Theo số liệu mà Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố, các hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines trong năm 2022 đã khai thác tổng cộng 312.841 chuyến bay. Trong đó, đứng đầu vẫn là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines với 115.987 chuyến khai thác. Các vị trí tiếp theo là Vietjet Air với 115.349 chuyến. Bamboo Airways 51.959 chuyến, Pacific Airlines 16.567 chuyến; VASCO 8.084 chuyến và Vietravel 4.895 chuyến.

Trong năm, có đến 32.260 chuyến bay bị chậm giờ, tương đương tỷ lệ 10,3% số chuyến bay khai thác. Nếu như những năm trước, thường xuyên bị phàn nàn về việc delay chuyến thì năm nay, Vietjet Air đã cải thiện, chỉ đứng ở vị trí thứ 2 với 11,5% (tương ứng 13.310 chuyến). 

Đứng đầu bảng xếp hạng lần này lại là Vietnam Airlines. Hãng hàng không này có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất với 12,5% chuyến bay bị chậm (tương ứng 14.486 chuyến). 

Vị trí thứ 3 là VASCO có 635 chuyến chậm (chiếm 7,9%); Vietravel có 343 chuyến bị delay (chiếm 7%) đứng thứ 4. Pacific Airlines có 990 chuyến chậm (chiếm 6%) đứng thứ 5, cuối cùng là Bamboo Airways.

Bamboo Airways có 2.496 chuyến bay bị chậm giờ trong năm 2022, chiếm tỷ lệ 4,8%. Đây cũng là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ  cao nhất toàn ngành năm 2022 với 49.463 chuyến bay đúng giờ, chiếm 95,2%. 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm chuyến trong năm qua là do máy bay về muộn (chiếm 67,6%) và do các hãng hàng không (14,2%).

Trong năm 2022, có 1.155 chuyến bay bị hủy. Trong đó, Vietnam Airlines hủy 715 chuyến, Vietjet hủy 266 chuyến, VASCO hủy 92 chuyến, Bamboo Airways 64 chuyến, Viettravel và Pacific Airlines mỗi hãng hủy 9 chuyến. Nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy các chuyến bay trong năm 2022 là lý do khác, khai thác, thời tiết, kỹ thuật và lý do thương mại.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.

Năm 2021, trước nguy cơ bị hủy niêm yết, Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 22.143 tỷ đồng, "thoát" âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng tín dụng theo diện tái cấp vốn với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng.

Năm 2022, cổ phiếu HVN đã thoát án hủy niêm yết bắt buộc khi vốn chủ sở hữu dương hơn 500 tỷ đồng tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Nguyên nhân là Vietnam Airlines đã chuyển nhượng 35% cổ phần tại Cambodia Angkor Air (K6), thu về 35 triệu USD được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính với lãi chuyển nhượng vốn góp.

Mới đây, Vietnam Airlines thông báo muốn bán công ty nhiên liệu hàng không là Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Skypec là 1 trong 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước.

Với sức chứa hơn 220.000 m3, Skypec sở hữu hệ thống kho cảng đầu nguồn tại các cảng biển lớn và kho sân bay tại 18 sân bay dân dụng trên toàn quốc. Công ty này có khả năng phục vụ trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm.