viec-hoc-cung-phai-hoc-1725980236.jpg
 

HAM MUỐN HỌC

Một người chỉ có thể tiến bộ thực sự, giỏi nghề thực sự khi anh ta thực sự ham hiểu biết. Ham hiểu là động cơ cho các hình thức học. Học từ sách, học từ thầy, học từ bạn, học từ làm và tự học. Mình cực kỳ tâm đắc khi đọc mấy dòng mô tả về hình mẫu The Sage: Nhà Thông thái khát khao không giới hạn về sự hiểu biết, anh ta sẽ tự cảm thấy ngu dốt (ignorance) khi dừng khám phá về tri thức.

CÁCH HỌC

Việc học để hiệu quả, không chỉ ham muốn, đó còn là cách học. Bao gồm các bước sau.

Collection -Thu nạp

Tìm hiểu, đọc, lắng nghe những kiến thức liên quan lĩnh vực mình làm. Thời đại bây giờ kiến thức cập nhật, thay đổi nhiều. Đây là giai đoạn tìm hiểu rộng để lọc dần.

Digestion - Tiêu hoá

Bắt đầu đưa vào ứng dụng và thử thách tính hiệu quả của kiến thức thu nạp. Kiến thức sách vở, chia sẻ của người khác, dù hay đến mấy sẽ mãi không phải là của ta. Trừ khi ta dành thời gian đủ dài để kiểm nghiệm nó. Như cơ thể con người, khi đưa thức ăn vô cần thời gian để tiêu hoá, để biết nó tác động như thế nào để phát triển cơ bắp, trí não. Đây là giai đoạn để kiểm nghiệm sách ta đọc, lời nói ta nghe có phù hợp với ta hay không. Muốn học tốt (learn), chúng ta cần quá trình loại bỏ (unlearn) song song.

Clarification - Sàng lọc

Đối với mình, kể cả sách kinh điển, nhân vật nổi tiếng, mình cũng không có thói quen thần thánh hoá. Tri thức chất lượng vô cùng tuyệt vời. Nhưng cần khách quan với tri thức thay vì lĩnh hội một chiều. Mọi lý thuyết dù xuất sắc mấy cũng chỉ để tham khảo và tính ứng dụng rất khác nhau theo ngữ cảnh từng người, từng doanh nghiệp cụ thể. Tất cả các lĩnh vực liên quan công việc mình làm (như quản trị thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp hay quản trị chiến lược nói chung) mình đều chỉ giữ lại rất ít những cuốn sách, một vài học giả xuất sắc và phù hợp. Những đầu sách này rất quý giá về hàm lượng học thuật sâu và tính thực tiễn đáng để tham khảo thường xuyên.

Việc học, đến vòng này thực sự mang lại sự chuyển hoá khác hẳn hai giai đoạn đầu. Điều này đến tự sự tập trung chuyên tâm. Trước đến giờ mình có thói quen chỉ mài dũa những lĩnh vực minh yêu thích và mình làm nghề hàng ngày. Mình không phải người thông minh, trí tuệ mình có hạn nên không có cách nào khác ngoài chuyên tâm. Thời gian cũng hữu hạn nữa nên lan man la cà cuối cùng gì cũng chấm chút rút cuộc chả biết gì cho đến nơi đến chốn. Đọc để biết thì không sao, nhưng để làm hiệu quả lan man khó lắm.

Sau này đọc về chủ nghĩa Khắc kỳ, mình mới biết đây cũng là cách các nhà Stoic đi theo: "Hãy cẩn thận về việc đọc quá đa dạng thể loại sách lẫn tác giả. Đó cũng có thể là biểu hiện của trạng thái dễ thay đổi và thất thường. Nếu muốn tiếp nhận được những lợi ích bền vững của việc đọc, bạn cần phải tập trung vào một số tác giả mà thôi. Người có mặt ở mọi nơi thì thực ra lại chẳng ở đâu cả. Những ai thường xuyên xê dịch nhận thấy họ có rất nhiều nơi chốn để ở, nhưng không có những tình bạn sâu sắc và đáng trọng. Điều tương tự cũng xảy đến với những độc giả không thể tạo dựng mối liên kết chặt chẽ với một vài tác giả.” (Daily Stoic)

Quan điểm này hay về nguyên lý tập trung, biết sâu thay vì lan man. Rất hợp với quan điểm của mình. Tuy nhiên cũng tuỳ giai đoạn để khi cần sâu, khi nào vẫn cần "lang thang" để dò tìm chân ái. Thế nên, một lần nữa tri thức đúng hay rất đúng cũng chỉ mang tính tương đối.

Việc học, cũng phải học.

www.facebook.com/ducson71/posts/