Cộng đồng startup Việt Nam gần đây đang nóng với thông tin ‘Ví điện tử MoMo trở thành kỳ lân thứ 3 của Việt Nam’ sau khoảng đầu tư 200 triệu đô la Mỹ từ Mizuho Bank và được định giá 2 tỷ đô la Mỹ từ vòng gọi vốn mới nhất.

Như vậy, Việt Nam đã có thêm 1 startup tỷ đô sau hơn 1 năm kể từ tháng 11/2020 – thời điểm công bố VNLife trở thành kỳ lân thứ 2.

Để đạt được mức định giá tỷ đô, bên cạnh việc tích cực gọi vốn, các startup đều phải chứng tỏ năng lực bản thân, tiềm năng phát triển quy mô, và khả năng chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên, hành trình này không hề dễ dàng. VNG mất đến 12 năm, VNLife mất 13 năm, và MoMo mất khoảng 14 năm.

Đặc điểm chung của các kỳ lân

Trong một bài viết đăng trên Techcrunch năm 2013, Aileen Lee, đồng sáng lập quỹ đầu tư Cowboy Venture, đã chỉ ra các điểm chung của các kỳ lân sau năm 2003.

  • Thay đổi toàn bộ ngành: tạo ra dịch vụ mới để phục vụ nhu cầu mới hay còn bỏ ngỏ, và thay đổi toàn bộ cách mọi thứ đang hoạt động. Ví dụ: Uber với dịch vụ xe ôm/taxi công nghệ.
  • Lấy công nghệ làm trung tâm: đa phần startup kỳ lân vươn lên nhờ tận dụng được tiến bộ của công nghệ và 87% sản phẩm của các công ty này thuộc lĩnh vực phần mềm.
  • Tập trung giải quyết nhu cầu: 62% startup kỳ lân là các doanh nghiệp B2C (phục vụ khách hàng cá nhân) và họ ưu tiên tìm ra cách giải quyết đơn giản và hiệu quả nhất cho những nhu cầu của người dùng.
  • Xuất phát từ công ty tư nhân: đa phần thuộc sở hữu cá nhân và tăng giá trị bằng cách để công ty lớn thâu tóm hay đầu tư vào.
  • Duy trì vị thế dẫn đầu: không chỉ là người khai phá dịch vụ/nhu cầu mới, họ còn thường xuyên cải tiến và định vị lại thị trường để luôn ở vị trí tiên phong.

Các đặc điểm trên cũng khá tương ứng với cả ba kỳ lân này khi họ đều lấy công nghệ làm trung tâm, tập trung giải quyết các nhu cầu, và luôn duy trì vị thế dẫn đầu.

VNG

vng-1640312727.jpeg

VNG mất đến 12 năm để trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Được biết, ngay từ khi mới thành lập vào năm 2005, Vinagame (tiền thân của VNG) chỉ tập trung phát triển game và đạt được nhiều thành tựu trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, sự đột phá phải bắt đầu từ năm 2010 khi Vinagame chính thức đổi tên thành VNG nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển đa ngành.

Năm 2012, VNG cho ra mắt nền tảng mạng xã hội Zalo. Và đến nay nền tảng này đã có đến 64 triệu người dùng. Không những vậy, Zalo còn ngày càng trở thành một cổng kết nối đắc lực, một công cụ giao tiếp đặc biệt hiệu quả giữa người dân với chính quyền điện tử của hơn 20 tỉnh, thành, cung cấp cho người dùng thông tin thời gian thực về tình hình giao thông, tra cứu lịch tiêm chủng, đăng ký các thủ tục hành chính cơ bản…

Nhờ sự phủ sóng mạnh mẽ, vào năm 2014, VNG chính thức trở thành kỳ lân đầu tiên với mức định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ.

Được phát triển gắn liền với nền tảng Zalo, ví điện tử ZaloPay cũng rất nhanh chóng đã lọt vào Top 5 ví điện tử trên thị trường nội địa. VNG Cloud – thương hiệu dịch vụ đám mây của VNG cũng đang liên tục mở rộng mạng lưới đối tác với tốc độ đầy hứa hẹn. 

Như vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ khi thành lập, sự ra mắt hàng loạt các sản phẩm mới khiến VNG phát triển nhanh chóng mặt. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của VNG đạt mức gần 4.959 tỷ đồng. 

VNLife

5-he-sinh-thai-768-x-432-768x432-1640312735.jpeg

VNLife, chủ quản của VNPay Unicorn, là fintech startup được định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ thứ hai ở Việt Nam sau khi nhận vốn từ SoftBank và GIC hồi năm ngoái.

Nếu người Việt Nam chỉ quen thuộc với cái tên VNPay thì lại có rất rất ít người biết đến VNLife, công ty chủ quản của VNPay. Nổi tiếng với mạng lưới thanh toán bằng mã QR tại tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam. Đặc biệt, mạng lưới của họ đang liên kết trực tiếp với 22 ngân hàng tại Việt Nam bao gồm cả những ngân hàng lớn như Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV.

Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay mang đến giải pháp thanh toán cho 15 triệu người tiêu dùng từ những dịch vụ cơ bản như thanh toán hóa đơn, mua sắm online, chuyển tiền và cả đặt vé xe buýt, thanh toán điện nước… 

Với mục tiêu xây dựng siêu ứng dụng độc đáo nhất, tiếp cận dễ dàng nhất, không chọn cách làm như các đối thủ là xây dựng “ứng dụng đa chức năng”, VNPay chọn xây dựng hàng loạt siêu ứng dụng, mỗi ứng dụng cho một ngân hàng đối tác. "Nền tảng ứng dụng thanh toán của chúng tôi không tồn tại ở bất kì đâu trên thế giới", ông Niraan De Silva, Giám đốc điều hành VNLife, chia sẻ.

Trong vài năm tới, ngoài việc là cánh tay đắc lực của ngân hàng, VNLife cũng đẩy mạnh tiếp cận các tiểu thương, các công ty fintech nhỏ. Và VNLife cũng muốn đưa dịch vụ ngân hàng số của mình ra nước ngoài. VNLife hiện đã bắt đầu kết nối với ngân hàng lớn tại hai quốc gia là Campuchia và Myanmar. "Ngân hàng hàng đầu ở Philippines và Indonesia cũng đang đề xuất kết nối chúng tôi", ông De Silva nói thêm.

MoMo

momo-1636090523-1640312735.jpeg

Kỳ lân mới nhất của Việt Nam với mức định giá lên đến 2 tỷ đô la Mỹ. MoMo từng được biết đến là ứng dụng ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam suốt nhiều năm liền. Nhưng giờ đây startup này đang hướng đến việc phát triển trở thành một super app (siêu ứng dụng). 

Hiện MoMo có hơn 1.600 nhân viên với trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và các văn phòng tại Hà Nội và Đà Nẵng. Công ty FinTech này hiện có khoảng 31 triệu người dùng với hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

“Công ty sẽ sử dụng nguồn vốn mới để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu.” đại diện MoMo chia sẻ. 

Ngoài ra, MoMo còn hướng đến việc tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, MoMo sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái cũng như mở rộng và tăng cường dịch vụ tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn.

Theo số liệu mới đây của McKinsey & Company Việt Nam, tỷ lệ người dùng dịch vụ của các công ty Fintech (công nghệ tài chính) tại Việt Nam cũng đã tăng từ 16% (năm 2017) lên thành 56% (năm 2021). Đánh giá của McKinsey & Company cũng cho biết, quy mô hệ sinh thái số Việt Nam ước đạt 50 tỷ đô la Mỹ và có thể tăng lên thành 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.