Có thể nói theo chuẩn của mình Trung Quốc đã vượt qua đại dịch Covid-19 theo chiến lược: Truy vết cách ly Zero Covid + Vaccine. Với năng lực thực thi quyết liệt và tài chính ghê gớm họ xác định đã kiểm soát được dịch bệnh. Xem cách họ tổ chức 100 năm thành lập ĐCS thì thấy.

Không những vậy có cảm giác họ đã đi trước thế giới, như đã vượt qua cả hậu Covid để chuyển sang bình thường mới đúng nghĩa. Nhìn vào cách thực thi chính sách tiền tệ thì thấy: Để chống dịch Trung Quốc cũng bơm tiền ào ạt như bao nước khác. Trước đe dọa lạm phát họ cũng đã kịp thắt chặt chính sách tiền tệ từ cuối năm 2020-2021 chứ không phải đến 2022-2023 như Âu Mỹ. Và đến nay lại nới lỏng lần nữa nhưng có chọn lọc. Covid không còn là quan tâm lớn nhất của Trung Quốc, và cả của ông Tập Cận Bình.

images3031917-1tapcanbinh-1633579605.jpg
ông Tập Cận Bình đang nhắm tới mục tiêu nhiệm kỳ 3

Ông Tập đang bận tâm vào một việc khác - tất cả các động thái của ông ta từ năm 2019 đến nay đều nhắm tới mục tiêu này - nhiệm kỳ 3.

Tập Cận Bình là một chính trị gia của trường phái hướng đích cứng rắn. Con người ông như vậy. Hầu như không có ảnh nào thấy ông cười thật. Thảng hoặc ông có vẻ cười nhưng chỉ là nhếch môi như cười giả, vô cảm… và ánh mắt ông ta vẫn luôn trầm tư, u ám. Ông không thích tranh luận và không chấp nhận người bất đồng quan điểm dưới bất kỳ hình thức nào. Như Đặng Tiểu Bình ông rất thực dụng. Như ông Mao ông thẳng tay trừng trị các đối thủ xa và gần.

Sau 2 nhiệm kỳ cầm quyền của ông Tập Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, từ một cơ quan ra quyết định tập thể nơi bảy người quyền lực nhất Trung Quốc có quyền phủ quyết và có thượng phương bảo kiếm bảo vệ người thân và cận thần của mình trước đây, nay đã trở thành một bộ máy cung cấp quyền lực cho 1 người là ông Tập Cận Bình. 6 người còn lại chỉ là một phần của bộ máy và trở thành cận thần của ông Tập. Từ thời sau ông Mao Trạch Đông, ông Tập là người quyền lực nhất và đang tiến dần đến quyền lực tuyệt đối tại Trung Quốc.

Kể cả như vậy để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 3, mọi việc không hề dễ dàng, không phải không có lời ra tiếng vào và các ứng viên tiềm năng khác. Cần dẹp bỏ rủi ro, chuẩn bị lực lượng, dựng thế vững và lực mạnh hơn, sẵn sàng nền tảng tư tưởng để thực hiện vai trò lãnh đạo hạt nhân - tức duy nhất.

Ông Tập sẽ tập trung làm 6 việc.

1. Giữ vững thành quả chống Covid:

Khi ở Trung Quốc bắt đầu bùng phát Covid tưởng như không kiểm soát được đã có người bình luận đó như một dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Tập. Điều ấy càng thúc đẩy ông Tập sử dụng các biện pháp hà khắc nhất chống Covid. Và qua đó vượt qua thử thách lớn nhất đối với quyền lực cá nhân ông. Phải nói ông Tập đã biến họa của nhân loại thành phúc cho mình: thành công chống Covid đã giúp ông Tập củng cố quyền lực cá nhân.

Và bây giờ bằng mọi giá ông phải giữ vững thành quả chống Covid thành công như một dấu ấn quyền lực không chỉ trong nước và quốc tế. Do vậy mục tiêu Zero Covid và cách làm hiện sẽ được duy trì ít nhất đến hết năm 2022, sau Đại hội Đảng CSTQ lần thứ 20. Trung Quốc sẽ chấp nhận đóng cửa đến lúc ấy.

Trong lúc đóng cửa, họ có thị trường nội địa khổng lồ đang cần tái cơ cấu, và tiện thể các vấn đề sắc tộc sẽ được “tranh thủ” giải quyết.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế:

Công cuộc tái cơ cấu nhằm biến Trung Quốc từ Công xưởng thế giới thành Thị trường của thế giới sẽ tiếp tục theo định hướng của ông Tập.

Kinh tế thị trường đặc thù Trung Quốc của ông Tập cần thoát khỏi những bất cập theo kiểu phương Tây, đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo: hiện 20% hộ gia đình hàng đầu của Trung Quốc chiếm trên 45% thu nhập cả nước và 1% gia đình giàu nhất Trung Quốc sở hữu hơn 30% tài sản hộ gia đình.

Ông Tập cũng không thích các đại gia có hành vi vay mượn thái quá: theo ông đó là nguồn cơn của bất công bằng và bất ổn xã hội.

Và dĩ nhiên ông Tập càng không chấp nhận sự lớn mạnh của doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh không lành mạnh, làm “băng hoại xã hội” (theo ông Tập) và sở hữu nguồn tài nguyên Big Data màu mỡ khi có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu cá nhân (là điều đáng ra chỉ nhà nước mới được phép). Qua đó biến các ông chủ MXH thành quyền lực xã hội để rồi quay lại đòi “dạy” Chính phủ quản lý thị trường thế nào như Jack Ma, hay thành một người có quyền sinh quyền sát với mọi tài khoản mạng xã hội và khi muốn có thể sỉ nhục cả nguyên thủ quốc gia như các đại gia công nghệ Mỹ đối xử với ông Trump.

Một xã hội và nền kinh tế tốt, theo ông Tập, là nơi không có một số các doanh nghiệp siêu lớn mà của nhiều doanh nghiệp lớn vừa, vừa và nhỏ phát đạt cũng như các cá nhân thu nhập tốt. Và tất cả đều phục vụ các mục tiêu và phục tùng yêu cầu của Nhà nước.

Mục tiêu trước mắt của ông Tập trong tái cơ cấu kinh tế là không có các đại gia lắm chuyện khó bảo, tạo ra một tầng lớp thật lớn các trung lưu dễ bảo để có một thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Ông Tập xử lý theo cách của mình:

- Chênh lệch giàu nghèo, vấn đề toàn cầu, sẽ được giải quyết theo kiểu rất rất mang bộ mặt Trung Quốc: ông Tập bắt đầu chương trình “Cộng đồng phú dụ” tức “Cùng giàu”. Diễn Nôm ra là giới siêu giàu cần chia lại của cải cho người nghèo, giàu vừa thì giàu chậm lại, giới trung lưu và nghèo được tạo cơ hội nhiều hơn… để tất cả "cùng giàu". Ngay sau khi ông Tập mở lời 7 đại gia Trung Quốc đã cùng nhau chi gần $5 tỷ để làm “từ thiện”. Đó chỉ là khởi đầu.

- Các đại gia công nghệ: là câu chuyện sẽ nói riêng.

- Với các đại gia Bất động sản (BĐS) phình lớn quá nhanh, sống dựa vào quan hệ và vốn vay ông Tập hạn chế bằng cách tạo ra các rào cản tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Mô hình kinh doanh của các công ty phát triển BĐS Trung Quốc dựa trên vốn vay, nhu cầu nhà ở ngày càng cao và giá nhà, giá cho thuê tăng nhanh chóng mặt. Cứ mua đất, mua nhà là có lãi. Các nhà phát triển BĐS xây kiểu gì bán cũng có lãi nên vay không biết sợ. Mà mô hình này đòi hỏi năm sau vay nhiều hơn năm trước. Vay ngân hàng, vay các quỹ, vay nhà cung cấp, vay khách hàng… hệ số đòn bẩy cực cao.

Mô hình kinh doanh này phình càng to thì khi nổ càng nguy hiểm. Chính phủ Trung Quốc thấy rõ mối nguy hiểm đó.

Để ngăn chặn rủi ro năm 2020 Trung Quốc công bố ba tiêu chí đỏ để cấp tín dụng cho các công ty bất động sản, đó là:

* Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản không quá 70% (không kể tiền người mua trả trước);

* Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu không quá 100%;

* Tỷ lệ tiền mặt trên vay ngắn hạn ít nhất phải bằng 1.

Nếu vi phạm sẽ bị hạn chế hay không được tăng tín dụng.

Tiêu chí vay mua nhà cũng bị thắt chặt.

Các hoạt động này vừa để hạn chế rủi ro vỡ bong bóng thị trường BĐS tăng quá nóng vừa phục vụ các mục tiêu chính trị xa hơn.

- Song song với đó Trung Quốc triển khai hàng loạt các biện pháp trao cơ hội phát triển, tăng khả năng tiếp cận các ngân hàng đối với SMEs và siêu nhỏ, cá nhân.

Tất cả nhằm tăng sức tiêu dùng cá nhân thông qua tăng tầng lớp trung lưu, tăng cường tiêu dùng xã hội nhằm biến Trung Quốc thành thị trường tăng trưởng bền vững.

- Đáng chú ý nữa là dù trên thực tế các động thái gần đây của PBoC dường như vẫn tiếp tục các chương trình nói lỏng tiền tệ nhưng lại làm đồng NDT… mạnh lên!!! (So 4/2020 đồng NDT đã tăng giá 10%). Chuẩn bị xây dựng thị trường tiêu thụ bằng việc làm NDT mạnh lên tý chút lại là bước đi không tồi. Nước Mỹ trước đây thời TT Obama và TT Trump đòi Trung Quốc nâng giá NDT nay chả cần ép nữa. Trung Quốc tự mình cũng muốn thế.

(Còn tiếp)

Nguồn: Doanh nhân Lý Xuân Hải