Mức tiêu thụ sản phẩm xăng dầu bình quân đầu người của Việt Nam (305 lít/năm) vẫn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia. Vì vậy, thị trường phân phối xăng dầu Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh với tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6% mỗi năm. 

Theo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2030. Điều này tạo nền tảng vững vàng cho doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân phối xăng dầu như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX) tiếp tục tăng trưởng. 

Cùng với đó, lĩnh vực phân phối xăng dầu trong nước đã trở lại trạng thái ‘bình thường’ kể từ đầu năm 2023 khi các yếu tố gây gián đoạn nguồn cung trong năm 2022 về cơ bản đã được giải quyết. 

Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính tại Nhà máy lọc dầu (NMLD) Nghi Sơn. Đây sẽ là cơ sở để NMLD Nghi Sơn hoạt động ổn định trong những năm tới, tăng tỷ trọng cung ứng trong nước, và giúp giảm chi phí nhập khẩu cho các nhà phân phối.

Phụ phí kinh doanh xăng dầu được cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời và đầy đủ hơn. Mới đây nhất, cơ quan quản lý đã tăng chi phí kinh doanh định mức thêm 30 đồng/lít (đối với xăng và dầu diesel) kể từ tháng 7.
Điều này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các đơn vị phân phối xăng dầu như PLX, giúp giảm thiểu các khoản chi phí kinh doanh xăng dầuphát sinh đột biến như trong năm 2022 và đảm bảo một mức LN gộp trên mỗi lít sản phẩm ổn định cho PLX trong những năm tới.

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty giảm 8,9% so với cùng kỳ, đạt 205.596 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tác động trái chiều của giá bán xăng dầu giảm và sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng

Chi phí bán hàng tăng 21,2% so với cùng kỳ lên 8.876 tỷ đồng do chi phí nhân viên tăng (tăng 25,7% so với cùng kỳ) cùng chiều với đà tăng sản lượng tiêu thụ xăng dầu, gây áp lực lớn lên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm.

Lợi nhuận tài chính thuần của công ty trong 3 quý đầu năm đã tăng vọt lên 770 tỷ đồng chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận 646 tỷ đồng từ việc thoái vốn
khỏi PGBank.

Tổng chung lợi nhuận gộp của công ty trong 9 tháng đã tăng 40,2% so với cùng kỳ, đạt 11.270 tỷ đồng. Có được điều này là nhờ sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng và thị trường xăng dầu trong nước ổn định trở lại.

Trong 9 tháng, nguồn cung nội địa trở lại trạng thái bình thường khi NMLD Nghi Sơn hoạt động hết công suất, giúp PLX giảm thiểu khoản chi phí kinh doanh xăng dầu đột biến, đặc biệt là chi phí nhập khẩu như trong 9 tháng năm 2022.

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, Công ty chứng khoán VnDirect cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận ròng của PLX sẽ tăng 11,7%/9,3% so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025 nhờ các yếu tố sau:

Theo đà tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam, chúng tôi dự báo tổng sản lượng tiêu thụ của PLX sẽ đạt tăng trưởng kép 4,3%, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ nội địa và sản lượng nhiên liên bay tăng.

Thị trường xăng dầu trong nước ổn định trở lại sẽ giúp PLX cải thiện lợi nhuận gộp trên mỗi lít sản phẩm. Chúng tôi kỳ vọng LN gộp trên lít của PLX sẽ cải thiện lần lượt 4,3%/1,3% so với cùng kỳ trong năm 2024 - 2025".

Công ty chứng khoán này nhận định, doanh thu của PLX trong năm 2023 là 276.987 tỷ đồng, năm 2024 là 293.281 tỷ đồng và sang đến năm 2025 là 292.065 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính trong giai đoạn này cũng đạt 902 tỷ đồng trong năm 2023, giảm xuống còn 278 tỷ đồng trong năm 2024 và lên mức 299 tỷ đồng cho năm 2025. Nguyên nhân khiến hoạt động tài chính giảm lợi nhuận, theo VnDirect là do lượng tiền mặt hơn 2.500 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn khỏi PGBank sẽ giúp PLX cải thiện thu nhập từ tiền gửi trong những năm tới

"Chúng tôi tăng dự phóng lợi nhuận gộp năm 2023 - 2025 thêm 4,4%/4,2%/6,8% sau khi chúng tôi điều chỉnh tăng giả định lợi nhuận  gộp trên mỗi lít thêm 4,9% /5,4% /8,0% trong cùng giai đoạn", VnDirect cho biết. Theo tính toán của công ty chứng khoán này, lợi nhuận gộp của PLX lần lượt sẽ đạt 14.914 - 15.748 và 16.462 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ở một diễn biến khác, mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – PGB) vừa ban hành Nghị quyết về việc thay đổi tên thương mại.

Cụ thể, ngân hàng thay đổi tên viết bằng tiếng Việt đang sử dụng "Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng Dầu Petrolimex" thành "Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển". 

Tên viết bằng tiếng nước ngoài thay đổi từ "Petrolimex Group Commercial Joint Stock Bank" thành "Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank". Tên viết tắt thay đổi từ "PG Bank" thành "PGBank". Nghị quyết này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023.

PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.