Không có mô tả ảnh.

1, Kiến thức nhanh là gì?

Thức ăn nhanh là một loại đồ ăn tiện lợi, chế biến công nghiệp, có thể ngon nhưng không hề bổ dưỡng và mang lại nhiều nguy cơ bệnh tật cho cơ thể. Tương tự, có một loại kiến thức nhanh cũng gây hiểm họa không kém cho con người nhưng lại ít bị để ý.

Đó là những thông tin được sản xuất công nghiệp, nghe rất thích thú và hấp dẫn, nhưng hoàn toàn không có giá trị cho người đọc, nghe có vẻ rất thuyết phục nhưng hoàn toàn là ngụy khoa học.

Nó cũng giống như là thức ăn nhanh, rất tiện lợi, làm cho con người hưng phấn và thích thú, thỏa mãn nhu cầu về thông tin nhưng lại hại cho bộ não của con người về lâu về dài. Những cậu chuyện về con sói đầu đàn đi rẽ tuyết, đại bàng tự vặt lông và móng để hồi sinh...đều là những kiến thức “nhanh”.

2, Kiến thức nhanh từ đâu mà có?

Nó bắt đầu từ sự vô tình hoặc là cố ý của một số người. Chắc hẳn các bạn đều từng nghe về nguyên lý “bán cầu não trái dùng để phân tích logic, bán cầu não phải dùng cho nghệ thuật sáng tạo”.

Đây là một kiến thức hoàn toàn sai lầm. Nó bắt nguồn từ thí nghiệm của Michael Gazzaniga và Roger Sperry vào thập niên 1960. Hai nhà khoa học nghiên cứu các bệnh nhân bị cắt mất đi đường liên kết giữa hai phần não bộ để giảm thiểu chứng co giật động kinh.

Nhà thần kinh học đã ghi chép lại có sự khác biệt giữa hai bán cầu não. Báo chí vội lấy ý tưởng này và chạy theo nó khiến cho quan niệm não trái, não phải trở nên nổi tiếng và tồn tại suốt nhiều năm. Người đời tiếp tục “thêm mắm, thêm muối” cho rằng não phải là chỗ của tính sáng tạo và tự do, đối nghịch với phần não trái mang “tính logic” và “phân tích”.

Vì nó bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học nên nghe càng thuyết phục và khiến nhiều người tin. Tuy nhiên các thí nghiệm khoa học năm 2013 đã phủ nhận lý thuyết này khi scan não MRI hàng ngàn người khi làm các tác vụ khác nhau. Kết quả chỉ ra không thấy sự phân biệt, thiên lệch rõ ràng giữa hai não.

Tất nhiên, còn có những kiến thức được lan truyền một cách cố ý để phục vụ mục đích riêng như câu chuyện “carot giúp sáng mắt”. Câu chuyện diễn ra vào những năm 1940, trong chiến tranh thế giới thứ hai khi nước Anh gặp nguy cơ về vấn đề lương thực.

Chính phủ Anh muốn khuyến khích người dân ăn rau củ để chống đói, trong đó có củ cà rốt. Tuy nhiên làm thế nào để có thể tiêu thụ một loại củ ăn rất ngán? Chính phủ Anh đã “nói quá một chút” về công dụng của củ cà rốt làm cho mắt sáng như đèn pha.

Đúng là vitamin A trong cà rốt tốt cho thị lực, nhưng không hề tốt đến vậy so với nhiều loại rau củ khác. Hơn nữa, đây là một lý do hợp lý cho việc phi công Anh có thể bắn hạ nhiều máy bay của Đức trong đêm tối để che giấu bí mật thực sự về công nghệ radar của Anh lúc bấy giờ.

3, Tác hại

Với nhịp sống nhanh và phụ thuộc nhiều vào công nghệ, khả năng tập trung của con người càng ngày càng giảm. Sự lên ngôi của Tiktok cũng minh chứng phần nào điều này khi các nội dung trên Tiktok đều rất ngắn (15s-60s) để có thể duy trì sự tập trung của con người.

Những kiến thức nhanh này gây hại khi thỏa mãn con người về nhu cầu kiến thức chỉ trong một thời gian ngắn. Bạn chỉ đọc một cuốn sách hay bỏ ra vài tiếng đồng hồ là dường như đã trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực.

Những câu trả lời mà bạn tìm kiếm đều rất dễ hiểu, thuyết phục lại không tốn nhiều sức lực mặc dù nó sẽ rất nông. Tôi đã từng chứng kiến một ông thầy dạy khởi nghiệp trong hai ngày. Chỉ trong hai ngày, ông dạy các học viên tất cả từ lãnh đạo, quản trị nhân sự, tài chính, gọi vốn… mà khi học xong, học viên nào cũng cho rằng mình đã sẵn sàng, có đủ kiến thức để khởi nghiệp.

Tất nhiên khi làm thực sự, họ mới té ngửa vì những kiến thức đó không có cái nào dùng được. Thầy đã dày công chắt lọc, tối giản kiến thức nhưng tối giản quá nên sai, không dùng được. Buồn cười là khi học viên không sử dụng được kiến thức thì họ nghĩ rằng họ hiểu chưa đủ sâu, hoặc làm sai chứ chẳng bao giờ nghĩ rằng kiến thức vốn sai từ đầu.

Tác hại khác là con người sẽ tập trung vào thủ đoạn, thủ thuật chứ không tìm hiểu sâu và xây dựng nền tảng từ cơ bản. Họ tin rằng bí quyết thành công chỉ là một vài thủ thuật, mánh khóe mà biết được thì có thể làm giàu nhanh chóng. Họ quên mất nền tảng thành công chính là năng lực của bản thân. Họ bỏ số tiền rất lớn để theo học một số ông thầy nổi tiếng trên mạng, hy vọng có được những bí quyết thần thánh, giúp mình giàu lên nhanh chóng và kết quả bị lừa.

Warren Buffett đã từng nói bí quyết thành công của ông là đọc 500 trang sách mỗi ngày. Nó rất đơn giản, ai cũng làm được, nhưng ít người làm vì ai cũng muốn giàu lên nhanh chóng.

4, Cách xử lý

Đầu tiên, các bạn cần đọc thông tin chủ động. Người đọc cần tư duy, phân tích số liệu và rút ra kết luận của bản thân. Tự đặt câu hỏi rằng các số liệu có chính xác không và nên tư duy theo cách nào, hơn là mặc nhiên tin vào kết luận của một chuyên gia nào đó.

Tiếp theo, các bạn nên đọc thông tin đa chiều, đọc nhiều thông tin về cùng một vấn đề để có thể so sánh, đối chiếu. Tuy đọc nhiều khó khăn và mệt mỏi nhưng nếu không mở rộng khối lượng kiến thức thì khi gặp một vấn đề, bạn sẽ chẳng có gì để so sánh hay kiểm tra để kết luận bên nào đúng, bên nào sai.

Cuối cùng, hãy lựa chọn chuyên gia cẩn thận. Mỗi chuyên gia chỉ giỏi một lĩnh vực và những ý kiến họ đưa ra đều là ý kiến chủ quan. Vậy nên đừng hoàn toàn tin vào lời chuyên gia nói về mọi vấn đề. Hãy biết tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc và chủ động phân tích những lời chuyên gia nói.

Hi vọng sau bài viết này, các bạn sẽ chọn lọc kiến thức “bổ ích” và đáng tin cậy để tẩm bổ cho não mình mỗi ngày!

Tác giả: NCS Tiến sĩ Vũ Minh Trường (ĐH James Madison)