chan-dung-tien-si-luong-viet-quoc-va-don-vi-san-xuat-drone-hera-noi-tieng-da-ban-thanh-cong-cho-bo-quoc-phong-my-1-1685962093.jpeg

Tiến sĩ Lương Việt Quốc là người sáng lập nên Realtime Robotics, tuổi thơ của anh gắn liền với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghề khi mà anh phải nhặt rác đến 1 - 2 giờ sáng chỉ để kiếm thêm thu nhập. Vào năm 13 tuổi, ban ngày anh Quốc phải đi bán chanh, ớt tại chợ Cầu Muối để kiếm sống. Đến năm 15 tuổi, anh lại phải làm thêm nghề vớt giun chỉ bán. Như những đứa trẻ trong xóm nghèo Gò Mã, anh Quốc có thể xem như tốt hơn một chút là anh không bị bỏ rơi, việc học cũng không đứt gánh giữa đường như những đứa trẻ cùng xóm.

“Hồi ấy, động lực duy nhất khiến tôi không bỏ học xuất phát từ bà nội, chứ chẳng phải giấc mơ xa xôi nào. Bà luôn dặn đi dặn lại rằng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời”, CEO Lương Việt Quốc chia sẻ.

Tuy đã hoàn thành hết chương trình 12 nhưng anh Quốc lại không đậu được đại học, anh đã chọn học trung cấp tại trường trung học tài chính TP. HCM. Rồi anh học tiếp lên hệ đại học và học thêm tiếng Anh.

Năm 1994, anh Quốc đạt 610 điểm, đứng thứ 6 trong số 150 thí sinh kỳ thi TOEFL do Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Việt - Mỹ tổ chức. Năm 2002, anh Quốc là một trong 26 người giành được học bổng sau đại học Fulbright (Mỹ). Đến Mỹ, chàng sinh viên Lương Việt Quốc đăng ký học thạc sĩ. Sau đó, nhận thấy có nhiều cơ hội hơn, anh Quốc đã cố gắng nộp đơn xin học bổng tiến sĩ và làm việc tại Hoa Kỳ sau khi hoàn thành chương trình học.

Vào năm 2014, anh Quốc nhận ra xu hướng phát triển hiện nay là drone, vì vậy anh đã quyết định thành lập startup drone tại San Francisco - Mỹ. Đến năm 2017, Lương Việt Quốc mở thêm công ty RealTime Robotics Inc (RtR) tại Việt Nam, trở thành người Việt Nam đầu tiên được cấp phép sản xuất máy bay không người lái.

CEO Lương Việt Quốc cho biết khó khăn lớn nhất của RtR trong những ngày đầu thành lập là tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư lúc đó là “đừng thử”. Khó khăn của RtR cũng bắt đầu từ đây, khi mà dự án máy bay không người lái tại Việt Nam không có một nhà đầu tư hay quỹ đầu tư nào sẵn sàng rót vốn đầu tư cho lính mới như công ty anh. Tuy nhiên, sau khi anh Quốc trình bày ý tưởng và suy nghĩ của mình, một số nhà đầu tư tư nhân đã đồng ý đầu tư vào RtR.

Cho đến nay, đã có khoảng 4 triệu USD vốn đầu tư được rót vào RtR. So với những thành quả đã đạt được thì đây là số vốn cực kỳ thấp. Để đạt được kết quả như RtR hiện tại ở thị trường Mỹ cần số vốn gấp 10 đến 20 lần. Nhưng từ một dự án được khuyên “đừng thử”, bằng sự nỗ lực của mình, RtR đã phát triển được đội ngũ lên đến 50 kỹ sư toàn người Việt, có thể chịu trách nhiệm tất cả các khâu để tạo nên drone. Cùng với đội ngũ của mình, RtR tự tin sẽ có thể sản xuất tất cả phần mềm cũng như bộ phận liên quan đến drone.

Nhiều khách tham quan đã bị một sản phẩm đặc biệt thu hút tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. Sản phẩm đó chính là drone Hera - được phát triển bởi Realtime Robotics - một công ty công nghệ của Việt Nam, một sản phẩm công nghệ hoàn toàn do người Việt Nam sáng chế, thiết kế và chế tạo.

chan-dung-tien-si-luong-viet-quoc-va-don-vi-san-xuat-drone-hera-noi-tieng-da-ban-thanh-cong-cho-bo-quoc-phong-my-1685962093.jpeg

Giá trị của một chiếc drone nằm ở khả năng của các thiết bị mà nó có thể mang theo. Về mặt vật lý, để nâng được một vật nặng thì động cơ phải lớn và cánh quạt phải lớn để tạo ra đủ lực nâng, và drone cũng vậy.

Hera là minh chứng thành công khi mà Realtime Robotics có thể giải được bài toán này. Đây là một mẫu drone bỏ vừa balo nhưng có khả năng mang thiết bị nặng tới 15kg, tức là gấp 7 lần so các sản phẩm cùng loại. Về không gian, các drone trên khắp thế giới thường chỉ có đủ chỗ để gắn 1 tải hoặc 1 camera. Còn Hera thì có thể ở 4 vị trí khác nhau mà gắn 4 camera, cũng có thể kết hợp bệ thả với camera cùng lúc, vừa rộng rãi lại nhỏ gọn.

Khả năng thực hiện nhiệm vụ của Hera vượt trội hơn rất nhiều so với các loại drone hiện có trên thị trường. Cùng phân khúc, drone Hera của Việt Nam hiện đang đứng số 1 thế giới và không có đối thủ. Sau khi Hera được công bố tại nước ngoài thì đã được các chuyên gia nổi tiếng công nhận.

Hiện tại, Realtime Robotics đã nhận được đơn đặt hàng từ RMUS - nhà phân phối drone lớn tại Mỹ. Được biết, lực lượng cảnh sát Mỹ sẽ nhận được drone trong lô hàng đầu tiên mà RMUS đặt. Giá bán cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và Châu Âu đã góp phần khẳng định so với các sản phẩm khác thì tính năng của Hera là vượt trội.

chan-dung-tien-si-luong-viet-quoc-va-don-vi-san-xuat-drone-hera-noi-tieng-da-ban-thanh-cong-cho-bo-quoc-phong-my-3-1685962093.jpeg

Đó cũng là bằng chứng cho thấy thị trường đã chấp nhận drone Hera. Sau Mỹ, Realtime Robotics sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu. Tại Liên minh châu Âu - EU, bởi có một đối tác chuyên cung cấp drone cho quân đội và lực lượng đặc biệt nên Hera sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền tại thị trường này.

chan-dung-tien-si-luong-viet-quoc-va-don-vi-san-xuat-drone-hera-noi-tieng-da-ban-thanh-cong-cho-bo-quoc-phong-my-2-1685962075.jpeg

Còn tại Việt Nam, theo thông tin Realtime Robotics sẽ cung cấp chiếc drone đầu tiên cho Bộ công an - Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Lần đầu tiên, Việt Nam có cơ hội sở hữu một drone đạt cấp độ cá nhân người lính - Hera, cấp độ vượt xa so với các drone cùng loại mà Israel và các nước NATO đang sử dụng. Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh chính là nơi đang diễn ra toàn bộ quá trình tạo ra drone Hera. 

TS Lương Việt Quốc dự kiến ​​xây dựng nhà máy để tăng tốc độ sản xuất lên 5 - 10 lần. Mục tiêu của Realtime Robotics không chỉ dừng lại ở việc phủ rộng thị trường, mà trong năm 2023 sẽ có thể cho ra mắt thêm 1 - 2 sản phẩm mới thuộc hệ sinh thái drone. Một mẫu drone mang tên “Thần Nông” đang được lên ý tưởng với mục đích phục vụ ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nói về tương lai, TS Lương Việt Quốc hy vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất drone hàng đầu thế giới. Và Realtime Robotics sẽ trở thành công cụ chế tạo drone chuyên dụng sáng tạo, đáng tin cậy và hướng đến con người rõ ràng nhất trên thị trường.

Anh cũng hy vọng câu chuyện của Hera sẽ truyền cảm hứng cho các startup mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và phát triển. Đây là con đường mà Việt Nam phải đi, giống như con đường mà Hàn Quốc đã đi từ một nước đang phát triển thành một quốc gia hàng đầu thế giới.