Theo đó, CEO Tim Cook được cho là rất hài lòng với chuỗi cung ứng và hiệu suất thị trường của AirPods – sản phẩm chính mà Luxshare sản xuất. Cook cũng có ý định sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa nhằm điều chỉnh lại chuỗi công nghiệp và giới thiệu thêm các đối tác địa phương.

Luxshare có mặt tại Việt Nam từ năm 2019 và đến nay đã có 6 nhà máy tại Bắc Giang và Nghệ An. Theo một số nguồn tin từ các diễn đàn công nghệ thế giới, Apple cũng có ý định chuyển dần một vài dây chuyền sản xuất iPhone sang Việt Nam và Luxshare là lựa chọn của họ thay vì Foxconn.

Giảm dần sự phụ thuộc vào Foxconn

Động thái trên phần nào cho thấy Apple đang nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình và giảm dần sự phụ thuộc vào một mối duy nhất là Foxconn. Điều này cũng khá dễ hiểu khi một công ty cảm thấy mình bị phụ thuộc vào một thương hiệu rất nhiều thì họ sẽ tìm kiếm các giải pháp thay thế: với modem mạng di động thì có Intel và Qualcomm, màn hình thì có Samsung, LG, và BOE.

Foxconn từ những năm 2000 đã bắt đầu hợp tác với Apple và chịu trách nhiệm sản xuất và lắp ráp phần lớn các sản phẩm của nhà Táo. Hãng bắt đầu gia công iPod từ năm 2001 và iPhone từ năm 2007. Khi doanh số các thiết bị Apple tăng lên, dẫn đến số lượng các nhà máy lắp cũng tăng lên. Lúc này, theo mô tả của tờ Wall Street Journal, cục diện đã hình thành nên “tam giác phụ thuộc lẫn nhau.”

luxshare-1641288369.jpeg

Mối liên kết này được diễn giải như sau: Apple phụ thuộc vào Foxconn vì đây là bên cung ứng phần lớn thiết bị của hãng. Hãng cũng phụ thuộc vào Trung Quốc vì đây là thị trường béo bở nhất thế giới. Kết quả là, Foxconn phát triển nhờ lực lượng lao động khổng lồ của Trung Quốc và trở thành nhà tuyển dụng lớn nhất tại nước này. Và Apple cũng trở thành công ty đào tạo ra các nhà cung ứng công nghệ mới.

Mối quan hệ của cả hai cứ như vậy kéo dài hơn 20 năm cho đến khi sự xuất hiện của COVID-19. Dịch bệnh đã phần nào bộc lộ những rủi ro nghiêm trọng khi chỉ phụ thuộc vào một mối duy nhất. Từ đầu năm 2020, chuỗi cung ứng bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Trung Quốc – nơi cư trú của phần lớn nhà sản xuất toàn cầu bị bùng phát dịch đầu tiên. Lúc này, Foxconn cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, và đương nhiên nguồn cung thiết bị của Apple cũng bị gián đoạn nghiêm trọng tại thời điểm đó.

Để giải quyết tình huống này, đầu năm 2020, Apple tuyên bố sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất lắp ráp iPhone, Macbook sang Luxshare. Và đó cũng là thời điểm các nhà máy Luxshare tại Việt Nam bắt đầu sản xuất iPhone.

Nỗ lực phục hồi nguồn cung của Apple cũng được thể hiện qua việc Foxconn tăng dần số lượng sản xuất của mình tại Ấn Độ. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không như ý muốn khi nước này xảy ra đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vào tháng 5/2021.

Bối cảnh đặt ra lúc này cho Apple chính là chuyển hướng sang sự thay thế khác là Luxshare – một nhà suất có nhiều năm kinh nghiệm hợp với hãng (chỉ sau Foxconn).

Sự ưu ái của Apple cho Luxshare càng ngày càng nhiều cũng như ‘nỗ lực’ tự quảng bá bản thân đã khiến Foxconn phải dè chừng. “Ngay cả Young Liu (Chủ tịch Foxconn) cũng chú ý tới biến động giá cổ phiếu Luxshare. Giá trị thị trường của họ đã vượt Foxconn,” một quan chức cấp cao tại Trung Quốc tiết lộ, theo nguồn tin của Nikkei Asia Review.

Cuộc chiến Mỹ - Trung dai dẳng

Các đòn đánh lên thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ cuối năm 2021, các công ty công nghệ Trung Quốc đồng loạt rút niêm yết tại Mỹ, tiếp tục mở ra một chặng đường đầy khó khăn cho các doanh nghiệp.

Apple cũng không nằm ngoài xu hướng này. Bất cứ khi nào thuế quan trả đũa giữa hai bên được công bố, các nhà đầu tư vào cổ phiếu Apple đều phải chú ý vì một số sản phẩm của hãng có thể bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại.

Vào tháng 4/2018, Tim Cook đã tới thăm trực tiếp Nhà Trắng và trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông nói với Tổng thống Donald Trump rằng thuế quan không phải biện pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề về thương mại.

foxconn-reuters-full-158096503-3092-8924-1615429602-1641288419.jpeg

Apple ở một vị trí đặc biệt nguy hiểm nếu chiến tranh thương Mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Tuy có được sự đảm bảo của ông Trump về triển vọng của các doanh nghiệp Mỹ bất chấp cuộc xung đột, CEO của Apple Tim Cook vẫn lên tiếng chỉ trích kế hoạch này đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Apple tại thị trường Trung Quốc, cũng như khả năng cung cấp các mặt hàng công nghệ ra toàn thế giới.

Việc chuyển dần sự ưu tiên sang Luxshare cũng vì nguyên nhân này. So với Foxconn, Luxshare có phần đẩy mạnh đa dạng hoá nguồn cung sản xuất nhiều hơn khi có mặt tại Anh, Mỹ, Việt Nam, Hà Lan, Hàn Quốc,… Trong khi với Foxconn, các nhà máy chủ đạo của họ phần lớn nằm ở Trung Quốc đại lục.

Luxshare đang làm gì tại Việt Nam?

6 nhà máy của Luxshare tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ trở thành những dây chuyền sản xuất iPhone, iPad trong thời gian tới, theo Reuters.

Tại buổi làm việc với Bộ TT&TT sáng 27/1/2020, ông Lin Hung Sheng - Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: Tuy thành lập từ năm 2016, đến năm 2019, Luxshare mới bắt đầu mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Đây là công ty chuyên gia công sản xuất các sản phẩm cho nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới ở 3 lĩnh vực thông tin, ô tô và điện tử tiêu dùng.

Số vốn đầu tư của Luxshare tại Việt Nam hiện đạt 600 triệu đô la Mỹ. Hoạt động của doanh nghiệp này chủ yếu tại các nhà máy ở 2 tỉnh Bắc Giang (4 nhà máy) và Nghệ An (2 nhà máy).

Hiện có 45.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Luxshare Việt Nam, trong đó khoảng 2.000 chuyên gia là người nước ngoài. Doanh thu của Luxshare Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Dự kiến doanh thu năm 2021 của các nhà máy này sẽ là 6,5 tỷ đô la Mỹ.

Luxshare đang dự định thành lập trung tâm nghiên cứu tại chính các nhà máy. Đây sẽ là nơi tuyển chọn, bồi dưỡng một thế hệ các kỹ sư trẻ Việt Nam để phục vụ cho hoạt động sản xuất của công ty.

"Luxshare mong muốn đầu tư tại Việt Nam và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của kinh tế, xã hội Việt Nam" - ông Lin Hung Sheng cho hay.