Các số liệu của Drewry cho thấy sản lượng các container tương đương 20 feet đã giảm 71% từ 1,06 triệu tấn xuống còn 306.000 tấn trong khoảng thời gian từ quý 1/2022 đến quý 1/2023.

Đây là tình trạng trái ngược với cách đây 2 năm, khi tình trạng dịch Covid-19 đang diễn ra. Tại thời điểm đó, hiện tượng thiếu hụt container gây nên tình trạng cước vận tải và chi phí hàng hóa tăng vọt, tiền đề hình thành nên lạm phát tại nhiều quốc gia phát triển.

Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Việc thiếu hụt vỏ container đã khiến cho không ít doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn vì phải trả phí vận chuyển xuất khẩu hoá chất tăng 3 - 5 lần so với giá thông thường. Trước tình hình này, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định sản xuất vỏ container.

Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam, phát triển đa lĩnh vực. Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đón đầu xu hướng dịch chuyển và nhu cầu tăng trưởng container trên thế giới, Hòa Phát là đơn vị duy nhất sản xuất được loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết tại Việt Nam đã dấn thân vào mảng kinh doanh này.

fb-img-1684912742040-1684977263.jpg
 

Chia sẻ lý do sản xuất container, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm container trên thế giới rất lớn, trong khi 90% sản lượng sản xuất mặt hàng này thuộc về Trung Quốc.

Trước tình trạng đó, Hòa Phát sở hữu ba yếu tố cơ bản nhất để sản xuất container và có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc. Thứ nhất, Hòa Phát có nhà máy thép HRC và đã thử nghiệm thành công trong sản xuất container, thứ hai là giá nhân công trong nước thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Thứ hai, giá thành điện của Việt Nam hiện nay cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và thế giới.

Thứ ba, do Covid19, việc quay vòng và giải phóng các container rỗng đã đi vào bế tắc. Tình trạng này đã khiến ngành logistics toàn cầu và Việt Nam đối mặt với tình trạng khan hiếm container xuất khẩu. Theo báo cáo, giá thuê container liên tục tăng từ 2 đến 10 lần, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp phá sản.

Việc sản xuất container sẽ giúp Hòa Phát gia tăng giá trị cho sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), từ đó cải thiện biên lợi nhuận của công ty. Nhà máy thép Hòa Phát sản xuất container dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn HRC mỗi năm.

Nhà máy sản xuất container Hòa Phát được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu  cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với vốn đăng ký 3.000 tỷ đồng. Dự án này có công suất 500.000 TEU (Đơn vị tương đương 20ft) mỗi năm và tập trung vào các sản phẩm container thông thường 20-40ft. Trong giai đoạn 1, nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 200.000 TEU mỗi năm.

Theo kế hoạch của Hòa Phát, lô hàng container của công ty sẽ được đưa ra thị trường vào quý 2/2022. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Hòa Phát lùi lại cho đến tận bây giờ.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2023 vừa được công bố, phía Hòa Phát cũng không nói gì về họat động của dự án này cũng như tiến độ đưa sản phẩm vỏ container ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, nếu lục lại báo cáo thường niên năm 2022, có thể thấy, doanh nghiệp này có nhắc đến về dự án container của công ty.

fb-img-1684912739592-1684977263.jpg
 

"Dự án nhà máy sản xuất Container rỗng của Hòa Phát được đặt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40feet. Trong đó, modul giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm.

Nguyên liệu cho sản xuất container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này.

Về ván sàn cho container, Công ty đã tìm được một số nhà cung cấp nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung vật tư quan trọng này cho sản xuất. Ngoài ra, nhà cung cấp sơn của nước ngoài đã đầu tư thiết bị sản xuất tại Việt Nam, giúp Container Hòa Phát chủ động nguồn cung trong nước và tiết kiệm chi phí.

Sau hơn một năm xây dựng, giai đoạn 1 cơ bản đã thành hình, hiện Công ty CP Sản xuất container Hòa Phát đang hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị, dây chuyền công nghệ. Dự kiến, Nhà máy sẽ cho ra sản phẩm chính thức từ đầu quý 2/2023", báo cáo thường niên của Hòa Phát cho biết.

Một trong những điểm đáng chú ý khác trong báo cáo thường niên, tại mục Vay dài hạn, Hòa Phát có vay Ngân hàng TNHH Woori Việt Nam - chi nhánh Bắc Ninh 949,2 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng một số tài sản là các hệ thống, các máy móc và thiết bị cụ thể nhất định  cấu thành nên, gắn liền với, hoặc được sử dụng liên quan đến Nhà Máy Container của một công ty con trong Tập đoàn. Khoản vay này chịu lãi suất SOFR kỳ hạn 3 tháng + 2,25%/năm. Các khoản vay dài hạn bằng VND chịu lãi suất từ 2,6% đến 8,4%/năm (1/1/2022: từ 2,6% đến 8,4%/năm).

Chia sẻ về việc nhà máy sản xuất contaner bị lỡ kế hoạch, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát cho biết, "hiện tại ngành tàu biển đã quay về mức giá trước COVID nên mảng container gặp khó khăn, nhưng may là Hòa Phát không đi vay nên cứ bình tĩnh. Có thể giờ không tốt nhưng lâu dài sẽ tốt".