Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đối với chuỗi An Khang sau nhiều năm không tập trung, năm nay với sự lèo lái của ông Đoàn Văn Hiểu Em, sẽ đưa An Khang lên tầm cao mới. Hiện ông Đoàn Văn Hiểu Em đang đảm nhiệm vị trí CEO của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.
Chuỗi An Khang sẽ phát triển như vũ bão trong năm 2022
Chuỗi nhà thuốc An Khang, tiền thân là chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang được MWG rót vốn đầu tư vào năm 2018 với tỷ lệ sở hữu là 49% vốn điều lệ, tương đương hơn 634.000 cổ phần. Giá trị chuyển nhượng được ghi nhận thời điểm đó là 62 tỷ đồng. Trước đó, MWG cũng từng lên kế hoạch mua lại 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này, thay vì mất 2-3 năm để tự tìm hiểu, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào năm 2018, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đã chia sẻ tạm thời dừng kế hoạch này để đánh giá lại rủi ro. Thay vì sở hữu toàn bộ và nắm quyền chi phối chuỗi nhà thuốc này, Thế Giới Di Động sẽ đóng vai trò là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 49% vốn.
Sau khi rót vốn vào chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động đã ghi nhận khoản lỗ 2,1 tỷ đồng năm 2018; 3,47 tỷ đồng trong năm 2019; 3,79 tỷ đồng trong năm 2020 và tính đến cuối quý III/2021, Thế Giới Di Động đã lỗ lũy kế 16,9 tỷ đồng tại An Khang.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, MWG đã chính thức nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang lên 99,9 % và đặt ra những mục tiêu để An Khang sẵn sàng bứt phá trong các năm kế tiếp.
Sau khi hoàn thành việc “thâu tóm” chuỗi nhà thuốc An Khang, tại buổi chia sẻ với các nhà đầu tư vào ngày 18/2/2022, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng nhận định rằng ngành thuốc đang có các cơ hội phát triển tốt sau đại dịch. Theo người đứng đầu MWG, ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Đây là giai đoạn phù hợp để mô hình nhà thuốc tăng trưởng.
Tính đến cuối năm 2021, An Khang đã có 178 nhà thuốc hiện diện tại 25 tỉnh thành khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm nay, chuỗi nhà thuốc An Khang sẽ đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ.
“Sau khi tiếp nhận, điều chỉnh về mặt cửa hàng cũng như định hướng kinh doanh. Trong thời gian tới, An Khang tăng tốc như vũ bão trong năm nay và đến cuối năm có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu cũng như số lượng chuỗi cửa hàng”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người được giao trọng trách phát triển chuỗi nhà thuốc An Khang chia sẻ tại ĐHĐCĐ.
Không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận vào thời điểm này
Tại thời điểm này vấn đề mà An Khang chú trọng là gia tăng thị phần và số lượng cửa hàng thay vì lợi nhuận. Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em khi đạt được những mục tiêu này thì việc chuyển hóa từ doanh thu sang lợi nhuận sẽ đến sớm thôi.
Tại thời điểm cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang khoảng 340 – 350 triệu đồng. Đến quý 1/2022, doanh số trung bình một cửa hàng trong tháng 3 tăng gần gấp đôi khoảng 650 triệu đồng/cửa hàng.
Để đạt được con số doanh thu ấn tượng này, An Khang có rất nhiều thay đổi về mặt chiến lược cũng như định hình lại mô hình kinh doanh, thiết kế lại layout cửa hàng, cơ cấu danh mục sản phẩm, xây dựng website mới… Dĩ nhiên, dự kiến doanh thu của chuỗi này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Đối với An Khang, hiện MWG đang định vị lại gần 200 cửa hàng An Khang trước đó với nhận diện, logo mới và dự kiến hoàn thành trong tháng 5. Kế hoạch ngắn hạn đến cuối tháng 6, An Khang sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng sẽ từ 178 nhà thuốc lên gần 400 nhà thuốc với diện mạo hoàn toàn khác và tiếp tục nhân rộng số lượng cửa hàng trong những tháng cuối năm 2022.
Cơ hội rất lớn cho mảng bán lẻ dược phẩm
Dưới bối cảnh tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ điện thoại, điện máy trong nước ngày càng chậm trong khi thị phần điện thoại, điện máy của MWG đã ở mức cao, việc giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 con số hàng năm của công ty là một “thử thách” khá lớn.
Tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng cho biết theo nhận định của cá nhân ông, thị trường điện thoại, điện máy trong năm 2022 dự kiến chỉ tăng 8-10%. Nếu MWG muốn tiếp tục tăng trưởng thị phần thì chỉ có cách lấy thị phần của người khác.
Trong năm nay MWG có kế hoạch mở các trung tâm điện máy với diện tích từ 3.000 – 5.000m2 để đánh vào phân khúc cao cấp và sẽ mang mô hình Điện Máy Xanh đã thành công đi sang nước ngoài nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, công ty cũng đang đẩy mạnh mở rộng sang các ngành hàng còn nhiều tiềm năng để gia tăng thị phần và trong đó có ngành dược phẩm.
Theo ước tính của BMI (công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International), thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 10% so với năm 2020 và đạt hơn 5 tỷ USD. Giá trị thị trường này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2025. Với mức thu nhập ngày càng cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe không chỉ dừng lại ở thuốc điều trị mà còn tập trung ở các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khác như thực phẩm chức năng hoặc các thiết bị điện tử theo dõi sức khỏe.
Trong khi đó, thị trường nhà thuốc Việt Nam vẫn đang còn rất phân mảnh với mạng lưới hơn 60.000 điểm bán, chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể. Vì thế, các chuỗi bán lẻ hiện đại với lợi thế về quy mô, chất lượng dịch vụ ổn định và sản phẩm đa dạng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng thị phần trong các năm tới.
Tại ĐHĐCĐ, ông Hiểu Em cũng nhận định rằng "thị trường ngành dược quy mô khoảng 7-8 tỷ USD trong khi hiện có đến 60.000 nhà thuốc truyền thống. Trong khi các nhà thuốc hiện đại như An Khang, Pharmacity, Long Châu chiếm khoảng 3 – 5% trong 60.000 nhà thuốc này. Đây là những con số chứng tỏ cơ hội ngành dược rất lớn".
“Mục tiêu đặt ra là có thể đứng vị trí top 3 nhưng khoảng cách rất gần so với vị trí thứ 1 và thứ 2 bây giờ. Trong tương lai không xa, một vài năm tiếp theo An Khang phải đứng nhất trong ngành dược này”, người chịu trách nhiệm dẫn dắt chuỗi An Khang - ông Hiểu Em cho biết.
Xét về số lượng chuỗi nhà thuốc, Pharmacity hiện đang dẫn đầu thị trường với khoảng 1.000 cửa hàng, theo sau đó là Long Châu với 600 cửa hàng.