Vietnam Airlines đi trước các đồng nghiệp khác 1 bước

Mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ là ước mơ của nhiều hãng hàng không Việt Nam, nhưng nó lại không dễ thực hiện.

Ngay từ những năm 2000, Vietnam Airlines đã thành lập văn phòng đại diện tại San Francisco nhằm xây dựng hệ thống bán và tiếp cận các nguồn khách hàng. Ở giai đoạn này, Hãng cũng bắt đầu hợp tác liên danh với một số hãng hàng không nội địa Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines... để thăm dò và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.

Sau đó, Vietnam Airlines còn chịu sự đánh giá của 9 cơ quan tại Mỹ gồm: Cơ quan đăng ký kinh doanh tại bang dự kiến khai thác, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ (DOT), Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA), Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), Cơ quan Quản lý thuế và thu nhập nội địa (IRS), Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ kiểm tra sức khỏe động vật và thực vật Mỹ(APHIS), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTBS) và nhà chức trách sân bay San Francisco.

Năm 2019, Vietnam Airlines là hãng hàng không Việt đầu tiên được cấp phép bay thương mại tới Mỹ và cấp slot (lượt cất, hạ cánh) cho các chuyến bay thẳng thường lệ.

Đồng thời, họ cũng là hãng đầu tiên được cấp phép bay khai thác các chuyến bay thuê chuyến quốc tế đặc biệt giữa hai nước, lần thứ nhất vào tháng 4/2020 và lần thứ hai vào tháng 6/2021, với mỗi lần được phép khai thác tối đa 12 chuyến bay trong vòng 1 năm.

Mới đây, tại diễn đàn "Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Mỹ trong hoàn cảnh mới" ngày 16/11, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết: hãng hàng không quốc gia này đã nhận chứng chỉ bay thẳng thường lệ đến Mỹ từ cấp có thẩm quyền.

le-hong-ha-1637075455.jpg
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines

Theo đó, trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay nối TP.HCM - San Francisco với tần suất 2 chuyến mỗi tuần. Khi dịch bệnh được kiểm soát và các đường bay quốc tế được khai thác trở lại, hãng sẽ nâng tần suất các chuyến bay thẳng thương mại tới Mỹ lên 7 chuyến một tuần.

Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, chuyến bay đầu tiên chiều đi sẽ khởi hành từ TP.HCM vào tối 28/11; chuyến bay chiều về xuất phát từ San Francisco vào đêm 29/11 (theo giờ địa phương) và hạ cánh tại TP.HCM vào sáng 1/12. Các chuyến này sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết thêm: sau San Francisco, hãng đang nghiên cứu, khảo sát và đánh giá đường bay các điểm bay khác tới Mỹ như từ Hà Nội, TP.HCM tới Los Angeles hoặc Houston.

Mỹ là thị trường vận tải hàng không có quy mô lớn và tiềm năng song cũng là thị trường cạnh tranh bậc nhất thế giới. Hiện có khoảng 20 hãng hàng không khai thác đường bay Việt Nam - Mỹ. Các thủ tục để chuẩn bị khai thác đường bay thẳng tới Mỹ rất khắt khe.

"Chúng tôi phải chuẩn bị hàng trăm kg giấy tờ liên quan để đáp ứng toàn bộ yêu cầu về bảo đảm an ninh để khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ", ông Hà miêu tả.

Phần mình, với việc Bamboo Airway vừa nộp hồ sơ xin phép bay thường lệ tại Bộ Giao thông Mỹ vào ngày 1/6 và được cấp slot bay đến sân bay Los Angeles và San Francisco bắt đầu từ  ngày 1/9/2021; thì còn lâu họ mới được cấp phép bay thường lệ chính thức như đàn anh. Từ khi cấp slot cho tới khi được bay thường xuyên, Vietnam Airlines đã mất 2 năm.

Vietnam Airlines phải chuẩn bị tâm thế gồng lỗ trong khoảng 5 đến 10 năm

Vui là thế, song Vietnam Airlines phải chuẩn bị tâm thế gồng lỗ trong khoảng 5 đến 10 năm.

Trước đây, khi được các phóng viên hỏi vì sao chưa mở đường bay thẳng đến Mỹ, ông Dương Trí Thành - nguyên Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhận định: “Hỏi vì sao Vietnam Airlines chưa bay đến Mỹ, cũng cần hỏi tại sao các hãng hàng không Mỹ có thể bay đến Việt Nam rồi mà họ không bay?

United Airlines đã bay đến TP.HCM từ năm 2007, sau 5 năm đã chấm dứt đường bay. Delta Airlines cũng đã bay tới TP. HCM và cũng phải đóng đường bay rất nhanh sau đó”.

Lúc đó, theo ông Dương Trí Thành, Mỹ không phải là một thị trường tiềm năng về lợi nhuận. Vietnam Airlines đã từng công bố tính toán của hãng này trên đường bay Việt - Mỹ. Theo đó, trong giai đoạn 2005-2006, nếu hãng này bay đến Mỹ bằng Boeing 777-200, mỗi năm Vietnam Airlines có thể lỗ khoảng 100 triệu USD.

Vài năm sau, khi đưa vào khai thác 2 dòng máy bay siêu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu là A350-900 và B787-9, mức lỗ có thể giảm xuống thấp nhất là 5 triệu USD và cao nhất khoảng 30 triệu USD/năm trong thời gian đầu khai thác.

boeing-787-9-dreamliner-1637075455.jpg
Sau khi đưa vào khai thác dòng máy bay thân rộng B787-9, Vietnam Airlines có thể giảm khoảng lỗ của mình xuống khi bay thẳng Việt - Mỹ.

Rất nhiều chuyên gia kỳ cựu về hàng không cũng khẳng định: khai thác đường bay thẳng Việt - Mỹ không hề dễ và Mỹ không thực sự là một thị trường tiềm năng. Cần phải 5-10 năm, các hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Đó có thể là nguyên do khiến Vietjet Air không thèm tham gia cuộc chơi này, dù quy mô của họ hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Trả lời báo giới về tính kinh tế của đường bay thẳng Việt – Mỹ, ông Lê Hồng Hà cũng né tránh nói về doanh thu hay lời lỗ. Vị Tổng Giám đốc đương nhiệm của Vietnam Airlines cho hay: với một hãng hàng không, việc cân đối thu chi không đánh giá trên từng đường bay cụ thể mà trên toàn mạng lưới và một đường bay hỗ trợ thế nào với các đường bay khác.

Quy mô và khả năng mở rộng đường bay của các hãng hàng không quyết định năng lực cạnh tranh của các hãng. Việc khai thác đường bay đến Mỹ cũng nằm trong cân đối chung của Vietnam Airlines, đặc biệt là thời điểm hiện tại khi bất cứ nơi nào và thị trường có cơ hội, các hãng hàng không sẽ tổ chức lại hoạt động khai thác và sử dụng nguồn lực hiện có để đạt hiệu quả tốt nhất.

"Việc khai thác đường bay Mỹ tần suất 2 chuyến/tuần giúp Vietnam Airlines có thể sử dụng được thêm 2 máy bay thân rộng để đưa vào khai thác, qua đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm của tiếp viên, phi công, kỹ sư máy bay…

Dần dần khi thị trường phục hồi, mở thêm nhiều đường bay nữa, đường bay sẽ tiếp tục có thêm đóng góp hiệu quả lớn hơn và rộng hơn cho Vietnam Airlines", ông Lê Hồng Hà bày tỏ.