Đầu quân về MoMo sau 8 năm gắn bó với VNG
Phạm Kim Long (SN 1973) từng học lớp chuyên toán trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tiếp đó, anh trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh tốt nghiệp loại giỏi với đề tài "Quản lý hệ thống thông tin môi trường với các công cụ của Oracle". Sau khi tốt nghiệp, Phạm Kim Long tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc từ năm 1997.
Anh là người tạo ra UniKey, phần mềm gõ tiếng Việt phổ biến nhất trên máy tính và các thiết bị di động của người Việt Nam.
Sau thời gian học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc trong khoảng 10 năm, khi trở về Việt Nam, Phạm Kim Long từng làm cho IBM Việt Nam, FPT Telecom và gần nhất là VNG với vị trí Giám đốc Zalo AI.
Mới đây, Phạm Kim Long đã xuất hiện trong Hội đồng AI của MoMo (AI Committee), quy tụ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). AI Committee của MoMo được kỳ vọng sẽ giúp công ty thực thi chiến lược AI-First với mục tiêu chung là "bình dân hóa AI" hướng đến phục vụ số đông người dùng.
Đầu quân về MoMo, Phạm Kim Long giữ vị trí Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển AI, phụ trách các nhóm nghiên cứu công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.
Chia sẻ về lý do gia nhập MoMo, Phạm Kim Long nói rằng về với MoMo là cơ duyên do sau 8 năm làm việc tại công ty cũ, anh xác định mình nên có sự thay đổi mới mẻ hơn, thách thức hơn trong công việc, tạo ra những sản phẩm có sức ảnh hưởng hơn.
“Khi trao đối với các anh lãnh đạo MoMo là anh Nguyễn Mạnh Tường (PCT HĐQT, Co-CEO), anh Thái Trí Hùng (PTGĐ – CTO) tôi thấy tầm nhìn, mục tiêu về AI rất thiết thực, cũng không đòi hỏi có kết quả ngay và các anh biết cần có thời gian. Ngoài ra, tôi cũng thích bài toán anh Tường đặt ra là xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong AI, xây dựng chatbot dành cho chăm sóc khách hàng. Đây là những bài toán rất cụ thể nhưng cũng rất thách thức nên tôi quyết định gia nhập MoMo”, anh Phạm Kim Long cho biết thêm.
Đặc biệt, khi được hỏi so sánh giữa công ty mới và công ty cũ, trong một lần phỏng vấn với Cafebiz, anh Long cũng chia sẻ khá chừng mực rằng "VNG cụ thể là Zalo là công ty tôi làm 8 năm, có nhiều gắn bó và cảm xúc, và cũng rất kính trọng anh Minh (ông Lê Hồng Minh – TGĐ VNG), anh Khải (ông Vương Quang Khải – Phó TGĐ VNG), làm việc rất gắn bó với anh Khải. Zalo đầu tư AI rất lớn".
"Để so sánh với MoMo, AI ở Zalo hơi bay bổng hơn chút. Sau 8 năm, tôi cũng muốn có những thách thức mới thiết thực hơn. Lĩnh vực fintech hoàn toàn mới với mình. Điểm hấp dẫn ở MoMo là dịch vụ đa dạng gắn với đời sống của con người. Tiếp xúc với các anh lãnh đạo MoMo, cảm nhận được việc các anh rất quý người và có độ tin tưởng rất lớn”.
Bắt đầu đầu tư mạnh vào AI/Data từ năm 2019, đến nay MoMo đã triển khai rộng rãi AI trên nền tảng siêu ứng dụng của mình như: giải pháp eKYC, hệ thống khuyến nghị sản phẩm phân phối ưu đãi, bảo vệ người dùng… Tính đến hiện tại, MoMo có gần 600 kỹ sư công nghệ, trong đó các chuyên gia về AI chiếm khoảng 20% số lượng nhân sự.
Hành trình ra đời của bộ gõ ‘quốc dân’ UniKey
Bộ gõ tiếng việt UniKey (ban đầu có tên là TVNBK) được Phạm Kim Long thực hiện vào năm 1994 khi còn là sinh viên năm cuối đại học. Lúc đó, anh và 3 bạn cùng lớp thách đố nhau xem ai tạo ra bộ gõ tiếng Việt nhỏ gọn nhất dành cho hệ điều hành DOS bằng ngôn ngữ lập trình Assembly. Kết quả, anh giành chiến thắng với bộ gõ chỉ 2Kb siêu nhỏ gọn, nhưng đó vẫn chỉ là một sản phẩm "làm cho vui". Đây cũng có thể được coi như phiên bản đầu tiên của UniKey sau này.
Sau đó, vào đầu năm 1998, lúc còn theo học chương trình nghiên cứu sinh tại trường Đại học kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc, Phạm Kim Long đã tiếp tục viết bản dành cho hệ điều hành Windows với tên gọi LittleVnKey. Tuy nhiên, phiên bản này chỉ mới dừng lại ở việc sử dụng cho cá nhân và dành tặng một số bạn bè, thậm chí nó còn chưa hỗ trợ bộ mã quốc tế Unicode.
Đến cuối năm 2000, trong một lần Phạm Kim Long tình cờ lang thang trên diễn đàn tin học nổi tiếng bấy giờ là VNN (tiền thân của Vietnamnet), thấy nhiều người bàn luận rất sôi nổi về việc Windows hỗ trợ Unicode tiếng Việt. Đặc biệt, người dùng thường hay hỏi trên diễn đàn về cách ‘bẻ khoá’ VietKey, bộ gõ hỗ trợ Unicode trên Windows nhưng phải trả phí. Lúc đó, anh đã nghĩ ra ý tưởng về một bộ gõ miễn phí hỗ trợ Unicode để giúp mọi người. Phạm Kim Long đã dành một đêm thiết kế, hai đêm mã hóa liên tục mới cho ra phiên bản hoàn chỉnh mang tên UniKey.
Chỉ sau một thời gian ra mắt, nhờ sự đơn giản, tính tiện dụng và miễn phí, UniKey được người dùng đón nhận nhiệt tình, trở thành bộ gõ tiếng Việt được ưa chuộng tại Việt Nam.
Đến năm 2001, Phạm Kim Long quyết định công bố mã nguồn mở Unikey. Hành động này của anh bị không ít người chỉ trích, dèm pha là giết chết các sản phẩm thương mại. Tuy nhiên với cộng đồng người dùng, việc làm của Phạm Kim Long rất đáng hoan nghênh.
Từ năm 2006, anh đã cho phép Apple dùng source code x-unikey trong các sản phẩm của Apple. Đến nay tất cả các thiết bị iPhone, iPad đều đang sử dụng UniKey cho bộ gõ tiếng Việt có sẵn.
Hiện nay, UniKey đã hơn 25 tuổi và dường như đây là sản phẩm mặc định trong máy tính của bất kỳ người Việt nào. Với dấn ấn của UniKey, có thể nói rằng Phạm Kim Long không chỉ tạo ra một phần mềm gõ tiếng Việt tốt mà còn hướng tới mục tiêu cống hiến vì cộng đồng để cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Sau UniKey, Phạm Kim Long cùng với các cộng sự tại VNG còn cho ra mắt Laban Key. Đây là một ứng dụng trên thiết bị di động, để nhập tiếng Việt, dựa trên mã nguồn mở của phần mềm UniKey. Ra mắt năm 2013, Laban Key đã có mặt trong top ứng dụng được xếp hạng cao nhất trên Google Play, với hơn 500.000 lượt tải (thời điểm tháng 3/2014).
Nói về “đứa con thứ hai” của mình, vào thời điểm mới ra mắt, Phạm Kim Long từng chia sẻ rằng với những sản phẩm trong nước, Laban Key có đủ tự tin để nói mình đang vận hành khá tốt, nhưng đối với những sản phẩm nước ngoài, còn cả một con đường dài phía trước. Bản thân anh cũng không đặt nặng vấn đề phải tạo ra một UniKey thứ hai. “Laban Key cũng như nhiều sản phẩm khác trong họ Laban làm ra không phải để chạy đua thứ hạng mà để cộng đồng có thêm những sản phẩm thiết thực”, anh cho biết thêm.