Petrolimex vừa gửi tài liệu đến cổ đông trước thềm đại hội cổ đông bất thường năm 2025, dự kiến diễn ra vào ngày 28/3, với nội dung chính là thông qua phương án sáp nhập Tổng công ty Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (PTC) vào tập đoàn.

PTC được thành lập từ năm 2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ vận tải xăng dầu đường bộ và kinh doanh xăng dầu. Cơ cấu tổ chức của PTC bao gồm công ty mẹ, 6 công ty thành viên chuyên về vận tải và 3 chi nhánh trực thuộc.

tu-thay-loi-nhuan-chua-xung-tam-petrolimex-ra-quyet-dinh-lon-voi-mot-tong-cong-ty-300-ti-1741666299.jpg

Tuy nhiên, theo Petrolimex:
- PTC chưa thực sự phát huy hiệu quả. Công ty mẹ PTC chưa thể hiện được vai trò quản lý tập trung, công tác điều độ vận tải chưa có nhiều cải thiện so với trước khi thành lập. Việc tối ưu hóa logistics và điều phối vận tải chưa đạt yêu cầu của tập đoàn. Hơn nữa, chi phí vận hành của PTC ngày càng gia tăng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh chung của Petrolimex.

- Lợi nhuận mà Petrolimex thu về từ PTC hàng năm chưa tương xứng với số vốn đầu tư. Ngoài ra, với mô hình hiện tại của PTC, Petrolimex gặp khó khăn trong việc triển khai các công nghệ mới để hiện đại hóa mô hình quản trị và điều hành.

- Trước những hạn chế này, Petrolimex đã nghiên cứu và đi đến quyết định tái cơ cấu PTC bằng phương án sáp nhập vào tập đoàn. Việc sáp nhập được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa công tác điều độ vận tải, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.

=> Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của Petrolimex vẫn giữ nguyên ở mức hơn 12.900 tỉ đồng. Việc sáp nhập không làm thay đổi người đại diện pháp luật của tập đoàn, ngành nghề kinh doanh, cũng như các vị trí lãnh đạo quan trọng như Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát hay Tổng giám đốc.