Sáng nay (7/4), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (Petrolimex) đã tổ chức đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu PGB của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Kết quả, 3 tổ chức và 1 cá nhân trong nước đã mua vào toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB của Petrolimex với giá bình quân 21.400 đồng/cp. Mức giá này nhỉnh hơn một chút so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp mà Petrolimex đưa ra nhưng thấp hơn khoảng 13% so với thị giá hiện tại của PGB. Ước tính theo mức giá trúng thầu, Petrolimex có thể thu về 2.568 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này.

Kế hoạch thoái vốn tại PG Bank theo yêu cầu của Nhà nước đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, thương vụ này chưa thể hoàn tất.

pg-bank-doi-chu-1680841086.jpg
 

Petrolimex gửi hàng nghìn tỷ tại PG Bank

Việc Petrolimex thoái vốn khỏi PG Bank sẽ có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Một số tác động có thể kể đến là liên quan đến tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, tài khoản ngân hàng và dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng.

Chia sẻ tại hội thảo “Cơ hội đầu tư Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank)”, ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Petrolimex - cho biết: Sau khi Petrolimex thoái vốn, không có cam kết về số dư tiền gửi tại PG Bank. Tuy nhiên, với trách nhiệm, tình cảm gắn bó của Petrolimex với PG Bank, vẫn có ưu tiên dựa trên nguyên tắc bình đẳng, chia sẻ lợi ích và Petrolimex tiếp tục hỗ trợ PG Bank trong phạm vị luật pháp cho phép.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022, tại thời điểm 31/12/2022, Petrolimex và các công ty con, công ty liên kết đang có tổng cộng gần 3.156 tỷ đồng tiền gửi tại PG Bank. Con số này tương đương hơn 10% tổng tiền gửi khách hàng của PG Bank.

Trong đó, riêng Petrolimex gửi 1.637 tỷ đồng, bao gồm 1.037 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và 600 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Các công ty con và công ty liên kết trong Tập đoàn Petrolimex có 217 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và hơn 1.302 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Ngoài ra, Petrolimex và các công ty con, công ty liên kết còn có hơn 18,9 tỷ đồng lãi tiền gửi tại PG Bank.

Về phía vay nợ, Petrolimex không ghi nhận số dư nơ vay với PG Bank tại thời điểm 31/12/2022. Trong khi các công ty con và công ty liên kết trong tập đoàn vay hơn 619,9 tỷ đồng, tương đương 2,1% tổng dư nợ cho vay khách hàng của PG Bank vào cuối năm 2022.

Ai sẽ thay Petrolimex cầm trịch “cuộc chơi” tại PG Bank?

Với kết quả đấu giá trên, nhóm nhà đầu tư mua được 40% vốn mà Petrolimex để lại sẽ có đủ khả năng chi phối các quyết định của nhà băng có quy mô tài sản hơn 48.991 tỷ đồng.

Hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin nào về những cái tên tham gia phiên đấu giá của Petrolimex. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nhiều khả năng tham gia là các cổ đông hiện hữu của PG Bank hoặc các tổ chức, cá nhân liên quan đến các cổ đông này.

PG Bank là ngân hàng có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Tại thời điểm ngày 26/10/2020, ngân hàng ghi nhận gồm 53 cổ đông tổ chức với tỷ lệ sở hữu là 67,37%, riêng Petrolimex hơn 40%. Tỷ lệ này đã cô đặc hơn rất nhiều khi biên bản cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 26/4/2022 cho biết chỉ 43 cổ đông tham dự đã đại diện cho 96% cổ phần có quyền biểu quyết.

Đáng chú ý, MSB từng là cổ đông lớn tại PG Bank, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào đã mua số cổ phần trên.

Mặt khác, MSB mới đây đã công bố tờ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tờ trình cho biết, dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Trước đó, thị trường từng đồn đoán về sự gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank của một "ông lớn’’ trong lĩnh vực bất động sản có liên quan với MSB. Tin này được cho là có cơ sở khi một số nhân sự của MSB sang làm sếp lớn tại PG Bank.

Cũng liên quan đến quan hệ giữa 2 nhà băng này, trong năm 2021, MSB tham gia đợt phát hành trái phiếu hiếm thấy của PG Bank với vai trò là đơn vị đăng ký, lưu ký lô trái phiếu. PG Bank cho biết một ngân hàng đã 500 tỷ trái phiếu trên nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.

Trở lại với PG Bank, ngân hàng này không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém và nợ xấu cũng dưới 3%, tương đối phù hợp với các tiêu chí mà MSB đã công bố. Và điểm đáng chú ý là nhà băng này từng nhiều lần lên kế hoạch sáp nhập với các ngân hàng khác nhưng đều không thành công.

Ở thương vụ đầu tiên, PG Bank muốn tiến tới với VietinBank nhưng bất thành do vướng mắc về pháp lý. Sau VietinBank, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã từng tìm đến PGBank. Hai bên cho biết đã có quá trình "đàm phán, đánh giá, trao đổi sâu", nhưng không có thỏa thuận nào được thông qua.

Tiếp đó, HDBank xuất hiện. Hai ngân hàng đã đi tới những bước cuối cùng. Theo lộ trình khi đó, hai ngân hàng dự kiến hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2018 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán. Tuy nhiên, các bước trong kế hoạch đã không như dự kiến. Và đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Ban lãnh đạo PGBank chính thức thông báo dừng kế hoạch sáp nhập này.