Theo báo cáo mới nhất của Vietnam Airlines, 7 tháng đầu năm 2022 hãng đã khai thác vượt kế hoạch 10,3%, mảng vận tải hành khách đạt 26.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 nhu cầu du lịch của du khách tăng cao, nhất là trong giai đoạn cao điểm hè, lượt hành khách vận chuyển/ngày tăng đáng kể cụ thể tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 9,7% so với kế hoạch hãng đề ra.

Với dấu hiệu khởi sắc, hãng đã ngay lập tức quyết định chi 42 tỷ đồng trích từ quỹ khen thưởng để thưởng nóng cho nhân viên nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc từ phía ban lãnh đạo tới tập thể người lao động. Và khích lệ tinh thần của toàn bộ nhân viên tiếp tục cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm. Thông điệp này của hãng hàng không quốc gia gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi tình hình kinh doanh của hãng gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, Vietnam Airlines tiếp tục bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục khi thua lỗ 10 quý liên tiếp. Trong đó, các khoản nợ quá hạn đã lên tới con số 14.850 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia âm gần 5.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, mặc dù còn nhiều khó khăn bủa vây, hãng hàng không quốc gia vẫn quyết định chi số tiền lớn khen thưởng cho nhân viên nhằm thể hiện sự quan tâm sâu sắc của hãng đến toàn thể nhân viên. Như vậy, hãng hàng không quốc gia đã 4 lần bổ sung thu nhập cho người lao động từ quỹ tiền lương, lần thứ 5 này là trích từ quỹ khen thưởng của tổng công ty.

Thế nhưng Vietnam Airlines tiếp tục bị phía Công ty kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của hãng, theo đơn vị kiểm toán này cho biết khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ phía Chính Phủ, hay việc được gia hạn các khoản thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê. Cùng với khoản nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 36.400 tỷ đồng, điều này cho thấy phía Deloitte nghi ngờ với lý do chính đáng. 

Trong nửa đầu năm nay, hãng ghi nhận doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ, tuy nhiên hãng vẫn lỗ 5.237 tỷ đồng. Với việc lỗ hàng nghìn tỷ đồng trong quý II năm nay, Vietnam Airlines chính thức đánh dấu quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp. Trong khi đó hãng hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận doanh thu đạt mức 15.934,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế đạt mức 145 tỷ đồng, tăng lần lượt là 111% và 19% so với cùng kỳ năm 2021.

vna-1662487202.png

 

Biểu đồ: Văn Hưng

Đáng chú ý, 2020 là năm thu nhập của nhân viên của Vietnam Airlines chỉ bằng 60% so với mức ở năm 2019. Khi thị trường dần ổn định như hiện tại, hãng cũng chỉ hứa hẹn con số này tăng vỏn vẹn 5% tức 65% so với thu nhập năm 2019.

Với tình hình khó khăn như hiện tại, hãng hàng không quốc gia cũng tìm kiếm các nguồn thu khác từ thanh lý tàu bay, động cơ tàu bay, hủy đàm phán nhận tàu bay mới hay nguồn thu từ các khoản đầu tư tài chính.

Hơn nữa, ban lãnh đạo của Vietnam Airlines thường xuyên triển khai các giải pháp để đối phó với tình hình khó khăn như hiện tại. Thời gian trả nợ có thể kéo dài đến 2024 do hãng đã ký hợp đồng vay và được giải ngân 4000 tỷ đồng. Hãng cũng đang tích cực đàm phán với ngân hàng để có thêm hạn mức tín dụng phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh.