a350-1-tdsn-1623910981.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Niên)

Trong báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021,Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến số lỗ 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vận tải hàng không giảm mạnh từ 34,5% - 65,9% so với năm 2019; doanh thu dịch vụ vận tải hàng không năm 2020 sụt giảm trung bình trên 61% so với 2019.

Nguy hiểm hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết đã khiến doanh thu của ngành hàng không đã giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát). Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.

Hiện tại số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn.

"Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy đến hết tháng 3, nợ phải trả củaVietnam Airlines đã lên tới 59.550 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối năm 2020.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giảm hơn 5.000 tỷ xuống chỉ còn 1.030 tỷ đồng, tương ứng giảm 83%. Đây là hệ quả từ việc phải hạch toán khoản lỗ lên tới gần 14.219 tỷ đồng.

Vốn chủ giảm nhanh trong khi nợ phải trả tiếp tục gia tăng kéo tỷ lệ Nợ/Tài sản của Vietnam Airlines tăng vọt từ mức 90,3% hồi đầu năm lên 98,3%. Tức cứ 100 đồng vốn của hãng hàng không này thì có tới hơn 98 đồng đi vay, mức đòn bẩy tài chính cực kỳ cao đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Về cấu trúc nợ của Vietnam Airlines, nợ vay và thuê tài chính là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39.461 tỷ đồng (tương đương 66,3% tổng nợ). Trong đó, nợ vay là hơn 17.900 tỷ đồng, tăng 820 tỷ so với cuối năm 2020; nợ thuê tài chính 21.556 tỷ đồng, tăng 290 tỷ.

Vietnam Airlines không thuyết minh chi tiết các khoản nợ vay vào cuối quý I nhưng đến cuối năm ngoái hãng hàng không này ghi nhận khoản vay ngắn hạn gần 6.800 tỷ đồng tại 8 ngân hàng trong nước và không có tài sản đảm bảo.

Cụ thể, Vietcombank cho vay ngắn hạn nhiều nhất với hơn 2.700 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cuối năm 2019; BIDV đứng kế sau với 1.111 tỷ đồng; VietinBank và Techcombank cho vay lần lượt 952 tỷ và 850 tỷ; các ngân hàng còn lại gồm SeABank, MSB, MB và BangkokBank với dư nợ cho vay dao động trong khoảng 110 – 460 tỷ đồng.

z2557852287893-8abb88ac69a3cbd32d67ab4290829ea1-1623910218.jpg
Vay ngắn hạn các ngân hàng trong nước của HVN vào cuối năm 2020. (Nguồn: BCTC 2020)

Ngoài các khoản vay ngắn hạn, Vietnam Airlines cũng có gần 9.000 tỷ đồng vay dài hạn từ các ngân hàng. Trong đó, Vietcombank tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất với khoản cho vay dài hạn 4.841 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng vay dài hạn của hãng hàng không này.

Như vậy, tổng giá trị cả khoản vay ngắn hạn và dài hạn mà Vietcombank đã cấp cho Vietnam Airlines vào cuối năm 2020 là hơn 7.544 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nợ vay.

Được biết, Vietcombank là cổ đông lớn thứ 3 của Vietnam Airlines chỉ sau Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (nắm giữ 86,16% vốn điều lệ) và ANA Holdings Inc với tỷ lệ sở hữu khoảng 1,044% vốn điều lệ.

Chỉ đứng sau Vietcombank, tính đến cuối năm 2020, BIDV đã tài trợ hơn 1.500 tỷ vốn dài hạn cho Vietnam Airlines. Cùng với 1.111 tỷ vay ngắn hạn, tổng dư nợ cho vay của BIDV tại Vietnam Airlines là hơn 2.611 tỷ đồng.

Ngoài hai ''ông lớn'' trên, một loạt các ngân hàng khác cũng cho Vietnam Airlines vay dài hạn hàng trăm tỷ như Eximbank (832 tỷ), MB (501 tỷ), VietinBank (427 tỷ), Ngân hàng liên doanh Việt Nga (303 tỷ), Ngân hàng Indovina (254 tỷ), VIB (171 tỷ),…..

z2557547791075-a68b1b7082809900589b385e6b689733-1623910297.jpg
Vay dài hạn của HVN vào cuối năm 2020. (Nguồn: BCTC 2020)


Bên cạnh đó, vào cuối năm trước, Vietnam Airlines có 1.394 tỷ đồng nợ dài hạn phải trả trong vòng 12 tháng. Cùng với số nợ ngắn hạn gần 6.800 tỷ đồng, năm 2021, doanh nghiệp này phải đối mặt với khoản thanh toán cho các ngân hàng trong nước lên tới 8.188 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong năm nay, Vietnam Airlines cũng phải trả hơn 3.000 tỷ nợ gốc theo các hợp đồng thuê tài chính trên tổng số 18.261 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2020. Qua đó, đưa tổng số tiền nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn phải trả lên gần 11.194 tỷ. Và đến cuối quý I/2021, con số này đã tăng lên mức 12.694 tỷ đồng.

z2557852971464-9f828e91bc013c37f17712e9b6c8f1e8-1623910449.jpg
(Nguồn: BCTC quý I/2021)

Ở phía ngược lại, tổng tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines đến cuối quý I/2021 chỉ ở mức 7.863 tỷ đồng. Trong đó, bộ phận tài sản có tính thanh khoản cao nhất là tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ xấp xỉ 2.077 tỷ.

Trước tình trạng khó khăn của Vietnam Airlines, vào cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp này vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines được tái cấp vốn là các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, áp dụng với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.