Đầu tháng 6, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG đã gửi đề xuất lên các bộ ngành có liên quan, nhằm xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Dự án sẽ do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư và doanh nghiệp mới này cũng là thành viên của IPPG. IPP Air Cargo sẽ là hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.

IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của doanh nghiệp là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn).

Dự án kinh doanh mới này IPPG của có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng, vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, mang về 71 triệu USD doanh thu. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng sẽ bắt đầu có lãi từ năm thứ 4.

Nếu đề xuất này của IPPG được Chính phủ chấp thuận, thì IPP Air Cargo có thể trở thành hãng hàng chở hàng thuần túy đầu tiên của Việt Nam.

Tôi thực sự quyết tâm khi thấy cước tàu biển tăng phi mã, có chặng tăng gấp 5 lần (theo dữ liệu của Drewry Shipping) tại thời điểm đỉnh dịch. Còn đường hàng không, chúng tôi đã phải trả cước vận chuyển tăng gấp 3 lần cho hàng hóa đi từ châu Âu về Việt Nam.

Nhu cầu vận tải càng cao, thì giá cước ngày càng tăng, trong khi 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Các hãng vận chuyển nước ngoài đang khống chế giá vì gần như họ một mình một chợ, đâu có ai cạnh tranh. Nếu tôi không làm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn sẽ bị tắc nghẽn, giá cả bất ổn làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn.

hanh-nguyen-1626251813.jpg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐQT IPP. Ảnh: Xuân Ngọc

Hiện tại, Việt Nam chưa có hãng bay chuyên biệt chở hàng hoá. Gần đây, các hãng hàng không trong nước cũng tăng chở hàng hóa bằng máy bay chở khách, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy cho tình trạng dư thừa máy bay hiện nay mà thôi .

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang điêu đứng, nếu không mở hãng bay sớm sẽ không giải phóng được nông, thuỷ, hải sản... khi giá vận chuyển "trên trời". Doanh nghiệp chấp nhận giá cao nhưng có lúc vẫn phải xếp hàng chờ chuyến vì máy bay không đủ slot. Khách hàng nước ngoài như châu Âu, Mỹ... muốn mua đồ tươi với giá cao hơn, nhưng đi tàu biển gần một tháng không thể đáp ứng được. Trong khi đó, vận chuyển bằng máy bay chỉ mất hơn 10 tiếng.

Vì vậy, tôi mới nghĩ, mình chỉ ngồi yên, bán hàng hiệu để có tiền thôi thì không được. Dù mùa dịch hàng hiệu bán rất tốt, khách không thể đi nước ngoài, nên chúng tôi nhập mẫu mới về là khách đến, doanh số vẫn tăng 84%”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với VnExpress lý do ra đời dự án IPP Air Cargo trong thời điểm này.

Mặc dù IPP và ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã tìm nhiều cách thể hiện sự tâm huyết của mình với dự án mới, song họ vẫn không được như ý.

Ngày 13/7, trả lời Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương dầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, Cục hàng không cho biết: theo quy định tại nghị định số 89/2019/NĐ-CP về kinh doanh hàng không, Thủ tướng có thẩm quyền xem xét, cho phép (hoặc không cho phép) Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho người đề nghị cấp giấy phép.

Tuy nhiên, Cục Hàng không dẫn công văn số 5833/VPCP-CN ngày 17/7/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng không mới trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Bộ GTVT về việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022”. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn này.

Ngày 14/7, thật tình cờ và thật bất ngờ, tại phiên họp thường niên vào buổi sáng, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, họ đang có định lập một hãng máy bay chuyên chở hàng hóa.

dang-ngoc-hoa-1626251927.jpg
Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Vietnam Airlines

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa của Vietnam Airlines cho hay: Suốt giai đoạn đại dịch vừa qua, Vietnam Airlines đã chuyển đổi cấu hình 7 máy bay chở khách thành chở hàng, gồm 5 tàu thân rộng A350 và 2 tàu thân hẹp A321. Trong tháng 6/2021, doanh thu chở hàng (thông thường chỉ chiếm 10%) đã vượt cả doanh thu chở khách. Đây là tiền đề cho Vietnam Airlines nghiên cứu lập một hãng bay chuyên chở hàng hoá sau dịch bệnh.

Còn theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines - Lê Hồng Hà, doanh nghiệp này cũng từng tính đến việc lập hãng bay chuyên chở hàng hóa từ lâu: "Tuy nhiên, thực tế 5 năm gần đây cho thấy, hãng bay chở hàng cần đảm bảo về quy mô để khai thác được tất cả nguồn hàng, như Korean Air, China Airlines…; tức phải có mạng lưới đường bay, đội bay chở hàng đủ lớn. Nên những thời điểm trước đây, chúng tôi đánh giá việc lập hãng bay vận tải hàng hóa chưa mang liệu hiệu quả".

Nhưng, hai năm gần đây, mảng vận chuyển hàng hóa đã mang lại hiệu quả quan trọng cho việc kinh doanh của Vietnam Airlines, nhất là từ khi dịch bệnh bùng phát và nhất là trong vài tháng gần đây khi không vận chuyển hành khách.

Theo báo cáo Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Chính phủ, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa các hãng hàng không giai đoạn Việt Nam trong dịch một năm qua đều tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch.

Nếu Vietnam Airlines thành công thành lập một thương hiệu trực thuộc chuyên vận chuyển hàng hóa, chắc chắn cơ hội ra đời của IPP Air Cargo càng hẹp. May mắn hơn, nếu IPP Air Cargo suôn sẻ được cấp phép trong năm 2022, ‘đứa con’ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn ngay lập tức sẽ có một đối thủ trực tiếp cực mạnh là Vietnam Airlines.