Những bài viết trong chuyên đề “BẦU ĐỨC – TỪ CẬU BÉ CHĂN BÒ ĐẾN DOANH NHÂN NỔI TIẾNG NHẤT VIỆT NAM” là hành trình tổng hợp lại các câu chuyện của Bầu Đức trên các kênh truyền thông trong vòng 30 năm qua.

Chuỗi bài viết bắt đầu từ thuở, Bầu Đức còn là một cậu bé chưa được 3 tuổi, đi chăn bò cạnh sân bay vì gia đình đông anh em, phải sống cơ cực tại vùng đất Tây Nguyên nghèo khó năm xưa. Đến bây giờ trở thành người tuy không phải là giàu nhất, nhưng lại là doanh nhân nổi tiếng nhất trong giới truyền thông Việt Nam. Cuộc đời sự nghiệp của ông trải qua vô vàn “đắng cay ngọt bùi”, đặc biệt tính cách mạnh mẽ thể hiện qua việc “nói là làm, muốn là nhất định phải có”. Câu chuyện của vị doanh nhân này, đã từng mang lại niềm cảm hứng cho rất nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Họ học tập từ ý chí, nghị lực và đặc biệt ấn tương với phong thái mạnh mẽ, dứt khoát của ông.

Từ một chàng thanh niên vừa chăn bò, vừa mang trong mình khát vọng đổi đời bằng con đường đại học. Nhưng có lẽ cánh cửa đại học không dành cho bầu Đức, dù cho ông quyết tâm ôn thi tận 4 lần nhưng vẫn rớt. Cuối cùng, ông chọn công việc làm thuê, bắt đầu bén duyên với ngành kinh doanh gỗ, với số vốn ít ỏi dành dụm từ trước đến giờ. Phất lên như diều gặp gió, việc kinh doanh của bầu Đức ngày càng thăng hoa. 

Đỉnh cao sự nghiệp là, ông trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2008, và mua riêng cho mình chiếc máy bay cá nhân để thỏa niềm mơ ước từ bé. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu gặp khó khăn khi hàng loạt biến cố cùng lúc xảy ra khiến cho ông rơi vào vực thẳm. Nhưng ông đã không bỏ cuộc mà bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh và dần dần gặt hái được trái ngọt trong khoảng thời gian gần đây. 

Tuổi thơ chăn bò dưới bầu trời nắng nóng của vùng đất Tây Nguyên

Anh Ba Đức từng phơi mình 10 năm trời trước những bài đất trống để dắt trâu, bò kiếm ăn

Bầu Đức tên thật là Đoàn Nguyên Đức, sinh ngày 6/12/1962 tại miền quê nghèo Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Khi được 3 tuổi, ông cùng cha mẹ và 8 anh chị em của mình phải dọn nhà ở An Phú, Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau khi dọn đến nơi khác sống, cuộc sống của gia đình cũng không tốt hơn, bởi vì chỉ có thể đi làm thuê, làm ruộng, làm rẫy như thời gian trước. Là người con thứ 3 trong gia đình vừa nghèo lại vừa đông anh chị em, cậu bé Đoàn Nguyên Đức từ nhỏ đã phải nhịn ăn sáng, đi chăn bò để phụ giúp cha mẹ.

Cha ông là Đoàn Tiến Quyết và mẹ là bà Nguyễn Thị Thơm, cả hai người làm lụng vất vả để có thể gồng gánh 9 người con của mình. Người đông, tiền ít nên chỉ có thể lót dạ qua ngày bằng những bữa cơm độn sắn, độn khoai. “Anh ba” Đức khi còn ở quê hương Bình Định, thường hay chăn trâu, bò bên cạnh sân bay Phù Cát. Chính vì hàng ngày thấy cảnh tượng máy bay cất cánh lên bầu trời, khiến đứa trẻ chỉ mới vài tuổi đầu cảm thấy vô cùng thích thú. Từ đó một giấc mơ vô cùng viển vông thời điểm ấy, dần dần được hình thành trong tâm thức của một cậu bé nghèo miền núi, giấc mơ gần như là “ngủ cũng chưa chắc mơ thấy”. Đó là tự mua cho mình một chiếc máy bay riêng và lượn vòng quanh bầu trời. 

Ông Phan Thanh Thủ - Người bạn thân của Bầu Đức từ hồi chăn bò, sau này là cánh tay đắc lực của Bầu Đức phụ trách khu vực Nam Lào của HAGL kể, hồi xưa lúc chăn bò Bầu Đức cũng đã thể hiện tự chất 'business' của mình. Đó là không chỉ chăn bò cho gia đình mình mà còn nhận chăn bò cho cả những gia đình khác trong làng, nên sau mỗi mùa chăn bò, gia đình không chỉ có được tiền từ bán bò mà còn nhận được nhiều lúa từ công sức chăn bò thuê của bầu Đức.

Bầu Đức (ngoài cùng bên trái) hồi học cấp 3 cùng các bạn bè (Ảnh - Nguyễn Hữu Long)

Chẳng những có ước mơ xa vời, Bầu Đức từ nhỏ đã thể hiện vai trò của một người đi đầu, khi ông chính là người khởi xướng cho các trận đấu bóng đá ở miền quê nghèo, dành cho các bạn cùng trang lứa. Trên những bãi đất trống ở vùng đất Pleiku, ông Đức trở thành một tiền đạo xuất sắc, vị trí chủ lực của đội bóng. Từ những trận đấu miền quê Tây Nguyên đã biến thành động lực giúp ông toàn tâm toàn lực cống hiến cho bóng đá Việt Nam thời kỳ sau này.

Quyết tâm thi đại học nhưng 4 lần đều rớt

10 năm tuổi thơ của cậu bé Đoàn Nguyên Đức là những tháng ngày phơi mình dưới cái nắng rát da, phồng rộp cả hai bàn chân vì mỗi ngày phải dắt đàn trâu, đàn bò kiếm ăn. Hay có hôm lại ngâm mình dưới mưa kéo cày, xẻ đất để rồi tối về cơ thể nóng ran cả người vì sốt, mệt mỏi vì cảm. Dù cho cả nhà cố gắng làm lụng vất vả, khó khăn nhưng số tiền đem về được còn không đủ cho một mâm cơm có thịt có cá dành cho cả gia đình, nói gì đến những thứ khác. Từ đó anh ba Đức nhận thấy rằng không thể tiếp tục làm nông mãi như bây giờ, vì dù cố gắng làm vất vả bao nhiêu cũng không thể thoát nghèo. Ông quyết định con đường đổi đời duy nhất chỉ có thể là học.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, chàng thanh niên Nguyên Đức quyết định “khăn gói quả mướp” vào TPHCM thi đại học. Hành trang mang theo trong chuyến đi thi đầu tiên, là niềm hy vọng của cả nhà ở quê và khát vọng đổi đời của chính bản thân anh ba Đức. Nhưng bao nhiêu hy vọng đánh đổi lại bằng sự thất vọng, kết quả thi đại học không đủ điểm đậu. Không từ bỏ, chàng trai nghèo quyết tâm ôn thi lại cho bằng được. Vẫn như cuộc sống trước đây, sáng đi chăn bò chiều về vùi đầu vào đống bài vở, nhưng lần này còn có cả sự quyết tâm mạnh mẽ hơn. Sau khoảng thời gian tập trung ôn bài, anh ba Đức lại khăn gói lên Sài Gòn đi thi cùng với ý chí thoát nghèo. 


Nhưng rồi lần thi thứ hai kết quả cũng vậy, vẫn trượt như lần trước. Lần này ông gần như sụp đổ hoàn toàn. Bởi vì những năm 80, học vấn có một vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, được xem là thước đo giá trị con người. Nếu không vào đại học thì đồng nghĩa với việc khát vọng đổi đời, gia đình có cuộc sống tốt hơn của chàng trai Đoàn Nguyên Đức, xem như chấm dứt. Tuổi trẻ mãi mãi chôn vùi tại vùng quê nghèo chỉ đủ sống qua ngày, giấc mơ mua máy bay sẽ vĩnh viễn không thành hiện thực. Vì thế, người thanh niên quê Bình Định này quyết chí học tập tiếp tục thi đại học để hoàn thành niềm mơ ước còn dang dở. Có lẽ cánh cổng đại học thật sự quá xa vời...

Còn nữa...

(Diễn biến câu chuyện tiếp theo sẽ được tiếp tục ở Kỳ 2)

CAO CHÍ CANG - Vietnam Business Insider