Tất cả các đồng tiền kỹ thuật số, bao gồm cả Bitcoin và Tether, không phải là đồng tiền pháp định và không thể lưu thông trên thị trường, NHTW Trung Quốc cho biết trên trang web của mình.
Tất cả các giao dịch liên quan tới tiền ảo – bao gồm cả dịch vụ mà các sàn giao dịch nước ngoài cung cấp cho người dân Trung Quốc – đều được xem là hoạt động tài chính bất hợp pháp, PBoC cho biết trong một tuyên bố.
“Các định chế tài chính và định chế thanh toán phi ngân hàng không được cung cấp dịch vụ cho các hoạt động và nghiệp vụ liên quan tới tiền kỹ thuật số”, NHTW Trung Quốc cho biết trong ngày 24/09.
Bitcoin có lúc rớt 4.5% và Ethereum cũng tụt dốc hơn 8% trong ngày 24/09. Các cổ phiếu liên quan tới tiền kỹ thuật số cũng sụt giảm. Trong khi đó, cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc cho biết đào thải hoạt động đào tiền ảo là một nhiệm vụ cấp bách của nước này. Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ ngành tiền kỹ thuật số cũng rất quan trọng trong việc đạt mục tiêu giảm khí thải.
Cổ phiếu trong lĩnh vực tiền điện tử và các công ty liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng chịu áp lực lớn, khi các công ty khai thác Bitcoin được niêm yết tại Mỹ là Riot Blockchain, Marathon Digital và Bit Digital trượt giá cổ phiếu từ 4,1% đến 5,1% trong giao dịch trước giờ mở cửa.
Trung Quốc từng được coi là công xưởng khai thác Bitcoin của thế giới, tuy nhiên từ đầu năm nay, chính phủ nước này đã ban hành một loạt quy định nhằm hạn chế việc hoạt động của các “mỏ đào” Bitcoin, đồng thời áp đặt hạn chế đối với các dịch vụ ngân hàng liên quan đến tiền mã hóa.
Ông Joseph Edwards, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc công ty môi giới tiền điện tử Enigma Securities, đánh giá: "Nhìn chung, thị trường tiền điện tử đang ở trong trạng thái hết sức mong manh và những sự rớt giá này đã thể hiện điều đó - đó là tâm lý sợ hãi trên thị trường. Ở Trung Quốc, tiền điện tử tiếp tục tồn tại trong vùng xám về tính hợp pháp."
Giám đốc điều hành Bespoke Growth Partners, Mark Peikin cho rằng đây là sự khởi đầu của một áp lực lớn và ngắn hạn lên giá Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Theo ông, "những rủi ro mà các nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt sẽ có tác động lan tỏa đáng kể" dẫn đến biến động trên thị trường tiền số của Mỹ.
Năm 2013, Trung Quốc ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba ngừng sử dụng Bitcoin. Nhà chức trách cấm phát hành token năm 2017 và cam kết sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền số năm 2019. Đầu năm nay, việc Trung Quốc cấm khai thác tiền số đã khiến một nửa mạng Bitcoin toàn cầu ngoại tuyến trong vài tháng.
"Thông báo hôm 24/9 không hoàn toàn mới và cũng không phải là một sự thay đổi trong chính sách", Boaz Sobrado, Nhà phân tích dữ liệu fintech tại London, nhận xét.
Nhưng lần này, thông báo đó liên kết đến 10 cơ quan, bao gồm các đơn vị quan trọng như Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an, nhằm thể hiện sự đoàn kết hơn nữa giữa những người đồng cấp hàng đầu của nước này trong việc chống lại tiền số. Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước cũng lên tiếng, có thể là dấu hiệu cho thấy việc thực thi sẽ tăng lên.
Và không giống như các tuyên bố của chính phủ trước đây chỉ đề cập đến tiền kỹ thuật số nói chung, lần này, nhà quản lý Trung Quốc chỉ thẳng các đồng tiền cụ thể như Bitcoin, Ethereum và Tether.
"Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã từng phớt lờ cuộc trấn áp mới nhất và lớn nhất của chính phủ Trung Quốc đối với giao dịch tiền số trong vài tháng qua, có thể giờ không còn hào hứng nữa", Peikin nói.
Theo Peikin, từ trước đến nay, phần lớn các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn nhộn nhịp đầu tư tiền số bằng cách sử dụng các thị trường phi tập trung nội địa hoặc các nền tảng nước ngoài để đạt được thỏa thuận về giá. Sau đó, họ chuyển nhân dân tệ thông qua các nhân hàng hoặc nền tảng fintech để thanh toán.
Nhưng PBOC đã cải thiện khả năng giám sát các giao dịch tiền điện tử. Gần đây họ đã cấm các công ty fintech, bao gồm cả Ant Group, không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền số. Do đó, theo Peikin các phương thức giao dịch của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ ngày càng hẹp dần.
Tuyên bố từ PBOC bổ sung thêm các tin tức khác về Trung Quốc trong tuần này, tạo nên cuộc khuấy động trên thị trường tiền số. Trước đó, cuộc khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên lo ngại về bong bóng bất động sản đang gia tăng ở Trung Quốc. Nỗi sợ hãi đó đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, khiến giá của nhiều loại tiền số chìm trong sắc đỏ.