Một vụ kiện gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi một phụ nữ phải chi trả gần bằng giá trị chiếc ô tô điện để thay pin, nhưng lại bị cả cửa hàng và công ty bảo hiểm từ chối bồi thường. Tòa án gần đây đã đưa ra kết luận khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Vào tháng 9/2021, chị Trần - một phụ nữ sống tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốcđã mua một chiếc ô tô điện trị giá 120.000 NDT (khoảng 416 triệu đồng). Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, trong một lần bảo dưỡng xe, chị nhận được cuộc gọi từ một tiệm sửa xe thông báo rằng pin của xe có vấn đề. Dù không có bất kỳ cảnh báo nào từ hệ thống xe, chị Trần vẫn không tiến hành sửa chữa ngay.

Đến đầu tháng 9/2023, chị Trần mới đưa xe tới cửa hàng 4S – nơi cung cấp dịch vụ bán xe, sửa chữa và bảo dưỡng. Tại đây, nhân viên kiểm tra và thông báo rằng mọi thứ vẫn bình thường. Nhưng chỉ một ngày sau, khi đang di chuyển trên đường, chiếc xe của chị bất ngờ bị hỏng. Cửa hàng 4S sau đó phát hiện pin xe đã bị hỏng và báo giá thay pin lên tới 100.000 NDT (khoảng 345 triệu đồng), một số tiền gần tương đương với giá mua xe mới.

Chị Trần cho rằng mình đã làm đúng khi đưa xe đến kiểm tra và yêu cầu bồi thường từ cửa hàng, nhưng phía cửa hàng không nhận trách nhiệm, cho rằng xe của chị khi kiểm tra không có vấn đề gì. Cảm thấy bế tắc, chị Trần quyết định yêu cầu công ty bảo hiểm hỗ trợ bồi thường chi phí sửa chữa, hy vọng rằng bảo hiểm sẽ giúp đỡ, vì chị đã mua bảo hiểm xe từ 2 năm trước. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm đã từ chối bồi thường, lý do là vì chị không kịp thời sửa chữa pin sau khi được cảnh báo về vấn đề từ nhân viên chăm sóc khách hàng.

Quá thất vọng với sự từ chối của bảo hiểm và cửa hàng 4S, chị Trần quyết định khởi kiện cả hai bên ra tòa. Chị cho rằng việc một chiếc xe trị giá 120.000 NDT chỉ sau gần 2 năm đã gặp sự cố nghiêm trọng như vậy là không thể chấp nhận, đặc biệt khi chị phải bỏ ra số tiền 100.000 NDT để thay pin.

Tòa án thành phố Trùng Khánh sau khi xem xét vụ việc đã nhận định rằng, về mặt pháp lý, nếu cửa hàng 4S đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm tra, bảo dưỡng xe, thì không thể kết luận cửa hàng này có lỗi. Tòa cho rằng, nếu chị Trần muốn kiện cửa hàng, cô phải cung cấp thêm bằng chứng chứng minh lỗi của cửa hàng.

Về phía công ty bảo hiểm, theo luật bảo hiểm Trung Quốc, nếu người mua bảo hiểm không thông báo kịp thời về sự cố hoặc cố tình không báo, gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại, thì công ty bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường. Do đó, tòa khẳng định quyết định từ chối bồi thường của công ty bảo hiểm là đúng quy trình.

Tuy nhiên, tòa cũng lưu ý rằng nếu công ty bảo hiểm không thể chứng minh chị Trần đã cố tình gây ra tổn thất, thì không thể quy lỗi cho chị. Bởi vì cửa hàng 4S đã xác nhận rằng xe không có vấn đề gì, chị Trần không có lý do nào để phải thông báo cho bảo hiểm.

Cuối cùng, tòa án đề nghị ba bên hòa giải để tránh kéo dài tranh chấp và tốn thêm thời gian, chi phí. Trong khi đó, cửa hàng 4S và công ty bảo hiểm đã đồng ý hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa cho chị Trần.