Vietnam Airline dự kiến lỗ thêm 14.526 tỷ đồng
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2021.
Năm 2021, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, giảm gần 12% so với mức thực hiện năm ngoái, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng 30% so với mức kỷ lục 11.178 tỷ của năm 2020.
Các mục tiêu kinh doanh nói trên được Vietnam Airlines đặt ra dựa trên các giả định:
1. Hoàn thành kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008.
2. Cải thiện doanh thu trung bình trên các chuyến bay nội địa, khai thác chuyến bay hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện.
3. Chính phủ cho phép mở cửa cho khách du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin.
4. Hoàn thành mục tiêu đàm phán đối tác thuê mua tàu bay, cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng tàu bay, động cơ, các giải pháp cắt giảm chi phí tự thân năm 2021 dự kiến sẽ giúp tiết kiệm khoảng 6.800 tỷ đồng.
5. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ về chi phí cất hạ cánh, điều hành bay, thuế bảo vệ môi trường, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo đề xuất, các loại thuế, phí khác.
6. Hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Lý giải về kế hoạch kinh doanh trên, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, từ đầu năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm với mức lỗ công ty mẹ ước khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Ngay từ đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã xác định đây sẽ là năm vô cùng khó khăn do hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục khủng hoảng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, đồng thời tình hình tài chính của tổng công ty đã bị suy yếu sau những ảnh hưởng của năm 2020.
Công ty đã chủ động có sự chuẩn bị, đánh giá, xây dựng nhiều phương án kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh tương ứng với các kịch bản thị trường và diễn biến dịch bệnh khác nhau, quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, cắt giảm chi phí, bổ sung nguồn thu, tăng cường việc dự báo, theo dõi, quản lý chặt chẽ dòng tiền để duy trì thanh khoản và khả năng hoạt động liên tục, tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước.
Bên cạnh việc đàm phán với các đối tác lớn như lĩnh vực thuê tàu bay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu cắt giảm chi phí cho các hoạt động quảng cáo, XTTM, thay đổi tiêu chuẩn phục vụ hành khách, tiết kiệm các khoản chi ĐBHD không cần thiết...
Tổng các giải pháp tự thân của doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí dự kiến năm 2021 đạt khoảng 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, do năng lực sản xuất vẫn được sử dụng ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, tình hình tài chính của Vietnam Airlines cả năm 2021 dự kiến gặp nhiều khó khăn: kinh doanh thua lỗ vẫn ở mức cao; dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt.
Đứng bên bờ vực phá sản, bị hủy niêm yết
Trong quý I, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ kỷ lục gần 5.000 tỷ đồng với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt hơn 7.500 tỷ đồng, giảm 8,8% so với quý trước đó và giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến 31/3, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, vốn chủ sở hữu, giảm hơn 5.000 tỷ đồng, chỉ còn 1.030 tỷ.
Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 14.218 tỷ đồng - đã lớn hơn khoản vốn điều lệ 14.187 tỷ đồng của hãng. Nếu không khắc phục được tình trạng này, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ nguy cơ bị huỷ niêm yết. Trước đó, mã này cũng đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ 15/4.
Trong phiên đại hội bất thường cuối năm ngoái, cổ đông Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng, thực hiện dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay.
Vietnam Airlines cho biết sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng này để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Hãng cam kết "tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh".
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng được phép kêu gọi cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản tối đa 4.000 tỷ đồng trong 3 năm, với lãi suất ưu đãi như khoản vay từ nguồn tái cấp vốn theo quy định của Chính phủ trong năm 2021 và 2022.
Vào cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp này vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Sang đầu tháng 7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.