vna-16415779-1636103392.jpeg
Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 27/10 HoSE đã công bố quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam Vietnam Airlines (Mã CK: HVN) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 3/11 và chỉ được giao dịch vào buổi chiều hàng ngày. Lý do được đưa ra là vì Vietnam Airlines lỗ ròng 8.458 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 là 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp.

Giải thích về nguyên nhân cổ phiếu HVN được trở lại giao dịch bình thường, HoSE cho biết trường hợp trên của Vietnam Airlines thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định của pháp luật. Theo đó, cổ phiếu HVN sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 23 của Quy chế nói trên nêu rõ: "Chứng khoán bị kiểm soát sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch cho đến khi tổ chức niêm yết thực hiện công bố thông tin và/hoặc giải trình đầy đủ theo yêu cầu của HoSE. Căn cứ trên giải trình của tổ chức niêm yết, HoSE sẽ xem xét cho chứng khoán niêm yết được giao dịch toàn thời gian trở lại. Thời gian hạn chế giao dịch đối với chứng khoán bị kiểm soát tối thiểu là hai ngày giao dịch".

Như vậy, sau hai ngày 3/11 và 4/11 chỉ được giao dịch phiên chiều, HVN đã được giao dịch cả ngày kể từ 5/11/2021.

Được biết, vào cuối tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã tuyên bố “thoát” âm vốn chủ sở hữu sau khi phát hành xong 796,1 triệu cổ phiếu cho 27.627 cổ đông. Tổng số tiền thu được hơn 7.961 tỷ đồng, bổ sung đáng kể nguồn vốn và dòng tiền của hãng bay này. 

Bên cạnh đó, HVN cũng được vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng SeABank, MSB và SHB với lãi suất ưu đãi. 

Trước đó, Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính bán niên sau kiếm toán với mức lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 8.458 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và tăng hơn 3.300 so với số lỗ 5.263 tỷ của nửa đầu năm ngoái. Lỗ lũy kế đến cuối tháng 6 là 17.808 tỷ, tương ứng vốn chủ sở hữu âm 2.787 tỷ.

Theo Deloitte, bên cạnh tình trạng âm vốn chủ và lỗ lũy kế, việc nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34.664 tỷ đồng, trong khi ngày cuối năm ngoái chỉ vượt 24.456 tỷ. Các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ, cao gấp 2,2 lần 6 tháng trước đó. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.