Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2023 cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022. Room tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này năm nay được cấp là 13,5% (năm 2022 là 9,5%).

334335625-3599384976970259-6754657770267134017-n-1677827068.jpg
 

Các ngân hàng còn lại đều được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu thấp hơn.

Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, thấp hơn so với 15% của năm 2022. ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn mức 11,5% của năm trước; VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9% trong khi năm trước là 15%.

NHNN cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng. Cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, NHNN sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01.

Cũng theo cơ quan này, việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...

Chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14- 15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2022, MSB ghi nhận lãi trước thuế 5.787 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước và đạt 85% kế hoạch năm.

Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 8.321 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm trước. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 161% so với năm trước đạt 1.000 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư đạt 683 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước.

Tuy nhiên, một số mảng kinh doanh của MSB lại có tăng trưởng âm như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 61% so với năm trước, lãi thuần từ hoạt động khác lỗ 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 662 tỷ đồng, chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 2 tỷ đồng, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 99% mang về chưa đầy 1 tỷ đồng trong khi năm trước lãi 101 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MSB đạt 213.393 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,8% đạt hơn 120.643 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 23,8% đạt 117.120 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 16,3% lên 2.055 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,74% xuống 1,7%.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MSB còn được biết đến với biệt danh “Tuấn chợ” là một trong số ít các chủ tịch ngân hàng sở hữu cá nhân chưa đến 1% cổ phần. Số cổ phiếu MSB mà ông Tuấn sở hữu là gần 12,3 triệu đơn vị, tương đương 0,85% vốn điều lệ ngân hàng.Trong khi ở nhiều ngân hàng, các ông chủ hầu như nắm rất nhiều cổ phiếu để thể hiện mức độ quyền lực chi phối.

Báo cáo quản trị năm 2020 cũng chỉ cho thấy ông Tuấn có 1 người liên quan đang sở hữu cổ phần tại MSB là ông Trần Phi Hạnh sở hữu gần 5,5 triệu cổ phần, tương đương 0,46% vốn điều lệ ngân hàng.

Chủ tịch Trần Anh Tuấn sinh năm 1969, từng theo học tại Nga và Mỹ với tấm bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ.
 
Từng có thời gian bươn chải tại Đông Âu như nhiều đại gia ngân hàng khác của Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn đã dành 10 năm học tập và sinh sống ở nước Nga trước khi quay về nước vào năm 1996. 

Sau khi về nước, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group).  Năm 2007, VID Group mua cổ phần chi phối tại Maritime Bank (tên cũ của MSB) từ Vinalines và các cổ đông khác; sau đó, ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc MSB. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT MSB.