy không phải là giàu nhất, nhưng lại là doanh nhân nổi tiếng nhất trong giới truyền thông Việt Nam. Cuộc đời sự nghiệp của ông trải qua vô vàn “đắng cay ngọt bùi”, đặc biệt tính cách mạnh mẽ thể hiện qua việc “nói là làm, muốn là nhất định phải có”. Câu chuyện của vị doanh nhân này, đã từng mang lại niềm cảm hứng cho rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Họ học tập từ ý chí, nghị lực và đặc biệt ấn tương với phong thái mạnh mẽ, dứt khoát của ông.
Từ một chàng thanh niên vừa chăn bò, vừa mang trong mình khát vọng đổi đời bằng con đường đại học. Nhưng có lẽ cánh cửa đại học không dành cho bầu Đức, dù cho ông quyết tâm ôn thi tận 4 lần nhưng vẫn rớt.Cuối cùng, ông chọn công việc làm thuê, bắt đầu bén duyên với ngành kinh doanh gỗ, với số vốn ít ỏi dành dụm từ trước đến giờ. Phất lên như diều gặp gió, việc kinh doanh của bầu Đức ngày càng thăng hoa.
Đỉnh cao sự nghiệp là, ông trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2008, và mua riêng cho mình chiếc máy bay cá nhân để thỏa niềm mơ ước từ bé.Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu gặp khó khăn khi hàng loạt biến cố cùng lúc xảy ra khiến cho ông rơi vào vực thẳm. Nhưng ông đã không bỏ cuộc mà bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh và dần dần gặt hái được trái ngọt trong khoảng thời gian gần đây.
Sau những lần thi rớt, Bầu Đức nhận ra rằng “Không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn”
Quyết tâm thi đậu đại học để đổi đời, mặc dù trước đó đã rớt hai lần, Bầu Đức vẫn tiếp tục hành trình ban ngày ra đồng, ban đêm học bài. Trái ngược với sự nỗ lực bền bỉ và ý chí mạnh mẽ, con đường học vấn của Ba Đức vô cùng trớ trêu. Cứ thi lần nào là trượt lần đó, cánh cổng đại học ngày càng xa vời hơn. Cuối cùng, Bầu Đức từ bỏ con đường đại học sau 4 lần không thành công. Đây cũng chính là cú sốc đầu đời của một người thanh niên, vừa mang trong mình kỳ vọng của gia đình, vừa có ước mơ thoát nghèo của bản thân.
Con người trưởng thành từ những thất bại. Còn với Bầu Đức, nỗi đau thi rớt cả 4 lần giúp ông thừa nhận mình "dốt", và lựa chọn hướng đi khác cho cuộc đời. Ông nói rằng: “Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng". Quyết định đứng lên từ vấp ngã đầu tiên, chàng trai nhà nghèo đã quay trở về Gia Lai đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Chỉ trong thời gian vài năm, Bầu Đức đã dành dụm được một số vốn nhỏ từ những ngày tháng làm mướn cho người khác. Nhận thấy điều kiện hiện tại phù hợp với công việc liên quan đến ngành mộc, ông dồn hết số vốn ít ỏi và cả tâm quyết của mình để bắt đầu khởi nghiệp. Năm 1990, một phân xưởng nhỏ đóng bàn ghế cho học sinh ra đời tại Gia Lai, cơ duyên đến với gỗ của chàng trai Đoàn Nguyên Đức xuất phát từ đây.
Trở thành “ông trùm” nhờ vào cái duyên với người Đài Loan
Được tiếng là trở thành ông chủ, tự mình bỏ tiền ra mở phân xưởng, nhưng thời điểm ấy số vốn chẳng được bao nhiêu, nên Bầu Đức gần như phải làm mọi việc. Sản phẩm đầu tiên của xưởng là chiếc bàn dành cho học sinh, cũng do chính ông tự tay cưa gỗ, bào, đục đẽo. Từ những sản phẩm ban đầu, phân xưởng của người con quê Bình Định ngày càng được biết đến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, bước ngoặt để từ chủ một phân xưởng nhỏ trở thành người đứng đầu ngành gỗ tại Gia Lai, lại nhờ vào cơ duyên gặp một chuyên gia người Đài Loan.
Năm 1991, có một ông chuyên gia người nước ngoài đang trong quá trình tìm hiểu thị trường gỗ tại Gia Lai, và mong muốn tìm được người để đầu tư. Tình cờ, Bầu Đức may mắn gặp được ông ấy. Có lẽ do nhận thấy được tố chất và khả năng của người chủ xưởng nhỏ, chuyên gia người Đài Loan quyết định mời Bầu Đức hợp tác mở liên doanh. Cụ thể, đối tác Đài Loan sẽ cung cấp mọi phương tiện kỹ thuật như máy móc, thiết bị, hướng dẫn. Phía ông Đoàn Nguyên Đức phải thành lập doanh nghiệp để quản lý lao động, đảm bảo khâu sản xuất và hoàn thiện sản phẩm.
Đến năm 1993, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời cùng với nhà máy chế biến gỗ đầu tiên, đây cũng chính là tiền thân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Mối lương duyên với đối tác nước bạn đã giúp sự nghiệp của Bầu Đức như bước sang một chương mới. Nhờ vào lợi thế nguồn nguyên vật liệu, kỹ thuật công nghệ cao từ Đài Loan, ông bắt đầu tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Chỉ 2 năm sau thành lập, xí nghiệp chế biến gỗ Hoàng Anh Pleiku đã xuất khẩu tận sang các thị trường “khó tính” như: Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp,...
Việc kinh doanh ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, vào năm 1996, ông chủ xưởng gỗ nhỏ năm xưa, đã tích góp đủ số tiền để trả hết toàn bộ nợ và số tiền đầu tư của đối tác Đài Loan. Ba Đức chính thức sở hữu tất cả máy móc, thiết bị, công nghệ của nhà máy chế biến gỗ. Nguồn lợi nhuận bây giờ chỉ về với ông, không cần phải san sẻ cho ai nữa cả. Thời điểm này, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku trở thành một trong hai chủ vựa gỗ lớn nhất Gia Lai, và Ba Đức được xem như “ông trùm” trong ngành gỗ.
Ông Đoàn Nguyên Đức chỉ mất vài năm khởi nghiệp để trở thành "ông trùm" ngành gỗ
Giờ đây, khát vọng thoát nghèo của Bầu Đức đã dần hiện thực hóa, cậu bé chăn bò năm xưa đã sở hữu được một xí nghiệp xuất khẩu gỗ danh tiếng tại Gia Lai. Mục tiêu bây giờ không còn là giúp gia đình đổi đời, mà phải làm sao giàu hơn để thực hiện tất cả ước mơ thuở bé.
Còn nữa…
(Diễn biến câu chuyện tiếp theo sẽ được tiếp tục ở Kỳ 3)
CAO CHÍ CANG - Vietnam Business Insider