Hệ sinh thái đa ngành của Searefico
"Sống tử tế, Làm đàng hoàng, Để lại di sản" là tôn chỉ phát triển của Công ty Cổ phần Searefico (mã chứng khoán SRF). Searefico tiền thân là Công ty Cổ phần Kỹ Nghệ lạnh Searefico với lĩnh vực hoạt động chính là Lạnh công nghiệp và Cơ điện công trình.
Hiện tại, doanh nghiệp này đã chuyển sang mô hình Pure Holding. Công ty chú trọng vào hoạt động đầu tư, hoàn chỉnh hệ sinh thái đa ngành nghề, chuyển giao các hoạt động tổng thầu MEP, EPC, lạnh công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng mới,… sang các đơn vị thành viên Tập đoàn. Trong đó, Công ty mẹ tập trung quản lý vốn và đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh mới.
Searefico hiện có 6 công ty thành viên:
- Công ty CP Kỹ thuật và Xây dựng Searefico (Searefico E&C) chuyên thiết kế và thi công trọn gói các hạng mục cơ điện lạnh và xây dựng công nghiệp; cung cấp lắp đặt các kho thông minh, dây chuyền công nghệ, hệ thống tự động hoá trong nhà máy công nghiệp.
- Công ty CP Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Arico): Công ty dẫn đầu trong lĩnh vực lạnh công nghiệp và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.
- Công ty CP Bất động sản Seareal hợp tác với chủ đầu tư để mua bán, khai thác bất động sản, M&A và phát triển các dự án khu công nghiệp, hỗ trợ cho hoạt động các cốt lõi của Searefico.
- Công ty CP Greenpan: Với sản phẩm chủ lực là tấm panel xây dựng PIR đa chủng loại.
- Công ty CP Cơ điện lạnh Searee: Nhà thầu Cơ Điện uy tín hàng đầu tại miền Trung.
- Công ty CP Phoenix Energy & Automation: cung cấp giải pháp năng lượng xanh và tự động hóa thông qua hoạt động tư vấn, khảo sát, thiết kế và lắp đặt các dự án năng lượng mặt trời áp mái cho các khu công nghiệp và nhà dân; cung cấp lắp đặt các hệ thống tự động hóa cho các nhà máy trong ngành chế biến thuỷ hải sản, rượu bia, nước giải khát.
Về phạm vi hoạt động, Searefico hoạt động trải dài khắp cả nước từ Bắc - Nam đến các vùng hải đảo. Sản phẩm Lạnh công nghiệp của Công ty còn được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như Indonesia, Philippines, Cambodia, Ấn Độ và Vùng Nam Thái Bình Dương (Quần đảo Solomon).
Mục tiêu phát triển của công ty là trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Chủ tịch HĐQT Searefico là ông Lê Tấn Phước.
Searefico kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt 416 tỷ đồng – giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế năm 2022, SRF đạt doanh thu thuần 1.186 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu công trình xây dựng và lắp đặt đạt 854 tỷ đồng, doanh thu cho thuê 2,4 tỷ đồng, doanh thu bán hàng là 311 tỷ đồng và doanh thu khác đạt gần 19 tỷ đồng.
Tuy nhiên do giá vốn tăng cao lên hơn 490 tỷ đồng, SRF lỗ gộp gần 75 tỷ đồng trong quý 4 và 1.202 tỷ đồng trong năm 2022. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ 9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế SRF âm 147 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 20 tỷ đồng. Lũy kế năm 2022, SRF lỗ sau thuế 141 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, trong giải trình của Searefico cho biết, do tác động khó khăn từ nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2022 ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp các dự án. Trong năm công ty đã tiến hành thoái vốn tại Công ty Cổ phần xây lắp Thừa Thiên Huế dẫn đến lãi lỗ trong công ty liên kết giảm. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với quý 4/2021 nguyên nhân chủ yếu do tiễn hành đánh giá lại các khoản phải thu, thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi.
Công ty không còn ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết (năm 2021 lãi 3 tỷ đồng) do đã thoái vốn tại CTCP xây lắp Thừa Thiên Huế (HHC). Ngày 17/1/2022, HĐQT công ty đã ban hành quyết định về thoái toàn bộ vốn đầu tư tại HHC và giao dịch đã hoàn thành ngày 21/3/2022. Tại ngày 31/12/2021, giá trị khoản đầu tư của SRF tại HHC là 159 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 36%.
Trong năm 2022, doanh nghiệp này cũng nhận được gần 105 tỷ đồng từ doanh thu hoạt động tài chính. Trong đó, chiếm số nhiều là lãi bán khoản đầu tư đạt gần 88 tỷ đồng, lãi tiền gửi, tiền cho vay là 11,5 tỷ đồng, lãi trái phiếu gần 4 tỷ đồng, lợi nhuận được chia 84 triệu đồng và 2 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản SRF ở mức 1.731 tỷ đồng, giảm 122 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn 723 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản. Khoản phải dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên gần 109 tỷ đồng, tăng thêm 77 tỷ đồng trong năm 2022.
Nợ phải trả SRF ở mức 1.302 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, tổng nợ vay ở mức 502 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của SRF là Ngân hàng VietinBank, ngân hàng BIDV, ngân hàng Techcombank.
Trong quý 4, SRF chi gần 1,6 tỷ đồng trả thù lao cho Hội đồng quả trị, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc và các cán bộ chủ chốt. Tựu chung, cả năm doanh nghiệp này chi hơn 11 tỷ đồng chi thù lao dàn lãnh đạo, tăng 43% so với năm 2021.